Thứ sáu 08/11/2024 18:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Thái Nguyên: Đừng để lặp lại thảm cảnh sạt lở bãi thải mỏ

09:08 | 03/01/2020

(Xây dựng) - Những vết nứt kéo dài hàng trăm mét và ngày càng to hơn, rộng hơn có thể khiến một phần quả núi sụp xuống bất cứ lúc nào, đe dọa xóa sổ hàng trăm hộ dân ở 2 xóm Cây Thổ và Ao Soi xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

thai nguyen dung de lap lai tham canh sat lo bai thai mo
Các vết nứt ngày càng rộng hơn, dài hơn.

Trong ký ức nhiều người dân tại Thái Nguyên, thảm cảnh kinh hoàng vụ sạt lở bãi thải mỏ Phấn Mễ tại thôn Khuôn 1, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên hồi năm 2012 không thể nào phai mờ. Sau hơn 9 ngày nỗ lực tìm kiếm, thi thể của 5 nạn nhân trong vụ sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ mới được tìm thấy. Hàng loạt nhà cửa, ruộng vườn của các hộ dân bị san phẳng…

Ghi nhận trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tình trạng sụt lún, nứt đất ảnh hưởng đến đời sống người dân do khai thác khoáng sản đã xảy ra tại nhiều nơi, như xã Phục Linh, Ký Phú, Yên Lãng, An Khánh... (huyện Đại Từ); xã Cây Thị, thị trấn Trại Cau (huyện Đồng Hỷ)...

Trong khi những hậu quả của các vụ sạt lở, sụt lún, nứt đất chưa giải quyết xong thì từ nhiều tháng nay, cũng trên địa bàn huyện Đại Từ, nguy cơ sạt lở tại sườn núi Hồng lại tiếp diễn khiến cuộc sống của người dân các xã Na Mao, Cù Vân, Phục Linh, Hà Thượng luôn rơi vào cảnh bất an…

Ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường, trên diện tích rộng 30 đến 40ha ngang sườn núi Hồng là cảnh tượng cây rừng chết héo. Đất đá sạt trượt ngổn ngang. Nhiều vết nứt lớn kéo dài dọc núi từ đỉnh hướng xuống chân núi. Đất tươi rói độn lên vùi lấp cỏ cây. Rừng keo đang đến tuổi khai thác đổ nghiêng ngả. Gốc rễ trồi lên khỏi mặt đất. Nhiều tảng đá mồ côi nặng hàng trăm tấn lăn xa vài ba chục mét.

thai nguyen dung de lap lai tham canh sat lo bai thai mo
Rừng keo đang đến tuổi khai thác đổ nghiêng ngả.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh Thái Nguyên, hiện tượng sụt lún đất, nứt đất tại núi Tán, xã Cù Vân gồm hệ thống các vết nứt phát triển chủ yếu theo phương đông bắc - tây nam, dọc theo đỉnh núi Tán. Trong đó, vết nứt lớn nhất dài khoảng 100m. Một phần diện tích đỉnh núi đã bị sụt lún, rộng chừng 6.000m2, một số vị trí lún sâu đến 2m.

Các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng đang sinh sống dưới chân núi Tán. Ở phần chân núi phía đông là các xóm 3, xóm 4 (xã Cù Vân), phần chân núi phía tây là các xóm Cẩm 1 (xã Phục Linh) và xóm 1 (xã Hà Thượng).

Khu vực vết nứt tại thửa số 6, tờ bản đồ địa chính số 16, xã Cù Vân có diện tích 8,8ha của gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh ở xóm 3, xã Cù Vân.

Ông Đặng Cương Quyết - Bí thư Đảng ủy xã Cù Vân cho biết: Từ tháng 8/2017, xã đã nhận được tin báo của người dân về việc xuất hiện các vết nứt, sụt lún ở núi Tán. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng đã khảo sát, ghi nhận vụ việc đến nay tình trạng nứt, sụt lún ngày càng gia tăng… và chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân xảy ra tình trạng này.

Báo cáo của UBND xã Na Mao cũng nêu rõ: “Nếu không có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời sẽ xảy ra sạt lở rất cao và nghiêm trọng, việc sạt lở khu đất trên sẽ ảnh hưởng đến tính mạng và đời sống của một số hộ dân sống dưới chân núi Hồng thuộc địa bàn xóm Ao Soi”.

thai nguyen dung de lap lai tham canh sat lo bai thai mo
Báo cáo của xã Na Mao về nguy cơ sạt lở.

Trong khi đó, theo thông tin của người dân địa phương, tình trạng nứt núi đã xuất hiện nhiều năm, nhưng khoảng 3 tháng trở lại đây thì tốc độ mở rộng vết nứt tăng nhanh từng ngày.

Nhiều người dân cho rằng, một trong những nguyên nhân chính gây nên nguy hiểm sạt lở, nứt nói trên là do tác động từ mỏ than Minh Tiến nổ mìn ở trên núi lớn hơn trước đã gây chấn động mạnh, một số nhà dân ở xóm Cây Thổ đã bị rạn nứt tường.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Cổ phần Yên Phước thực hiện khai thác tại mỏ Minh Tiến nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có đánh giá tác động môi trường phù hợp, đổ thải khai thác sai chỉ giới, chất thải nhiều lần vùi lấp hàng chục ha ruộng của người dân…

Cũng có nguồn thông tin cho rằng, khu vực xảy ra sụt lún thuộc phạm vi cấp phép của mỏ than Làng Cẩm, thuộc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên quản lý, hiện đơn vị khai thác mỏ đang khai thác than hầm lò, các đường lò cách vị trí nứt đất gần nhất 230m và nằm trong diện tích được công ty này thuê đất.

Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần Yên Phước cho hay: Vị trí sườn núi Hồng bị sạt lở, nứt đất nằm cách bãi thải mỏ than Yên Phước từ 150 đến 300m. Hiện tượng trên có thể do ảnh hưởng bởi rung chấn động đất xảy ra tại Cao Bằng thời gian vừa qua. Một số cửa kính tại Văn phòng mỏ Yên Phước ở bên trên cũng bị nứt, vỡ…

thai nguyen dung de lap lai tham canh sat lo bai thai mo
Theo thời gian các vết nứt ngày càng nhiều hơn.

Có thể thấy: Hiện tượng sạt lở, nứt đất tự nhiên tại sườn núi Hồng ở huyện Đại Từ thời gian gần đây là rất đáng lo ngại. Qua quan sát thấy, trên sườn núi Hồng có lượng đất màu pha cát lẫn đá mồ côi đang trong quá trình phong hóa. Với dạng địa chất không ổn định này nếu gặp mưa lớn xuất hiện sẽ kéo theo tình trạng sạt trượt, vùi lấp rừng, đất sản xuất, đặc biệt là đe doạ sự an toàn, cuộc sống của một số hộ dân ở phía dưới.

Thiết nghĩ, chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cần khẩn trương xác định nguyên nhân độn đất, nứt núi và có giải pháp bảo đảm an toàn cho người dân, đừng để lặp lại thảm cảnh sạt lở như đã xảy ra tại bãi thải mỏ Phấn Mễ hồi đầu năm 2012.

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load