(Xây dựng) – Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Xây dựng, các Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong từng lĩnh vực mà các đơn vị cần thực hiện.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Chú trọng phát triển các dự án NƠXH, cải tạo chung cư cũ
Lĩnh vực nhà ở, thị trường BĐS, VLXD trong năm qua đã có nhiều kết quả quan trọng. Về quy hoạch khoáng sản và VLXD, Bộ Xây dựng đã chủ động chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các địa phương và đơn vị có liên quan thực hiện “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đến nay, quy hoạch này cơ bản hoàn thành, Bộ đã trình để Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định, sau đó trình lên Chính phủ.
Về quản lý nhà ở và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cơ bản hoàn thành dự thảo dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi); đã phối hợp, tổng kết đánh giá chính sách; tổ chức các hội thảo lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện hai dự án Luật. Đến nay, 2 dự án Luật này được Bộ Tư pháp thẩm định; được Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Nếu được Quốc hội thông qua, 2 dự án Luật này góp phần giải quyết tốt những khó khăn trong lĩnh vực nhà ở, BĐS còn đang tồn đọng.
Trong năm 2023, đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Các đơn vị nhanh chóng rà soát cụ thể, chi tiết vướng mắc của hệ thống pháp luật, các nghị định, thông tư hiện hành, từ đó sớm đề xuất, đưa vào Kế hoạch xây dựng pháp luật năm 2023. Đồng thời, tập trung làm rõ những khó khăn của từng lĩnh vực quản lý để có giải pháp phù hợp.
Tiếp tục cải cách có hiệu quả trình tự, thủ tục hành chính, dần giảm bớt số lượng văn bản pháp luật, tránh bị chồng chéo; sửa đổi một số hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá định mức xây dựng để đảm bảo thực thi pháp luật đồng bộ.
Bộ Xây dựng sẵn sàng phối hợp với các địa phương, tạo điều kiện để sớm giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính, các văn bản pháp luật hiện hành. Các địa phương chủ động tham mưu tốt cơ chế chính sách, triển khai hiệu quả dự án tại địa phương.
Đề nghị địa phương và Sở Xây dựng tập trung triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; chú trọng phát triển các dự án NƠXH, cải tạo chung cư cũ, đặc biệt là triển khai có hiệu quả Đề án ít nhất 1 triệu căn NƠXH khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - kiến trúc địa phương quan tâm, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của DN, sớm có giải pháp đối với dự án còn đang chậm muộn, thúc đẩy dự án mới sớm đi vào triển khai, phát huy nguồn lực địa phương đang có…
Cần tập trung triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. |
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh: Cập nhật định mức, giải quyết khó khăn cho DN
Năm 2022 vừa qua, đã xảy ra hai vấn đề chính là cơn bão giá VLXD và kết quả đầu tư công thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động xây dựng. Bên cạnh đó, các DN gặp nhiều khó khăn trong tính toán, xác định định mức, suất vốn đầu tư…
Cục Kinh tế xây dựng cần chủ động rà soát lại tất cả những định mức trong phạm vi toàn quốc. Hiện nay, định mức thường lạc hậu và không còn phù hợp vì định mức có trước, trong khi các công trình lại hình thành sau, trong tương lai, nên dễ xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo. Do đó, các bên cần nhanh chóng có biện pháp để giảm thiểu mâu thuẫn đang tồn tại.
Các Bộ, ngành, địa phương phải công khai giá, phương pháp tính suất vốn đầu tư để người dân, các bên có liên quan quan tâm nắm rõ. Địa phương cần hướng dẫn các chủ đầu tư tính toán suất đầu tư.
Trong năm 2023, đề nghị các đơn vị tiếp tục xây dựng kho dữ liệu về định mức toàn quốc, cập nhật về giá, suất đầu tư, đơn giá tổng hợp. Đây là công cụ để chủ đầu tư kiểm soát được chi phí. Cần chủ động đổi mới công cụ để giảm thiểu các định mức lạc hậu. Các DN trực thuộc Bộ phải rà soát lại kế hoạch tái cấu trúc, kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm, sau đó tổng hợp trình Bộ trong thời gian sớm nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn: Chủ động làm tốt quy hoạch, phát triển đô thị
Thời gian qua, Bộ Xây dựng rất quan tâm đến công tác quy hoạch. Đồng hành cùng Bộ Xây dựng, các địa phương cũng đang nỗ lực làm tốt công tác quy hoạch trên địa bàn. Trong năm 2022, đặc biệt là năm 2023, cả nước có rất nhiều quy hoạch cần phải làm và hiện còn hơn 100 quy hoạch đang được trình để chờ ban hành.
Về phát triển đô thị, hiện các Bộ, ngành, địa phương đang thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 148/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW, gồm 33 nhóm nhiệm vụ giải pháp về quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị. Trong đó, nội dung về quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn rất được quan tâm. Đề nghị trong quá trình thực hiện làm quy hoạch này, kể cả khi lập quy hoạch tỉnh, các địa phương và đơn vị có liên quan có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng. Đồng thời quan tâm đến kế hoạch phân loại đô thị; phải căn cứ vào tiêu chí phân loại đô thị được quy định tại Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15.
Về hạ tầng kỹ thuật, năm 2023, Bộ Xây dựng dự kiến trình Chính phủ định hướng phát triển không gian ngầm đô thị. Việc quản lý, quy hoạch sử dụng không gian ngầm cũng sẽ được nhấn mạnh trong quy hoạch tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho không gian ngầm còn thiếu, do đó Bộ Xây dựng mong muốn các địa phương, đặc biệt là 5 thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm thực hiện, phối hợp với Bộ trong việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển không gian ngầm.
Yến Mai - Nhật Minh
Theo