Thứ sáu 08/11/2024 01:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Thái Nguyên: Ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi khai thác trái phép, buôn lậu và gian lận trong kinh doanh than

12:08 | 11/08/2023

(Xây dựng) - Theo chỉ đạo mới được ban hành ngày 8/8, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cục Thuế tỉnh: “Tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi khai thác trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh than”.

Thái Nguyên: Ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi khai thác trái phép, buôn lậu và gian lận trong kinh doanh than
Hàng triệu tấn than tại mỏ than Minh Tiến, Đại Từ bị khai thác trái phép, thu lợi bất chính; nhiều cán bộ của tỉnh Thái Nguyên liên quan đã bị bắt giữ, khởi tố, truy tố.

Thời gian qua, tình hình sản xuất, khai thác, vận chuyển và kinh doanh than trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều diễn biến phức tạp. Đã có nhiều trường hợp than khai thác được bán ra ngoài cho cá nhân, doanh nghiệp gây thất thoát tài nguyên.

Vụ việc khai thác kinh doanh tại Mỏ than Minh Tiến, huyện Đại Từ đã trở thành “điển hình” trong việc “vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, mua bán trái phép vật liệu nổ, sử dụng trái phép vật liệu nổ, mua bán trái phép hóa đơn, lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, với 33 bị can bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố, chuẩn bị đưa ra xét xử.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh than và đáp ứng nguồn nguyên liệu cho sản xuất điện trên địa bàn tỉnh; mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong thực hiện Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát, theo dõi việc thực thi pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than trên địa bàn tỉnh và chủ động tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than đảm bảo theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh than; an toàn lao động trong sản xuất than; các điểm khai thác, vận chuyển, chế biến, các bãi tập kết, mua bán than nhằm phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng sản xuất, kinh doanh than trái phép và vi phạm về kỹ thuật an toàn trong sản xuất than; chỉ đạo các đơn vị sử dụng than trên địa bàn tỉnh chủ động rà soát các công đoạn sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng than, hạn chế thất thoát trong vận chuyển; kiểm soát chất lượng, định mức tiêu hao, giảm các khâu trung gian; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, hợp lý hóa sản xuất để tiết kiệm chi phí.

Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định, công bố các khu vực có khoáng sản than phân tán, nhỏ lẻ đối với các khu vực đáp ứng tiêu chí theo quy định.

Chủ trì thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng đối với các báo cáo thăm dò khoáng sản than đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ.

Chủ trì, phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản than và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than; đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh than hoàn thiện thủ tục về đất đai, khoáng sản và môi trường theo quy định của pháp luật.

Sở Giao thông Vận tải: Khẩn trương nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về việc sắp xếp các vị trí bến cảng, kho bãi kinh doanh than trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền.

Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cục Thuế tỉnh: Tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi khai thác trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh than.

UBND các huyện, thành phố: Tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản tại địa phương, đặc biệt đối với các khu vực có khoáng sản than để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa việc lợi dụng khai thác, chế biến, tiêu thụ than trái phép. Quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản than chưa khai thác trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, địa phương phối hợp với các lực lượng liên quan (Thuế, Quản lý thị trường, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Hải quan, Tài chính...) tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện quy định về môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than trên địa bàn; kiểm tra các tuyến đường vận chuyển, kho bãi, cảng tập kết than; duy trì thường xuyên các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường bộ, đường thủy để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp kinh doanh than trái phép theo quy định.

Các doanh nghiệp khai thác, chế biến, kinh doanh than thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 02/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của pháp luật trong khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan. Khai thác hợp lý theo đúng quy hoạch, thiết kế được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; đảm bảo tiết kiệm, an toàn lao động và vệ sinh lao động; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định;

Thực hiện các nghĩa vụ về quản lý hành chính, trật tự an toàn xã hội tại địa phương nơi có hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than; thường xuyên kiểm tra thiết bị vận chuyển, kho bãi, cảng tập kết than đảm bảo đáp ứng công tác an toàn, an ninh trật tự;

Tăng cường quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên diện tích được cấp phép theo quy định. Rà soát các công đoạn sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng than trong tất cả các khâu bao gồm khai thác, chế biến, vận chuyển, kiểm soát chất lượng, định mức tiêu hao, giảm các khâu trung gian; cải tiến công tác hạch toán chi phí sản xuất; kê khai, đăng ký giá bán đầy đủ theo quy định; tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ hợp lý hóa sản xuất để tiết kiệm chi phí.

Chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn than hợp pháp để cung cấp trong suốt thời gian hoạt động của nhà máy; thường xuyên rà soát, tính toán nhu cầu sử dụng than (than sản xuất trong nước, than nhập khẩu, than pha trộn) cho sản xuất để xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm cung cấp đủ, ổn định than cho hoạt động của nhà máy;

Đối với việc sử dụng than trong nước than nhập khẩu, than pha trộn, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu: Nhập khẩu hoặc mua than từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoảng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc hoặc từ các doanh nghiệp khác có nguồn gốc than hợp pháp theo quy định, đảm bảo giá than cạnh tranh và hiệu quả; đồng thời chủ động đàm phán, ký hợp đồng mua bán than dài hạn, trung hạn, ngắn hạn với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, các doanh nghiệp cung cấp khác và thực hiện nghiêm theo hợp đồng đã ký; phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp than xây dựng kế hoạch cấp than theo tháng, quý phù hợp với diễn biến thời tiết và kế hoạch sản xuất điện để bảo đảm cung cấp đủ, ổn định than cho nhà máy…

Trước đó, ngày 8/7, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã có chỉ đạo tới các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố căn cứ nội dung nhiệm vụ được phân công tại Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 tiếp tục triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản.

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load