(Xây dựng) - Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, với 124 trường hợp vi phạm tại xã Thành Lâm, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), việc xử lý, lập lại trật tự quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng là vô cùng khó khăn, nhất là với những trường hợp đã sinh sống ổn định và phải kể đến những đặc thù đối với nơi ở của phần lớn người đồng bào dân tộc ít người.
Những bản làng thơ mộng của Thành Lâm. |
Qua làm việc với Chủ tịch UBND xã Thành Lâm Trịnh Văn Dũng và tìm hiểu thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm tại đây gồm nhiều dạng khác nhau, trong đó có những trường hợp xây dựng nhà trên đất đã quy hoạch đất ở, sinh sống ổn định nhiều năm, nhưng chưa được cấp “sổ đỏ” do đồng bào dân tộc ngại làm, sợ tốn tiền, mất thời gian vì suy nghĩ đơn giản “đất của mình, mình ở, cần gì giấy tờ”. Những vi phạm này phần lớn xảy ra từ hàng chục năm về trước nhưng qua kiểm tra vẫn phải đưa vào danh sách vi phạm do chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về những hộ vi phạm làm nhà ở trên đất sản xuất nông nghiệp, đất trồng rừng, theo ông Trịnh Văn Dũng, có nhiều trường hợp xảy ra từ 2014 trở về trước, nguyên nhân là do mưa bão, gây sạt lở hư hỏng nhà không thể ở được. Sau bão, xã đành tạo điều kiện cho bà con làm nhà sang đất khác gần kề vị trí cũ (mặc dù liền thửa nhưng lại thuộc đất rừng, đất nông nghiệp) dù biết là vi phạm nhưng không còn cách nào khác, vì trong một thời gian ngắn, không thể tìm ra quỹ đất bố trí đất tái định cư cho họ, trong khi nhu cầu có nhà ở lại của bà con thì không thể trì hoãn.
Cùng với nguyên nhân được cho là khách quan trên còn có nhiều trường hợp vi phạm do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, một số hộ khó khăn về đất ở, khi được giao đất sản xuất, ban đầu họ làm tạm một cái chòi để trông coi, nghỉ ngơi, sau đó lấn dần “nâng cấp” từ chòi tạm thành nhà tạm để ở. Sau một thời gian, không thấy xã “nói gì”, họ tiếp tục “nâng cấp” nhà tạm thành nhà sàn vững chãi hoặc nhà kiên cố và cứ mặc nhiên sử dụng năm này qua năm khác.
Đánh giá về vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, xây dựng tại địa phương, tại biên bản làm việc ngày 5/02/2022 giữa Đoàn thanh tra huyện và cấp ủy, chính quyền địa phương, Đảng ủy xã Thành Lâm cho rằng: “Việc các trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng diễn ra một thời gian dài nhưng chưa được xử lý dứt điểm một phần do chính quyền xã chưa sâu sát, không thường xuyên tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền…”. Có thể nói, nhận xét của Đảng ủy xã là đúng nhưng chưa đủ, chưa nêu được thực trạng buông lỏng quản lý, thậm chí “làm ngơ” của cấp ủy, chính quyền xã đối với vi phạm xảy ra tràn lan và kéo dài hàng chục năm qua tại đây.
Làm việc với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Trịnh Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Thành Lâm cho biết: Thực hiện chỉ đạo của huyện, UBND xã đã tiến hành rà soát, phân loại và lên phương án giải quyết các trường hợp vi phạm. Trong đó, đối với 39 hộ vi phạm trước 01/7/2014 phù hợp quy hoạch đất ở, có thể cấp “sổ đỏ” nhưng không có trường hợp nào có biên bản hay quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại thời điểm vi phạm (do sự buông lỏng của UBND xã - PV), nên không đủ điều kiện xem xét, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Điều 20, 21, 22 của Nghị định 43/2014/NQ-CP của Chính phủ về quy định một số điều của Luật Đất đai. Vì thế, những trường hợp này tạm thời sẽ được giữ nguyên hiện trạng, chờ xin ý kiến cấp trên, không để phát sinh thêm vi phạm.
Với 29 trường hợp vi phạm trước ngày 11/7/2014 không phù hợp quy hoạch, xã sẽ rà soát nếu phù hợp quy hoạch về giao thông, quy định về hành lang sông suối và đảm bảo quy hoạch về khu dân cư, thì đề xuất cấp trên bổ sung quy hoạch sử dụng đất thời gian tới (nhằm tránh gây xáo trộn, khó khăn cho các hộ).
Ngoài các trường hợp có thể được “hợp thức hóa” trên cơ sở tạo điều kiện cho bà con “an cư lạc nghiệp” trên, đối với 56 trường hợp vi phạm sau ngày 01/7/2014, nhất là những hộ vi phạm gần đây, UBND xã sẽ cùng các tổ chức đoàn thể, tiến hành vận động, tuyên truyền để các hộ tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Trường hợp nào cố tình không tháo dỡ, phải tổ chức cưỡng chế.
Khu đất xây dựng trái phép của hộ ông Nguyễn Trọng Lâm bị xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng. |
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Thành Lâm, song song với việc tháo gỡ, giải quyết những trường hợp vi phạm, nhằm ngăn chặn ngay từ đầu, không để xảy ra “việc đã rồi” mới xử lý, từ năm 2022, xã đã thành lập các tổ công tác gồm: Cán bộ địa chính, công an, kiểm lâm địa bàn và các ban quản lý thôn, bản. Các tổ này có nhiệm vụ quản lý chặt chẽ địa bàn, nắm bắt tình hình về sử dụng đất đai, xây dựng của từng hộ dân, hộ nào có nhu cầu xây dựng nhà, công trình phụ, lều lán... sẽ hướng dẫn họ làm đơn xin phép gửi UBND xã. Theo đó, trường hợp nào đủ điều kiện thì được xem xét giải quyết, trường hợp chưa đủ sẽ được tư vấn, hướng dẫn hoặc yêu cầu dừng lại.
Cũng với mục tiêu ngăn chặn, không để phát sinh thêm vi phạm, mới đây, sau khi xử lý vụ vi phạm của hộ ông Hà Văn Đong, ở thôn Leo (ông Đong đã tự tháo dỡ công trình vi phạm xây dựng trên đất lâm nghiệp), UBND xã đã mời một số hộ vi phạm hoặc đang có biểu hiện sẽ vi phạm lên đối thoại, giải thích, vận động họ dừng ngay hành vi vi phạm, tránh việc bị xử lý hành chính và phải trả tiền cưỡng chế tháo dỡ như đã từng xảy ra. Bước đầu, các hộ này đều hợp tác, đồng ý ngừng việc xây dựng khi chưa đủ điều kiện.
Làm việc với PV Báo điện tử Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọ Đình Hải bày tỏ băn khoăn về việc hợp thức hóa cho các trường hợp vi phạm trước 01/7/2014. Việc này phù hợp quy hoạch về đất ở, nhưng không có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay biên bản lập vào thời điểm đó nên không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Do đó, nếu hợp thức hóa những trường hợp này thì huyện lại làm sai quy định?
Trả lời câu hỏi của PV về hướng giải quyết vụ việc trên, Bí thư Huyện ủy Bá Thước Bùi Văn Lưỡng đã thừa nhận tình trạng vi phạm về đất đai, xây dựng tại Thành Lâm, nhất là những vi phạm mới xảy ra sau khi Khu du lịch sinh thái Pù Luông hình thành. Ông Lưỡng cũng cho biết: Quan điểm của Huyện ủy là phải giải quyết dứt điểm những vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý phải “vừa có lý, vừa có tình”, làm sao để vừa lập lại trật tự, kỷ cương theo quy định của pháp luật, vừa đảm bảo không gây xáo trộn lớn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa bàn và mục tiêu phát triển du lịch, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện tại, Huyện ủy đã chỉ đạo chính quyền kiểm tra, báo cáo và làm rõ về nguyên nhân, thực trạng sai phạm, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan để có giải pháp xử lý phù hợp”.
Một trong các “bãi đỗ xe” san lấp trái phép tại Thành Lâm. |
Với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, hy vọng thực trạng về quản lý đất đai, xây dựng tại Thành Lâm nói riêng và các địa phương khác của Bá Thước nói chung sẽ từng bước được tháo gỡ, giải quyết. Tuy nhiên, để giải quyết được bài toán nan giải này, có những vấn đề vượt quá thẩm quyền cấp huyện, cần có sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ của UBND tỉnh và các Sở, ngành hữu quan của tỉnh. Trong đó, nội dung quan trọng là chỉ đạo việc xem xét, xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra sai phạm, vi phạm.
Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Pù Luông mặc dù mới ra đời và bắt đầu phát triển, nhưng đã trở thành điểm đến ưa thích của du khách nội địa và quốc tế bởi cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ cùng với những nếp nhà sàn truyền thống, những thửa ruộng bậc thang, những con đường nhỏ uốn lượn, những bản làng xinh đẹp… Do đó, tình trạng vi phạm về đất đai, xây dựng diễn ra tràn lan, kéo dài sẽ phá vỡ cảnh quan vốn có của điểm du lịch này. Đồng nghĩa với việc, những chủ nhân nơi đây tự hại mình, tự “vứt bỏ” ngành công nghiệp không khói, trở về với “điệu ru buồn” của nếp sống khép kín trong nghèo nàn, lạc hậu khi xưa.
Đào Nguyên
Theo