Thứ sáu 08/11/2024 14:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Tam Kỳ: “Nhớ người hay nhớ hương”

22:59 | 23/04/2022

(Xây dựng) - Có dịp lưu lại Tam Kỳ (Quảng Nam) đúng vào mùa lễ hội hoa sưa, lòng luyến lưu cái màu vàng tươi như màu nắng tỏa ra từ đôi dòng chữ mà hôm ấy người kí tặng vào quyển thơ Xa xăm gõ cửa: “Gặp em tại thành phố sưa vàng…”. Hóa ra, loài hoa đã kéo dài cuộc gặp gỡ?

tam ky nho nguoi hay nho huong

Cuộc đời có bao nhiêu chuyến đi, làm sao nhớ hết những con đường mà chân lần bước. Đến Tam Kỳ bao giờ cũng vội, nhớ ly cà phê chưa ngẫm kịp vị, câu chuyện chưa bắt đầu đã vội vàng “rứa hỉ” cho kịp chuyến xe. Tam Kỳ nơi dường như không có câu chuyện nào để kể, nơi tôi không nhớ nổi một con đường, thế mà chợt vì cánh hoa sưa, lòng muốn kết thân cùng phố bằng một niềm tin cậy.

Khoảng 10 năm nay, Tam Kỳ mang sưa vàng về trồng đại trà trong đô thị, hình thành nên những “con đường hoa sưa” như Phan Bội Châu, Trần Cao Vân, Trần Hưng Đạo... Nhiều khuôn viên cơ quan công sở cũng trồng sưa lấy bóng mát.

Tại điểm giao giữa xuân sang hạ, sưa lại vào mùa như đôi lứa giữ cho nhau lời hẹn. Năm nay sau chuỗi ngày mưa trở trời, sự hiện diện của màu vàng thân thuộc khiến ta bình tâm rằng mọi thứ đã trở lại bình thường. Hàng sưa trải dài bung nở chấm vàng, nhìn như hàng triệu phấn thông vàng hân hoan hè hội, bay dọc dòng sông vắt qua phố nhỏ.

Không loang loáng xanh rêu như bức tường phố Hội, không ảo huyền như tháp Chăm Mỹ Sơn, thành phố hoa sưa là một giấc mơ có thực, rất thực của khách vãng lai, của những bước chân tứ xứ. Người chào nhau: “Anh từ mô tới” trên hành trình khắc tên mình giữa muôn trùng ước vọng, như cách những chùm hoa nhỏ khoe sắc giữa những chiếc lá xanh. Thành phố trẻ trung này, tưởng chừng hóa “không màu” nằm ở một vùng xa xôi, bỗng bừng dậy một vùng trời màu nắng mới, giòn tan đầy hứa hẹn. Cội hoa vàng khiến người và phố phủi đi lớp bụi cũ kỹ để không chìm vào thăm thẳm lãng quên.

Và thứ tôi nhớ về phố từ đây sẽ là những- cảm- giác. Mùi nắng, mùi hoa tinh nguyên hòa quyện, khiến bước chân trở về cứ mãi vấn vương tự hỏi: Mình nhớ người hay nhớ hương? Đi trong sưa vàng không khiến lòng khắc khoải đợi chờ như đi giữa con đường bằng lăng tím, không sực nức nồng nàn mùi hoa sữa cùng màu trắng vô ưu. Đi trong sưa, đáy mắt người nhuộm đầy một thuở vàng son để thức dậy bao nhiệt thành, nông nổi.

tam ky nho nguoi hay nho huong

Nhưng trong sắc vàng ấy, thành phố là một người trẻ biết suy tư. Con nắng cuối xuân dịu dàng tỏa xuống những hàng cây qua bao mùa thay lá ấy sẽ níu giữ kí ức của một vùng văn hóa, làm nên bản sắc cho “phố mới” nhẹ nhàng hòa vào giấc mộng “long bào”. Và phải không nhỉ, cái đẹp của sưa chính là cái ý vị khi hàng cây trầm ngâm “đứng tuổi” lại nở ra những chùm hoa rất trẻ, rất thơ ngây? Tam Kỳ không khói bụi inh ỏi tắc đường, luôn có một khoảng trong veo nơi bầu trời rộng hơn bao giờ hết, nơi nuôi ánh nhìn của cô bé tuổi tóc mây ngơ ngẩn ngắm hoa, để rồi đến “một ngày nào cho tôi gặp lại em”, tóc đã phong sương, mỗi độ sưa về luyến nhớ thì thiếu nữ. Sưa vàng ơi, ngươi chưng cất bao lâu để màu vàng trở thành kí ức?

Có lần cũng vì mải ngắm một điều gì đó xa xăm mà lỡ mất tiếng gọi của bác phụ xe: “Cô ơi, nhanh lên… chuyến xe cuối ngày”. Chợt nghĩ trong đời đã bao lần lỡ mất chuyến xe trở về quê, trở về thơ ấu. Thuở ấy, ngoài hai màu trắng- đen còn có màu vàng rưng rức của những buổi trưa không ngủ, trốn má ra ngồi nghịch dưới gốc cây, nhớ lấp loáng cái sân lúa vàng ươm sau ngày gặt, vương vất tấm áo nàng vàng cả một trang thơ. Thấy lòng bước lên chuyến xe xa xăm nào đó chở đầy hoa sưa.

Nhưng đó là một chuyến xe ngắn ngủi, đời trôi không đủ chậm để “trả phí” về tuổi thơ. Mùa sưa choáng đầy phố rồi cũng thoắt rời đi, tần ngần đứng đó như người chưa gặp nói lời giã từ mối tình thời hoa mộng. Từng cánh sưa rơi lất phất như thể hoài xuân mà hóa mưa ngâu, rồi cánh hoa đắp đầy con đường bằng niềm bi cảm. Tôi đã hiểu vì sao người ở xứ sở anh đào xa xót với bài tanka: “Anh đào ơi/ nhan sắc phai rồi/ mưa trên đời tôi” (Omachi)… Để rồi thấy lòng bâng khuâng trở về với dòng thư tình Trịnh gửi nàng Dao Ánh: “Có tuổi nào giữ cánh hoa vàng trong tay mà bâng khuâng”. Chợt ước được nhỏ nhắn an nhiên, mặc vô thường như chùm hoa dệt người xưa áo vàng thuở nọ: “Người tình nho nhỏ/ nhỏ mãi trong ta/ như chùm hạ hoa…” (Phạm Thiên Thư).

Rồi sưa sẽ chìm vào giấc mộng mây ngàn, nhường cho những ngọn đèn đường thức cùng đêm. Ngọn đèn đi cùng bước chân người mệt nhoài, cùng người lặng đón chút yên ắng của thành phố, cái thành phố ngày - chạy theo bóng người, đêm- về tìm bắt bóng mình. Quảng trường đêm ấy mờ ảo hư thực, tôi theo chân người đi tìm lại xa xưa. Tôi sẽ ngồi dưới bóng cây, nơi đẹp nhất khi ngắm nhìn hồn phố. Tôi tìm trong mắt người khoảng thẳm sâu, nghe “Đêm thấy ta là thác đổ”, thác đổ như xác hoa đã trôi về vùng thương nhớ. Ghé ngang phố, đời ta có cánh hoa sưa vừa qua, phố thật gần mà cứ ngỡ phố xa...

Một chiều chơm chớm hạ, người đem áo ra phơi, đem lòng ra hong để vơi đi nhàu nhĩ. Nghe hồi âm từ Tam Kỳ rằng con đường Bạch Đằng ven sông đã trở về với màu xanh thăm thẳm, viết vội đôi dòng khép lại lá thư tự gửi cho mình: hẹn gặp lại người vào mấy độ vàng sưa…

Ngọc Trâm

Theo

Cùng chuyên mục
  • Đề xuất giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật tại chùa Phổ Quang

    (Xây dựng) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Công văn số 4839/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề xuất giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật tại chùa Phổ Quang.

  • Sóc Trăng: Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo sẽ diễn ra từ ngày 9-15/11

    (Xây dựng) – Nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là các hoạt động văn hóa lễ hội; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.

  • Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024

    (Xây dựng) - UBND Thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch tổ chức Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 (The HaNoi Culinary Culture Festival 2024). Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 diễn ra trong 3 ngày (29-30/11 và 1/12) tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng).

  • Phát huy những giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, công tác bảo tồn phải luôn tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt, vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hoá vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần.

  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load