Thứ sáu 08/11/2024 14:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Thạch găng xanh biếc tuổi thơ

15:15 | 23/05/2021

(Xây dựng) - Cô bạn tôi vừa bê ra mời chiếc bánh thạch rau câu vẽ hoa đẹp lộng lẫy. Trời nắng tháng 6 bỏng rát, ăn miếng thạch này mát biết bao! Nghĩ vậy nhưng tôi không nỡ ăn bông bằng lăng tím đẹp nhường kia. Ngắm màu lá xanh, ký ức về những miếng thạch mát rượi đầu tiên chợt hiện về...

thach gang xanh biec tuoi tho
Ảnh minh họa.

Quê tôi vùng đồi trung du, thời đó cỏ cây xanh mát. Những tán thông điệp trùng chạy tít tắp vắt qua các triền đồi. Dưới tán rừng là một thế giới cỏ hoa, sim, mua, mẫu đơn... bốn mùa khoe sắc. Trên đỉnh núi thưa cây, cỏ tranh có chỗ mọc lút đầu. Chênh vênh bên những tảng đá xám, những bụi cây gai vươn tay xanh mướt mặc nắng mùa hè thiêu đốt. Chúng tôi hay leo đồi cào lá thông, tìm sim chín và hái lá những bụi cây ấy. Mọi người gọi đó là cây lá găng.

Ngày ấy tôi còn bé quá, cũng không nhớ là ai đã chỉ vẽ cho. Chỉ biết là được cùng anh chị em mấy gia đình tung tăng lên núi, leo trèo như dê con, nhảy lên từng mỏm đá để hái lá, hái chứ không được cắt dù cho cây có gai thưa đâm chảy máu. Và chỉ hái những lá bánh tẻ, không già quá không non quá. Bà tôi bảo để làm thạch ngon và để cây sống tiếp cho mọi người cùng hái. Tôi thích mùi thơm mát dịu của lá găng. Đôi khi hái xong, chúng tôi lại chạy chơi tìm hoa quả dại hoặc ngồi trên tảng đá lớn, vừa hong lá cho se vừa phóng tầm mắt nhìn làng quê và con sông bé xíu phía xa xa, đưa đôi tay bé bỏng vương hương lá ôm lên gương mặt ráo dần mồ hôi, đón những ngọn gió thơm từ phía cánh đồng mênh mang thổi tới, mơ màng...

Tôi yêu miền đồi ấy lắm! Yêu những búp thông non xây những ngọn tháp xanh lô xô dăng hàng trên triền dốc, những trái thông thơm nức như ngọn nến trời! Yêu những chú cà cộ, châu chấu voi to đạp phanh phách, nhảy múa tung lá cỏ! Yêu cả tiếng chim tu hú, "bắt tép kho cà" lảnh lót vòm trời cùng tiếng cu gáy gọi xa xôi…

Nhưng yêu nhất miền đồi vào mùa quả chín. Những trái mâm xôi đỏ mọng nơi thung lũng ẩm bên khe đá, chùm quả mẫu đơn tím đỏ ngọt bùi; dây dung dúc treo những mắt quả tím hồng bé xíu, trái phèn đen, canh châu đen ánh lẫn trong gai góc gọi mời... Thú nhất là đôi khi hểnh mũi tìm hương quả chín thoang thoảng rồi rẽ cỏ cây, vớ được những búi dây lạc tiên trái thơm quyến rũ hay chùm hoa dẻ ngọt ngào, hít hà quên bụng đói... Đôi khi, lũ trẻ chúng tôi tìm hái cả lá chua, quả chát để ăn. Trái vú bò xanh bé xiu ứa sữa, trái bưởi bong nho nhỏ, hồng hồng, trong suốt, thơm cay... thậm chí, cả trái mua đầy hạt cũng cắn nếm thử...

Mùa sim chín là thiên đường của lũ trẻ. Mới ngày nào những cánh hoa tím hồng hút mắt đong đưa trên tay, trên tóc mấy đứa nhỏ tết đuôi sam thì nay hóa quả lúc lỉu trên cành, khoe cái bụng tím tròn căng ngọt ngào mời gọi... Mồm miệng đứa nào cũng tím ngơ tím ngắt... Những nụ cười trẻ thơ vương sắc tím núi rừng...

Miền đồi trung du đã cho chúng tôi bao thức ngon, quả ngọt, nuôi lũ trẻ nghèo lớn lên cả thể xác, tâm hồn. Tôi thường nghêu ngao những khúc đồng dao khi len lỏi qua những đám cây bụi lưa thưa hay cúi nhặt những trái thông lăn trên thảm lá còn thơm nhựa. Để sau này, nhớ đến quê hương, tôi hay gọi đây là miền đồi cỏ hát:

Có những ngọn gió màu xanh

Bay qua cánh rừng thơ bé

Còn đâu ngọt ngào hương dẻ

Bâng khuâng sim tím lưng đồi...

Chỉ còn câu hát à ơi

Cứ bay hoài trong nỗi nhớ

Đôi cánh thời gian một thuở

Ướt mềm suối nước trong veo...

Có những dốc núi cheo leo

Ngát hoa dành dành trắng muốt

Có rừng thông reo vi vút

Em nằm thảm lá thơm hương...

Nhớ thung lũng núi mờ sương

Có cánh mây vương đầu gió

Đàn trâu thung thăng gặm cỏ

Hoa mua mở mắt tím hồng...

Từ trên đỉnh núi mênh mông

Phóng tầm mắt nhìn bốn phía

Thấy làng quê xa nhỏ bé

Thương thương những lũy tre già...

Trở về năm tháng đã qua

Thấy cánh diều bay mải miết

Thấy sắn khoai thơm vùi bếp

Cào cào, châu chấu bay về...

Thấy những ngày hè thích mê

Lang thang tìm mùi quả chín

Trái dại ngọt ngào trong miệng

Chua chua lá méo bên rừng...

Ngất ngây hoa trắng hoa hồng

Ríu rít chim ca đầu núi

Đôi cánh bướm vàng bối rối

Vỗ hoài chớp chới tuổi thơ...

... Mỗi lần lên đồi hái lá đã thích vậy, đến khoản làm thạch ở nhà cũng thật là vui. Trước đó, các anh chị lớn hoặc bà đã đun sẵn một nồi nước to để nguội, một nồi nước đường phên nhỏ, đôi khi chỉ là xin hoặc giấu trộm ít đường của nhà vì ngày đó đường hiếm lắm, có lần là mấy đẵn mía hoặc nắm rễ cỏ tranh...

Lá găng được chúng tôi rửa sạch nhiều lần, để ráo nước, phơi hơi se rồi cho vào chậu hoặc xoong to ra sức lấy tay vò nát. Tôi nhớ có lần, chúng tôi còn rửa thật sạch đôi dép cao su rồi dùng như bàn nghiền, chà sát lá thật mạnh. Khi lá đã thành đám bột xanh, liền được gói vào miếng vải thô trắng rồi nhúng vào nồi nước sôi để nguội, khỏa kĩ, vắt kiệt. Đôi khi, chúng tôi chắt vào đó một chút xíu nước vôi trong từ bình vôi bà ăn trầu, có lần thì không, nhưng chỉ ít phút để lắng là nồi nước đông đặc lại.

Có khi để mát thêm, các anh chị lấy mảnh vải mưa bọc kín nồi thạch rồi dòng dây thả xuống đáy giếng, mấy tiếng sau hoặc qua đêm mới kéo lên.

Chao ơi là ngon khi những miếng thạch xanh biếc được cắt ra, thả vào cốc hoặc bát nước đường, rảy chút xíu tinh dầu chuối hoặc hoa bưởi! Có khi chẳng được "cao cấp" thế, anh chị em tôi đun chút nước mía, rễ cỏ ngọt, rải chút đường có được lên mặt thạch rồi tranh nhau xắn ăn... Ăn đến đâu, mát ruột mát gan đến đó, dù không có đủ vị ngọt ngào để át đi mùi lá tươi thơm nồng.

Đã bao năm trôi qua rồi, tôi vẫn nhớ những buổi chiều đầy hoa nắng dưới bóng tre xào xạc, lũ chúng tôi xì xụp húp những bát thạch mát xanh như ngọc. Món ngon mang hương vị đồi núi nhưng còn ngon hơn bởi chính tay mình làm ra. Càng thêm ngon khi nhận được nụ cười lấp lánh của bà, của mẹ khi thưởng thức món thạch găng lũ trẻ con nhà mình chế biến...

Cũng đã mấy chục năm, tôi không trở về miền đồi xa xưa ấy. Không biết thạch găng, sim mua... có còn sót lại cây nào hay bị xóa sổ dần bao năm qua cùng những rừng thông vi vút một thời. Nhưng trong tôi, miền đồi cỏ hát với những vị quả dại, lá thơm, lát thạch trong suốt, xanh biếc đầu tiên tôi ăn... vẫn đọng lại mãi mãi miền kí ức và theo suốt cuộc đời!

Bùi Thanh Hà

Theo

Cùng chuyên mục
  • Đề xuất giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật tại chùa Phổ Quang

    (Xây dựng) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Công văn số 4839/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề xuất giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật tại chùa Phổ Quang.

  • Sóc Trăng: Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo sẽ diễn ra từ ngày 9-15/11

    (Xây dựng) – Nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là các hoạt động văn hóa lễ hội; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.

  • Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024

    (Xây dựng) - UBND Thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch tổ chức Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 (The HaNoi Culinary Culture Festival 2024). Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 diễn ra trong 3 ngày (29-30/11 và 1/12) tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng).

  • Phát huy những giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, công tác bảo tồn phải luôn tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt, vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hoá vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần.

  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load