(Xây dựng) – Đây là một trong những mục tiêu phát triển tổng quát và cụ thể của Thành phố Hồ Chí Minh trong chủ trương Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo đó, Quy hoạch xác định đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu thành đô thị toàn cầu, là Thành phố phát triển, hiện đại, văn minh, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, phải trở thành nơi đáng đến, đáng sống.
Hạ tầng giao thông cũ Thành phố Hồ Chí Minh đang được đầu tư xây dựng. |
Giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, quy hoạch và Đồ án điều chỉnh quy hoạch là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của Thành phố. Đến thời điểm này, quy hoạch đã được triển khai hết sức công phu, nghiêm túc, tuy có chậm so với thời gian chung, nhưng do Thành phố lớn, rộng, nhiều vấn đề cần sắp xếp và tính toán kỹ. Do đó, quy hoạch đã bám sát quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, bảo đảm cho việc định hướng tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn mới.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh xác định dân số đến năm 2040 là 13 triệu người, tăng lên 14,5 triệu người vào năm 2050 và đạt 16 triệu người vào năm 2060. Đồng thời định hướng phát triển đô thị của Thành phố cũng theo 5 phân vùng: Trung tâm, phía Đông, phía Bắc - Tây Bắc, phía Tây và phía Nam. Đây được xem là những thành phố Vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh nên việc kết nối về hạ tầng giao thông phải đảm bảo lưu thông.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến năm 2030 Thành phố vẫn giữ nguyên 16 quận, 5 huyện (Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi) và thành phố Thủ Đức. Do đó, giai đoạn này sẽ củng cố, tăng chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, 5 huyện ngoại thành tập trung xây dựng hạ tầng hướng đến các chỉ tiêu đô thị để chuyển lên thành phố trực thuộc tỉnh. Sau năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các vùng đô thị theo mô hình đa trung tâm và đến năm 2040 sẽ hình thành 5 thành phố giống như thành phố Thủ Đức hiện tại.
Thực tế hiện nay, Thành phố luôn trong tình trạng quá tải về hạ tầng giao thông nội đô cũng như kết nối vùng còn hạn chế. Theo các chuyên gia, quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh cần giải quyết được những tồn tại bất cập về tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để phát triển đô thị nén thì trong quy hoạch phải còn chỉ tiêu dân số, đặc biệt là phải đầu tư hạ tầng, mở rộng đường và các công trình phúc lợi. Trong lần điều chỉnh quy hoạch chung lần này, Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung kết nối đường bộ để củng cố vị trí trung tâm của Thành phố như kéo dài trục đường Nguyễn Hữu Thọ, kết nối đường ven biển tại Tiền Giang, kết nối sân bay Long Thành, đặc biệt sẽ xác định các khu vực phát triển đô thị theo mô hình TOD dọc tuyến metro, đường Vành đai 3 đang xây dựng. Bởi việc phát triển đô thị nén ở khu vực từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 sẽ thuận tiện hơn vì còn nhiều đất trống hơn so với khu vực trung tâm hiện hữu.
Từ việc xác định rõ điểm nghẽn của việc phát triển hạ tầng, thời gian qua Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như: Tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), nút giao An Phú, dự án Vành đai 3, dự án Vành đai 4, dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành... Các tuyến giao thông này hoàn thành sẽ giúp giải quyết những tắc nghẽn trong liên kết vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời tăng sức cạnh tranh tạo động lực cho cả vùng cùng phát triển.
Phát huy thế mạnh đặc trưng
Với lợi thế là đô thị sông nước “trên bến dưới thuyền” nên trong quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh cần làm rõ tiềm năng về sông nước, nhất là vai trò của sông Sài Gòn. Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, sông Sài Gòn sẽ là đột phá phát triển đô thị, du lịch cho thành phố.
“Thành phố Hồ Chí Minh phải có chương trình mục tiêu bảo tồn, phát huy cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc đô thị sông Sài Gòn. Đưa sông Sài Gòn làm trục quan trọng trong quy hoạch. Không phải thành phố nào cũng có được con sông như vậy”, ông Chính nói.
Sông Sài Gòn uốn lượn quanh Thành phố Hồ Chí Minh. |
Cũng đề cập về đô thị sông nước, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết, Thành phố quan tâm đến phát triển hướng biển nhưng đồng thời cũng gắn với bảo vệ môi trường qua bảo vệ khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Điều này có nghĩa phát triển hướng biển nhưng không nhất thiết phải làm đô thị biển thật lớn mà phát triển kinh tế biển đặt nặng vấn đề liên kết vùng.
Thứ nhất, liên kết hướng về cảng Thị Vải - Cái Mép, tạo trục động lực kết nối 4 tỉnh gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo ra sức mạnh kinh tế biển lớn. Ngoài ra, Thành phố cũng phát triển cảng trung chuyển Cần Giờ và nhiều khả năng sẽ kết nối với cụm cảng Thị Vải - Cái Mép trên trục kinh tế biển này với các loại hình giao thông như đường thủy, đường sắt, cao tốc, metro…
Thứ 2 là phát triển hướng về phía quận 7, huyện Nhà Bè, liên kết với Long An, Tiền Giang, cảng Hiệp Phước, đây cũng là trục kinh tế tiềm năng.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế biển song hành với sự phát triển 2 bên sông Sài Gòn. Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh đang làm song song quy hoạch này với quy hoạch chung thành phố, cả 2 quy hoạch này đều hướng đến tính khả thi cao vì gắn với tư duy kinh tế thị trường, phát triển dự án nhưng không lệ thuộc nhiều vào ngân sách công mà sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.
Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố định hướng phát triển hướng biển nên trong quá trình triển khai cần lưu ý vấn đề biến đổi khí hậu, ngập ở khu vực phía Nam Thành phố vì việc Thành phố bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu đã được đưa ra từ lâu. Việc xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ phù hợp với hướng phát triển ra biển của Thành phố, tuy nhiên cần lưu ý nhiều vấn đề nếu Thành phố triển khai. Trong đó có việc phát triển giao thông đường bộ kết nối khu vực này với hệ thống giao thông liên vùng, môi trường, vấn đề khai thác hiệu quả các cảng hiện có ở khu vực này…
Cao Cường
Theo