(Xây dựng) - Do sự tắc trách, chủ quan của chủ đầu tư, dự án giao thông thuộc Chương trình 30a, từ thôn Buồng, xã Luận Khê đi thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc (Thường Xuân, Thanh Hóa) đã phải dừng lại giữa chừng mà chưa thể “hẹn ngày trở lại”.
Người dân địa phương đang bốc gỗ lên xe ở điểm tiếp nối giữa đường bê tông thôn và điểm đầu của dự án giao thông từ thôn Buồn, xã Luận Khê đi thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc. |
Hồ sơ, tài liệu về dự án được coi như “tài liệu mật”, không được sao, chụp?
Theo Quyết định số 1814/QĐ-UBND, ngày 22/5/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa “về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình đường giao thông từ thôn Buồng, xã Luận Khê đi thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc”. Tuyến đường có chiều dài 7,7km, quy mô đường giao thông nông thôn cấp III, theo TCVN 10380:2014, thuộc Chương trình 30a của Chính phủ (dành cho các xã vùng đặc biệt khó khăn - PV), tổng mức đầu tư 40.398.985.000 đồng. Sau khi được nhà thầu thi công là Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn khởi công xây dựng vào khoảng cuối năm 2020, đến tháng 3/2021 đã phải dừng lại và chưa biết bao giờ mới có thể thi công trở lại.
Làm việc với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Dương Thanh Xuân - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Xuân (đại diện chủ đầu tư) cho biết: Dự án này mới thi công được khoảng vài km từ hai điểm đầu là thôn Buồng, xã Luận Khê và thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc thì phải dừng lại, nguyên nhân do đoạn giữa (nối hai đầu) vướng phải đất rừng chưa được chuyển đổi, chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép.
Trả lời câu hỏi của PV về việc trong quá trình khảo sát, thiết kế lập dự án, chủ đầu tư có tham vấn, lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn là Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân không? Ông này cho biết, thời gian ấy ông chưa về Ban nên không biết. Tuy nhiên, sau một hồi giải thích vòng vo, ông Xuân vẫn cho rằng trong việc này huyện không sai và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng ... không sai? Trước câu hỏi của PV về thời điểm khởi công tuyến đường, về số km đi qua khu vực đất lâm nghiệp, về chiều dài đường đã thi công... ông Giám đốc đều trả lời lơ mơ, không cụ thể với lý do “mới về Ban nên chưa nắm rõ”?
Đáng nói, khi PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ dự án và các văn bản liên quan về việc tạm dừng thi công. Sau một hồi cân nhắc, ông Giám đốc đưa ra hai tài liệu gồm: Quyết định phê duyệt đầu tư dự án và Công văn trả lời, hướng dẫn của UBND tỉnh gửi UBND huyện về việc lập hồ sơ và trình tự thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích thực hiện dự án.
Mặc dù chỉ là loại văn bản thông thường, đã được công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, nhưng ông Giám đốc “chỉ cho xem” và nhất quyết không cho PV chụp lại với lý do: Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện, tài liệu này PV chỉ được xem, không được sao chụp dưới mọi hình thức? Về hướng xử lý, ông nói “Đã gửi công văn xin ý kiến của tỉnh và đang chờ chỉ đạo, hướng dẫn”.
Dự án tạm dừng do sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng
Theo tìm hiểu của PV, được biết ngày 18/3/2021, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Tân Thành (phụ trách địa bàn) trực thuộc Hạt Kiểm lâm Thường Xuân, phối hợp với UBND xã Luận Khê và Trưởng thôn Buồng, cùng đại diện nhà thầu thi công đã tiến hành lập biên bản tại hiện trường “về việc kiểm tra đơn vị thi công làm đường giao thông qua đất lâm nghiệp”. Nội dung biên bản, sau khi viện dẫn các quy định như Luật Lâm nghiệp của Quốc hội, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật của Thủ tướng Chính phủ đã nêu: “Thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã Luận Khê, Trạm Kiểm lâm Tân Thành phối hợp với UBND xã Luận Khê, Ban quản lý thôn Buồng làm việc với đơn vị thi công công trình giao thông từ thôn Buồng, xã Luận Khê đến thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc”.
Đoạn đường mới mở đang hư hỏng nặng do thời tiết khắc nghiệt. |
Kiểm tra hiện trường: Hiện nay, đơn vị thi công đã động thổ, tổ chức thi công (với máy húc, ủi, lu) đang thi công múc vào khu vực đất rừng 02 của các hộ gia đình trong thôn. Qua kiểm tra thuộc khu vực tọa độ 536.426 và 218 98 31… Hiện nay, đơn vị thi công đã được bàn giao mặt bằng để thi công, nhưng chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền, thu hồi đất lâm nghiệp và thanh lý tài sản cây rừng. UBND xã Luận Khê và tổ công tác yêu cầu đơn vị tạm dừng hoạt động máy múc trên khu vực đất lâm nghiệp. Khi nào có đầy đủ hồ sơ pháp lý mới tiếp tục thi công.
Tổ công tác thống nhất lập biên bản báo cáo cấp trên xem xét, giải quyết. Đề nghị đơn vị thi công nghiêm túc chấp hành. Nếu sai phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trên cơ sở biên bản này, ngày 19/3/2021, UBND xã Luận Khê đã có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND huyện và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Xuân về vụ việc này để xin ý kiến chỉ đạo.
Trao đổi với PV, đại diện lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân cho biết, trong quá trình khảo sát thiết kế, lập hồ sơ dự án, cũng như khi tổ chức thi công tuyến đường, Hạt Kiểm lâm huyện đều không hay biết vì không hề được UBND huyện tham vấn, xin ý kiến dưới bất kỳ hình thức nào. Do đó, chỉ khi nhà thầu thi công vi phạm vào đất lâm nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý, kiểm lâm mới phối hợp cùng UBND xã tiến hành kiểm tra, lập biên bản yêu cầu dừng thi công.
Về phía Ban Quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân, theo ông Lê Thế Sự - Giám đốc Ban, mặc dù là chủ rừng, nhưng ông chỉ được UBND huyện mời họp, xin ý kiến khi việc thi công tuyến đường bị lập biên bản, tạm dừng. Cũng theo ông Sự, trong tổng số chiều dài 7,5km của tuyến đường này, có 5km đi qua rừng phòng hộ, với chiều rộng mặt đường (tùy theo từng đoạn) khoảng từ 3-4m. Do địa hình rừng núi hiểm trở nên hai bên taluy dương buộc phải có chiều rộng khoảng vài chục mét mỗi bên. Do đó, tổng diện tích rừng phải san ủi, làm đường khoảng 8,1ha (100% là đất rừng phòng hộ).
Về việc có thể “nắn tuyến” để tránh rừng phòng hộ không, theo ông Sự việc này là gần như không thể, bởi đây là tuyến ngắn nhất, đỡ khó khăn nhất do không phải qua khu vực có sông, suối, khe sâu. Nếu thay đổi, phải làm đường vòng tới vài chục km, vốn đầu tư sẽ tăng nhiều lần, lại không hiệu quả trong giao thương đi lại của người dân vì đường quá dài.
Về lý do không được xin ý kiến mặc dù là chủ rừng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện cho rằng, có thể do UBND huyện nghĩ đơn giản, cho là đất rừng ở đây chỉ là rừng sản xuất, không phải rừng phòng hộ nên thuộc quyền quản lý của huyện, hoặc nếu đã được giao cho hộ dân, thì có thể đền bù, thu hồi phục vụ cho dự án, nên khi dự án được phê duyệt, cấp vốn thì huyện “vô tư” cho thi công. Dẫn đến ách tắc như hiện nay.
Đối với hướng tháo gỡ, giải quyết vụ việc, theo ông Sự, trong trường hợp này, do là rừng phòng hộ nên phải đề nghị và được HĐND tỉnh họp, thống nhất chủ trương và gửi tờ trình, xin Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang mục đích khác, cụ thể là thực hiện dự án giao thông. Sau đó mới đến các bước tiếp theo, quá trình này phải qua nhiều cấp, nhiều cơ quan chuyên môn nên thường mất rất nhiều thời gian và công sức, mà chưa biết có được chấp thuận hay không.
Nguy cơ “đổ sông đổ bể” hàng chục tỷ đồng và sự mong mỏi của người dân
Để mục sở thị tuyến đường nối thôn Buồng, xã Luận Khê tới thôn Pà Cò, xã Xuân Lộc, sau khi làm việc với Chủ tịch UBND xã Luận Khê, PV đã tìm tới hiện trường thi công tuyến đường. Vượt qua khoảng 4km đường bê tông rộng vừa đủ cho xe tải nhỏ lưu thông, PV tới điểm cuối của đường bê tông thôn, nối với điểm đầu của dự án, nơi có một chiếc xe tải nhỏ cùng vài người dân địa phương đang bốc xếp gỗ keo lên xe để vận chuyển ra bên ngoài.
Đi bộ trèo qua một con dốc cao, lởm chởm đá, trước mắt PV là hình hài của con đường mới mở, hun hút giữa đồi núi trập trùng. Do tác động của thời tiết khắc nghiệt, đoạn đường mới được thi công (chưa rải đá, lu lèn - PV) dẫn vào điểm nối với đất rừng phòng hộ đã đầy những rãnh, những vệt nứt toang hoác do nước mưa chảy và lởm chởm đất, đá, đến mức chỉ có thể đi bộ được.
Thấy PV tác nghiệp, những người dân đang gần đó cũng tới chia sẻ, bày tỏ nguyện vọng. Tất cả đều không biết tại sao việc thi công phải dừng lại và mong mỏi tuyến đường được làm trở lại và sớm hoàn thành. Qua đó, bà con sẽ thuận lợi hơn trong việc giao thương hàng hóa, đi lại trong vùng.
Được biết, ngoài người dân thôn Buồng, xã Luận Khê, người dân thôn Pà Cò, xã Xuân Lộc và bà con người dân tộc thiểu số các xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của Thường Xuân gồm các xã Vạn Xuân, Xuân Chinh, Xuân Lẹ (vùng được hưởng lợi từ dự án do tiếp nối với tuyến giao thông này) cũng rất hy vọng tuyến đường được hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Với cách làm tắc trách, cẩu thả của chủ đầu tư là UBND huyện Thường Xuân, nguy cơ dự án có thể “tắc’ vĩnh viễn, do đi qua rừng phòng hộ là hoàn toàn có thể. Trường hợp nếu được HĐND tỉnh thông qua, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, để dự án được tiếp tục cũng sẽ mất rất nhiều công sức, thời gian và cả tiền bạc (vì sự xuống cấp, hư hỏng của những đoạn đã thi công bước đầu). Dù trong trường hợp nào cũng gây ra sự lãng phí không nhỏ, với hàng chục tỷ đồng có nguy cơ cao bị “đổ sông đổ bể”. Sự lãng phí này liệu có được kiểm tra, làm rõ và ai là người phải chịu trách nhiệm?
Đào Nguyên
Theo