(Xây dựng) - Cái rét ngọt xớt lia từ lèn đá phả xuống làng quê tôi giữa khí trời cuối đông, biền cải ngồng lên chuẩn bị cho vụ hoa rải vàng nao nao niềm chờ đợi bên sông. Gió vút trên hàng cau ương trái, lùa qua những nụ đào ngậm sương chờ bung mình tiễn Đông, ấy là tín hiệu cho mùa sinh sôi mới - mùa Xuân.
Vùng đất này xưa kia cư dân bản địa là người Nguồn sinh sống, sử nói rằng họ để tóc dài, đi chân đất, ở nhà trệt làm trên nền đất nện. Qua bao thăng trầm của thời cuộc, biến động của nhân gian người miền xuôi lên đây định cư, mang theo các phong tục tập quán khác nhau hòa với đất lề quê thói tạo ra nhiều sắc màu văn hóa độc đáo. Dịp Tết là đợt sinh hoạt văn hóa đa diện nhất.
Xuân quê tôi hầu như không có nắng ấm mà đỏng đảnh thả những bụi mưa lả lơi trong thời tiết ẩm ương dở Đông, dở Thu. Chợ quê lúc này dập dìu nhiều mặt hàng cho dịp Tết, nào lá dong, lá chuối, nào ngũ quả, giấy màu rồi các sản vật địa phương đầy phong vị núi rừng.
Chiều của ngày cuối tháng Chạp nhà nhà đã kịp trồng cây nêu trước ngõ, cờ phướn rợp trời. Hàng chè mạn hảo như được điểm tô hương sắc, rì rào cùng giọng điệu ý ới của đàn bà con gái trong xóm hòa cùng tiếng cối chày. Những nhịp chày đều đặn “cắc, bụp” nện xuống cối gỗ, giã quyện thứ bột đen đặc quánh để gói bánh gai chuẩn bị cho bữa cúng tất niên.
Bánh gai là thức không thể thiếu trong 3 ngày Tết lại chế biến mất công nên phải chuẩn bị sớm hơn cả nồi bánh chưng. Trước kia còn có cả khâu ép mía nấu mật để làm bánh, nay sẵn đường cát, đường phèn rồi nên cũng đỡ nhọc công, nhưng làm cho ta nhớ tiếng kĩu kịt của máy ép mật với đệm bước đi của trâu nặng nề kéo trục, nhớ vị ngọt thơm của thứ mạch nha cháy quăn nơi đáy chảo, đến nao lòng.
Phía đầu hồi, con lợn tạ éc lên mấy hụt chào năm cũ rồi im bặt dưới lưỡi dao phay sau cú thọc điệu nghệ và dứt khoát. Tất cả công đoạn rất nhanh gọn, thịt, xương được phân loại cho các món cụ thể cho từng mâm cúng và dọn cỗ, không đại trà được.
Mâm cơm bày biện chu tất trên ban thờ, có chú gà trống tơ luộc vàng hươm màu nghệ non, thịt luộc, thịt kho, cá buôi kho lá nghệ, canh chuối sứ nấu chân giò, bánh lá, bánh mật, bánh gai và cả bánh chưng, tất nhiên. Lễ này gọi là “cúng vào”, tức là con cháu khấn vái rước hương hồn chư vị gia tiên về đón Tết.
Sau ba tuần nhang trầm phảng phất, cháu con trong gia đình quây quần bên bếp lửa ấm nồng với bữa cơm cuối năm.
Lại lục tục chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa, thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Mâm cúng giao thừa bố trí ở ngoài trời gồm có đèn, nến xôi, chè, hoa quả, bánh trái, thịt gà, thịt lợn luộc.
Thời gian điểm nhịp giao thoa, mâm bàn dọn xuống, năm mới xúng xính vào nhà cũng là lúc người lớn trong gia đình lì xì và gửi lời chúc phúc cho các thành viên, cùng nhau nâng ly đầy hứng khởi. Không hiểu sao riêng tôi được giao nhiệm vụ bưng đĩa xôi thịt và cái đùi gà mang ra cho ông Mẹt, người đàn ông cô độc trong căn nhà lá ở bìa làng, như thành lệ năm nào cũng thế. Nay ông đã về với đất, mỗi lần ngang qua đây tôi vẫn văng vẳng nghe đâu đây dưới tán cọ ru lời xưa cũ, lòng bâng khuâng chùng xuống cùng vạt sương trên dãy lèn sau nhà, nơi có bầy voọc an cư hú gọi bạn tình da diết, da diết như tiếng đàn bầu ông Mẹt kéo trong những đêm cuối Đông. Giờ tôi mới thấm được cái tình người trong những lúc cô đơn, đó là sự sẻ chia tinh tế mà sâu sắc, nhất là lúc “năm hết Tết đến”.
Sáng mồng Một, mưa Xuân rơi lất phất trên những nụ hoa đào, người nhẹ vía sẽ hành lễ xông đất, đây là phong tục không thể thiếu trong dịp Tết ở quê tôi. Người nhẹ vía là người có sức khỏe, mẫn tuệ, gia đình đề huề, an yên, là mẫu hình lý tưởng trong cộng đồng dân cư, được năm hạp tuổi nữa thì đắc cách.
Áo xống gọn gàng, họ sẽ đi từng nhà, thắp hương cho gia tiên, chúc phúc cho gia chủ. Nhà nội tôi thuộc dòng gia phong nên cũng lễ nghĩa lắm, thường có phong bao đo đỏ lì xì cho người xông đất, như sự chia sẻ lộc lá đầu năm.
Ở quê tôi, trước đây cũng có chuyện con cháu biện lễ Tết sống cha mẹ, tuy nhiên sau thời kỳ đổi mới thì không còn giữ gìn nếp này, thay vào đó là ngày đầu năm con cái sẽ vấn an cha mẹ mình, lễ vật đi kèm có thể là vài tấm quà quê, thủ tục cũng giản đơn hơn so với một vài địa phương khác trong vùng.
Qua ngày mồng Hai Tết dành cho bà con thân thích thăm nhau. Xưa kia cỗ bàn ê hề, mỗi đợt khách là một lần dọn đãi, nay giản đơn với những thức nhắm nhẹ nhàng. Riêng lễ vật trên bàn thờ gia tiên vẫn luôn được chăm chút và không để hương tàn lạnh lẽo.
Ở sân vận động đầu làng rôm rã với trò đu quay, đá cầu, đá bóng, kéo co... thu hút rất nhiều nam thanh, nữ tú. Cũng đỡ cho cái sự say sưa rượu bia trong ba ngày Tết!
Chiều ngày mồng Ba, người già chỉ đạo gia nhân gia quyến “cúng ra”, tức là tiễn ông bà “về trời” sau mấy ngày vui vầy đoàn viên sum họp. Sau đó “tắt hương” và hành trình du Xuân mới bắt đầu cho đến ra Giêng.
Bây giờ không cùng lắng nghe từng nhịp đi của bước Xuân quê hương rón rén trong mưa Đông, nhưng tôi vẫn giữ nếp đón Xuân của quê mình ở miền phố thị. Vẫn cảm được luồng ấm nóng lan khẽ vào hơi lạnh đêm giao thừa, vẫn nghe lộp cộp tiếng thời gian gõ đều trên lá cọ, vẫn mênh mang tiếng đàn bầu thả trong tâm thức, vị ngọt nồng mùi gừng của bánh gai, bánh mật vương mãi trên vị giác...
Hoành Sơn Phu Tử
Theo