(Xây dựng) – Trong những năm qua, nhờ việc phát triển mạnh mẽ hạ tầng du lịch, điểm nhấn là Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử, bộ mặt đô thị nơi đây đã có thêm nhiều gam màu tươi sáng, khởi sắc.
Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động. |
Tây Yên Tử - Điểm nhấn bộ mặt đô thị
Tây Yên Tử được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, với vẻ đẹp thanh bình, hoang sơ, thuần khiết gắn với con đường hoằng dương phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Tây Yên Tử được coi là “mỏ vàng” của ngành Du lịch Bắc Giang.
Ngày 22/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, đến năm 2035 (tỷ lệ 1/5.000).
Theo quyết định nêu trên, thị trấn Tây Yên Tử có diện tích khoảng 8.205ha. Đây sẽ được coi là trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ thương mại, nông lâm ngư nghiệp; khu du lịch tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái của tỉnh; đầu mối giao thông đường bộ khu vực phía Đông tỉnh và huyện Sơn Động.
Về định hướng phát triển, thị trấn Tây Yên Tử sẽ dựa trên khung hạ tầng chính gồm các đường tỉnh 293, 291 và hệ khung thiên nhiên đồi núi, sông suối. Tại đây, cùng với hoàn thiện hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất sẽ phát triển cụm công nghiệp phía Đông; phát triển khu đô thị dịch vụ du lịch mới tại ngã ba Chẽ kết hợp Khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử.
Phát triển không gian khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, kết nối đô thị hiện hữu với đô thị dịch vụ mới, tạo ra sản phẩm du lịch mới cho địa phương nhằm thu hút đầu tư, tăng thu nhập cho người dân và trở thành điểm đến cuối tuần hấp dẫn cho khu vực miền Bắc.
Nằm ở sườn Tây của dãy núi Yên Tử, thị trấn Tây Yên Tử được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp kỳ vĩ, cùng khí hậu mát mẻ quanh năm. Do đó, ngay từ xa xưa khu vực sườn Tây Yên Tử đã được các vị vua thời Lý - Trần lựa chọn là nơi dựng chùa, tu tâm, tham thiền học đạo. Cũng chính vì vậy, nơi đây hội tụ rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái tâm linh.
Trên thực tế, trong những năm qua, việc phát triển mạnh mẽ du lịch với điểm nhấn là Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử đã góp phần không nhỏ giúp bộ mặt đô thị của thị trấn Tây Yên Tử có nhiều chuyển biến tích cực, khởi sắc.
Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Văn Thịnh – Chủ tịch UBND thị trấn Tây Yên Tử cho rằng, việc thực hiện dự án Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử đã tạo ra điểm nhấn rõ nét cho bộ mặt đô thị cho thị trấn. Bên cạnh đó, người dân cũng đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc phát triển hạ tầng phục vụ dự án, trong đó phải kể đến con đường Tỉnh lộ 293.
“Thời gian tới, ngoài đường Tỉnh lộ 293, huyện sẽ tiếp tục có kế hoạch đầu tư tuyến đường theo Tỉnh lộ 291 kết nối với Quảng Ninh và thực hiện một số tuyến đường vành đai bao quanh trung tâm thị trấn, hòa chung với kết cấu hạ tầng tại Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử”, ông Thịnh cho biết thêm.
Miền sơn cước “thay da đổi thịt”
Nhận thấy rõ tiềm năng, phát triển du lịch bền vững, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Bắc Giang đã cho thấy quyết tâm biến Tây Yên Tử thành một điểm tham quan trọng điểm. Dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử do Công ty Cổ phần Dịch vụ Tây Yên Tử làm chủ đầu tư với diện tích hơn 136,3ha, tổng vốn đầu tư dự kiến gần 1.470 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 giai đoạn.
Mục tiêu là xây dựng khu du lịch kết hợp tổng hòa các yếu tố tâm linh, lịch sử, sinh thái thiên nhiên vùng Tây Yên Tử, tạo điểm nhấn du lịch của tỉnh Bắc Giang nói riêng, khu vực nói chung.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển dài hạn của dự án, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Dịch vụ Tây Yên Tử cho biết: Giai đoạn 1 của dự án chính thức được đưa vào vận hành phục vụ du khách từ ngày 9/02/2019, với các hạng mục bao gồm: Tuyến cáp treo giai đoạn 1, khu quảng trường trung tâm, cùng các công trình phụ trợ đi kèm. Theo kế hoạch, giai đoạn 2 sẽ dự kiến khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2025.
Cũng theo chia sẻ của bà Ngân, hiện tại đến với Tây Yên Tử, du khách chủ yếu trải nghiệm dịch vụ cáp treo để đi lễ chùa vào dịp đầu năm. Chính vì vậy, giai đoạn 2 công ty sẽ hướng tới phục vụ nhóm khách hàng lớn và tiềm năng hơn đó là các khách hàng có nhu cầu ở lại và nghỉ dưỡng.
Cụ thể, giai đoạn 2 sẽ xây dựng các công trình bao gồm: Các khu lưu trú, khách sạn với cấp độ từ 3-4 sao; các khu cắm trại ngoài trời quy mô lớn, dành cho du khách muốn trải nghiệm sự gần gũi với thiên nhiên; khu công viên phật giáo thế giới, trong đó sẽ tái hiện một số mô hình phật giáo, các công trình tiêu biểu, điển hình của các nước trên thế giới; các khu dịch vụ về shopping và ăn uống.
“Giai đoạn 3 sẽ phục vụ nhu cầu cao hơn nữa là nhu cầu về mặt nghệ thuật và tôn giáo. Chúng tôi sẽ xây dựng các khu biểu diễn gồm các vở diễn nhằm tái hiện lại cuộc đời Phật hoàng Trần Nhân Tông; bên cạnh đó là các khu trung tâm hội nghị, hội thảo và những sự kiện lớn của phật giáo trong nước và quốc tế”, bà Ngân cho biết thêm.
Là người gắn bó với dự án ngay từ buổi sơ khai, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cảm nhận rõ rệt sự thay đổi của thị trấn Tây Yên Tử, kể từ khi bắt đầu triển khai dự án. Trước đây, khu vực triển khai dự án chỉ có khoảng 100 hộ dân sinh sống, đường giao thông vô cùng nhỏ hẹp, việc đi lại cũng hết sức khó khăn; dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng gần như không có. Với chủ trương thu hút đầu tư, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện xây dựng đường Tỉnh lộ 293 kéo dài từ thành phố Bắc Giang nối với đèo Họa Mi giáp với tỉnh Quảng Ninh. Đây là một con đường giao thông chiến lược, thu hút nhiều dự án đầu tư ngoài dự án du lịch.
“Có thể rõ ràng nhận thấy, nhờ việc phát triển du lịch, bộ mặt đô thị ở đây đã có nhiều chuyển biến, người dân đã có kết cấu hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh, thuận tiện cho việc đi lại. Cùng với đó, hạ tầng đường điện, đường nước cũng đã được phát triển và quy hoạch bài bản hơn”, bà Ngân đánh giá.
Trong tương lai không xa, với kế hoạch phát triển bài bản, dài hơi của Công ty Cổ phần Dịch vụ Tây Yên Tử, kết hợp với việc phát triển mạnh mẽ của các khu du lịch trên địa bàn, bộ mặt đô thị của thị trấn Tây Yên Tử được hứa hẹn sẽ còn có nhiều chuyển biến tích cực, biến nơi đây trở thành một “đô thị du lịch” tỉnh Bắc Giang.
Thân Nam
Theo