(Xây dựng) - Trong khi nguồn vật liệu khan hiếm, kéo theo tiến độ thực hiện nhiều dự án ở các địa phương trong cả nước gặp khó khăn, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định 6 khu vực dự án được khai thác đất làm vật liệu san lấp.
San lấp trong diện tích xây dựng công trình hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Dương, xã Tân Dương, huyện Định Hóa. |
Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, truy quét, giải tỏa các hoạt động khoáng sản trái phép, qua đó góp phần đưa hoạt động khoảng sản đi vào nề nếp, ngăn chặn được hoạt động khoáng sản trái phép bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh và thông báo cho các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2023.
Thực hiện công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, Thái Nguyên đã tổ chức thẩm định và phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoảng sản 5 khu vực khai thác khoáng sản trong dự án đầu tư công trình; 1 khu vực trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản và 1 dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm; 4 giấy phép khai thác đất san lấp trong dự án đầu tư xây dựng công trình; thu hồi 2 giấy phép khai thác khoảng sản (mỏ đá vôi Trúc Mai 1, mỏ cát sỏi khu vực sông Cầu); 1 quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ (mỏ đá với xi măng La Hiến); 1 quyết định đóng cửa mỏ (mã vàng sa khoảng Bản Ná). Thông báo chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản của 7 mỏ.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hàng trăm dự án lớn, nhỏ đang triển khai nên nhu cầu sử dụng đất san lấp lên đến hàng triệu m3/năm. Tại nhiều địa phương như Đại Từ, Định Hóa… chưa có mỏ đất san lấp nào nên phải mua từ các mỏ ở Đồng Hỷ, Phổ Yên, với khoảng cách hơn 50km, nên về đến chân công trình giá đất tăng lên gấp nhiều lần do chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, công suất khai thác của các mỏ thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế.
Trước thực tế nguồn vật liệu khan hiếm, kéo theo tiến độ thực hiện nhiều dự án gặp khó khăn, nhằm giải quyết tình thế, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định cho phép 6 khu vực dự án được khai thác đất làm vật liệu san lấp, gồm: Cấp phép khai thác đất san lấp trong diện tích dự án xây dựng trụ sở làm việc Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên; khai thác đất để phục vụ thi công làm vật liệu san lấp trong diện tích xây dựng công trình hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Dương, xã Tân Dương, huyện Định Hóa; cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp trong Khu công nghiệp Sông Công II; cấp phép khai thác đất san lấp trong diện tích Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Yên Bình tại phường Đồng Tiến, phường Bãi Bông và phường Hồng Tiến, thành phố Phổ Yên; khai thác đất của Dự án đường vành đai V đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên để phục vụ thi công xây dựng Dự án đường vành đai V đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên, đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang; khai thác đất để phục vụ thi công xây dựng Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc.
Về lâu dài, để giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án trên địa bàn, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã lên kế hoạch đấu giá quyền khai thác sản đối với 22 mỏ đất làm vật liệu san lấp thông thường, với tổng diện tích gần 330ha tại 8/9 huyện, thành phố; Trong đó, một số địa phương được quy hoạch nhiều mỏ với diện tích lớn như: Phú Bình 5 mỏ, diện tích 92ha; Đại Từ 5 mỏ, diện tích hơn 50ha; thành phố Phổ Yên 2 mỏ, diện tích gần 53ha.
Vũ Vân
Theo