(Xây dựng) – Trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có nhiều dự án bỏ hoang, chậm tiến độ nhưng đang được tận dụng, sử dụng vào nhiều mục đích khác. Thực trạng trên luôn là vấn đề nóng nhưng Hà Nội lại chưa thể xử lý dứt điểm được tình trạng này khiến dư luận bức xúc.
Ô đất C2 nằm trên đường Nguyễn Thị Thập được UBND Thành phố Hà Nội giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội thực hiện dự án công trình y tế, nhà văn hóa và nhà để xe nhưng hiện nay vẫn đắp chiếu, bỏ hoang. |
Mặc dù, các ngành chức năng Thành phố Hà Nội đã có nhiều biện pháp nhằm xử lý dứt điểm tình trạng dự án bỏ hoang, chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, thực trạng trên vẫn diễn ra phổ biến trên địa bàn các quận, huyện như: Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Quốc Oai…
Một trong những dự án sử dụng đất không đúng mục đích được giao, gây bức xúc dư luận thời gian qua có thể kể đến là dự án nằm tại số 28 đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm.
Được biết, lô đất này có diện tích hơn 4.000m2 được UBND Thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển đầu tư Thăng Long với mục đích để xây nhà cao tầng, dịch vụ công cộng kết hợp nhà trẻ, văn phòng cho thuê…
Tuy nhiên, trái với mục đích được giao, lô đất này lại bị “xẻ thịt” thành nhà xưởng, gara ôtô, siêu thị để cho thuê, kinh doanh với quy mô bề thế, đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.
Cũng là đất dự án nhưng lại đang được sử dụng sai mục đích đó là cạnh khu nhà ký túc xá A5 Pháp Vân – Tứ Hiệp thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai hiện tồn tại khu đất được quy hoạch để xây dựng nhà ở sinh viên. Tuy nhiên, hiện khu đất này lại đang được sử dụng vào mục đích khác.
Cụ thể, ô đất rộng hàng trăm mét vuông của dự án nói trên hiện đang là bãi xe, gara sửa chữa ôtô, cửa hàng, quán ăn quy mô được dựng lên để kinh doanh không đúng với mục đích được giao.
Cách đó không xa, ngay mặt đường Trần Thủ Độ là khu đất rộng hàng nghìn m2 cũng là một dự án đã được quy hoạch xây dựng trường học. Tuy nhiên, đến nay, ô đất này lại đang được sử dụng làm bãi tập kết vật liệu xây dựng, giàn giáo, xe tải, bãi rửa xe…
Một dự án khác có địa chỉ tại ô đất C2 nằm trên đường Nguyễn Thị Thập thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân được UBND Thành phố Hà Nội giao cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội thực hiện dự án công trình y tế, nhà văn hóa và nhà để xe. Nhưng nhiều năm qua, dự án được quây tôn toàn bộ mặt ngoài, bên trong bỏ hoang. Trong khi đó, phía ngoài vỉa hè của dự án được người dân tận dụng dựng lều lán, cửa hàng để buôn bán, họp chợ.
Cũng trong tình trạng “đắp chiếu” nhiều năm, dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate nằm trên địa bàn huyện Quốc Oai đến nay vẫn hoang hóa, không có dấu hiệu khởi công. Theo tìm hiểu được biết, dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate được giao đất cách đây hơn 10 năm. Năm 2018, UBND Thành phố Hà Nội có Thông báo số 948/TB-UBND về việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư cho dự án, theo đó, tiến độ thực hiện dự án được điều chỉnh kéo dài thêm 5 năm. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn “án binh bất động”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, nhiều dự án chậm triển khai, bỏ hoang, sử dụng không đúng mục đích hiện nay bao gồm nguyên nhân khách quan và chủ quan. Do đó, các cơ quan quản lý cần phải đánh giá đúng về bản chất dự án, vì sao dự án chậm triển khai, nguyên nhân do đâu, từ đó mới có hướng xử lý dứt điểm tình trạng trên. Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cũng cho biết, để giải quyết tình trạng trên là câu chuyện không đơn giản, còn nhiều vấn đề phức tạp, do đó, cần phải xử lý những tồn tại trên theo Luật.
Thành phố Hà Nội hiện có nhiều dự án bỏ hoang, chậm tiến độ nhưng lại đang được tận dụng sử dụng không đúng mục đích. |
Ở một góc nhìn khác, KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, tất cả các dự án ban đầu về nguyên tắc chủ đầu tư phải có trách nhiệm thực hiện dự án theo đúng mục đích, thời hạn đã được duyệt. Nếu dự án quá hạn theo Luật thì cần phải thu hồi. Không những thu hồi mà còn phải phạt chủ đầu tư.
“Giai đoạn mà chủ đầu tư để lãng phí thì Nhà nước cần phải thu hồi và phạt nặng. Phải thực hiện theo đúng pháp luật. Nghiêm túc xem xét dự án nào phải thu hồi thì phải thu hồi. Nếu dự án được phép tiếp tục triển khai thì phải làm đúng mục đích ban đầu. Còn nếu mục đích ban đầu thay đổi thì phải phụ thuộc vào quy hoạch chung của thành phố đã được cấp thẩm quyền phê duyệt” – KTS. Phạm Thanh Tùng cho hay.
Thanh Trà
Theo