Thứ sáu 08/11/2024 14:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Tái định cư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chậm trễ: Trách nhiệm thuộc về ai?

15:02 | 24/11/2023

(Xây dựng) - Hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đến nay vẫn chưa thể an cư tại nơi ở mới. Khu tái định cư của dự án này hiện vẫn là những khoảng đất trống, chưa hoàn thiện hạ tầng.

Tái định cư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chậm trễ: Trách nhiệm thuộc về ai?
Khu tái định cư Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nằm tại khu phố 8, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc nhìn từ trên cao.

Tái định cư “dậm chân tại chỗ”!

Khu tái định cư Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại khu phố 8, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc có tổng diện tích gần 9,5ha, bao gồm: Diện tích đất ở, đường giao thông, vỉa hè, khu xử lý nước thải và các hạ tầng kỹ thuật khác... Khu tái định cư có thể bố trí trên 250 lô nhà liền kề, diện tích mỗi lô tương ứng khoảng hơn 200m2. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020-2022. Về số hộ dân bị ảnh hưởng được bố trí tái định cư là khoảng hơn 200 hộ, trong đó có trên 160 hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất thực hiện cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và khoảng trên 40 hộ tại khu đất thu hồi để xây dựng dự án tái định cư, dự án có tổng kinh phí thực hiện trên 271 tỷ đồng.

Tái định cư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chậm trễ: Trách nhiệm thuộc về ai?
Công trình chỉ có một vài hoạt động nhỏ lẻ, còn lại vẫn trong tình trạng “dậm chân tại chỗ”.

Mới đây, PV Báo điện tử Xây dựng có mặt tại khu đất xây dựng khu tái định cư này để ghi nhận tiến độ thực hiện. Qua quan sát, PV ghi nhận chỉ có vài công nhân cùng 1-2 phương tiện của nhà thầu thi công, đang san gạt mặt bằng và lu đá mi để làm đường nội khu.

Tái định cư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chậm trễ: Trách nhiệm thuộc về ai?
Một ống cống thoát nước chưa thể lắp đặt đấu nối với hố sâu đang đào dang dở vô hình chung trở thành một cái “bẫy”.

Mặc dù đã triển khai xây dựng gần 3 năm nhưng hiện nay, khu tái định cư vẫn trong tình trạng hạ tầng dang dở, nhiều cấu kiện bê tông, trơ lõi sắt đã hoen gỉ nằm phơi sương, phơi nắng, cỏ cây mọc um tùm, đất đá ngổn ngang… Một số vị trí ống cống thoát nước, rảnh nước sâu được chăng dây cảnh báo, che chắn sơ sài, không đảm bảo độ an toàn.

Tái định cư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chậm trễ: Trách nhiệm thuộc về ai?
Một căn nhà lọt thỏm, “cố thủ” không chịu di dời tại đất xây dựng dự án tái định cư.

Khu đất xây dựng tái định cư hiện vẫn còn mộ vài hộ dân chưa chịu di dời, để bàn giao đất cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến dự án chưa thể tiếp tục, vì chưa có mặt bằng sạch thi công, dẫn đến khu tái định cư vẫn chưa thể thành hình, ỳ ạch, thậm chí có những thời điểm “dậm chân tại chỗ”.

Tái định cư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chậm trễ: Trách nhiệm thuộc về ai?
Hạ tầng ngổn ngang khu tái định cư Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nhìn từ trên cao.

Qua quan sát, có thể nhận thấy, việc thực hiện dự án ước đạt khoảng trên 60-70%. Có lẽ, điều mong mỏi của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án tại một số xã như: Suối Cát, Xuân Tâm, Xuân Hiệp của huyện Xuân Lộc… về nơi an cư vẫn còn xa vời.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo tìm hiểu của PV, việc dự án khu tái định cư chậm tiến độ, ngổn ngang các hạng mục xây dựng như trên là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là do vẫn còn một số hộ dân chưa bàn giao đất, dẫn đến chủ đầu tư chưa có mặt bằng sạch để thi công. Ngoài ra, một số hộ dân mua bán đất bằng giấy tay, đất nông nghiệp nên việc xác định cơ chế để đền bù có nhiều khó khăn chiếu theo quy định của pháp luật.

Tái định cư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chậm trễ: Trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Trần Bước chỉ về hồ nước sâu trước nhà và khẳng định tiềm ẩn nhiều nguy cơ do trẻ nhỏ hay ra đây chơi đùa.

Ông Trần Bước, một trong những hộ dân đang “cố thủ” tại nơi xây dựng khu tái định cư cho biết, gia đình ông có 13 nhân khẩu, đang sinh sống trên diện tích đất khoảng 1.000m2 nhưng chỉ được đền bù hơn 1,7 tỷ đồng. Ông Bước cho rằng mức giá này là chưa phù hợp, nên quyết không di dời, không bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

Tái định cư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chậm trễ: Trách nhiệm thuộc về ai?
Những cấu kiện bê tông trơ lõi sắt hoen gỉ nằm sau những bãi cỏ mọc um tùm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Khoa, ngụ xã Suối Cát (hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, được cấp tái định cư) cho biết: “Mong mỏi lớn nhất của chúng tôi vẫn là tái định cư” và khẳng định hiện chính quyền vẫn chưa thông báo khi nào sẽ được về nơi ở mới để xây dựng nhà.

Còn bà Đặng Thị Thanh Thúy ngụ cùng địa phương cho hay, gia đình bà bàn giao 3.100m2 đất để thực hiện dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Bà thuộc diện được tái định cư nhưng đã 3 năm nay, cả gia đình chưa biết hình hài lô đất tái định cư mà mình sẽ ở ra sao. Trong khi đó, cả nhà 6 nhân khẩu phải đi thuê trọ để ở, khiến cuộc sống vô cùng khó khăn.

Tái định cư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chậm trễ: Trách nhiệm thuộc về ai?
Khu tái định chưa thể thành hình vì chưa có mặt bằng sạch để thi công.

Trong những cuộc tiếp xúc cử tri gần nhất, người dân đã rất bức xúc trước sự chậm trễ, thậm chí “thờ ơ” của chính quyền địa phương. Sự yếu kém trong khâu thực hiện của cả hệ thống chính trị, sự chậm trễ, thiếu quyết liệt trong quá trình triển khai đã khiến hàng trăm hộ dân vẫn trong tình cảnh mòn mỏi chờ tái định cư.

Pháp luật cũng đã quy định rõ, phải có tái định cư để người dân bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống mới thực hiện dự án, hoặc nếu linh hoạt hơn, tối thiểu là phải thực hiện song song cả hai khía cạnh vừa thu hồi đất, vừa bố trí tái định cư. Nhưng tréo ngoe thay khi đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đã được đưa vào khai thác hơn nửa năm nay, nhưng hàng trăm hộ dân giao đất làm dự án vẫn chưa có chỗ ở mới.

Phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo địa phương là bà Nguyễn Thị Cát Tiên - Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc và ông Nguyễn Thái Học - Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Xuân Lộc (chủ đầu tư dự án) để có những thông tin đa chiều liên quan vấn đề chậm trễ, giải pháp thực hiện dự án tái định cư trong thời gian tới nhưng không nhận được phản hồi, có dấu hiệu “né tránh” báo chí.

Một lần nữa, dư luận đặt dấu hỏi về vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, cho đến chủ đầu tư khi chọn sự “im lặng”, bởi chưa có dự án nào mà hơn 36 tháng kể từ ngày giao đất làm đường cao tốc, nhưng đến nay người dân vẫn phải đi ở trọ và chưa rõ khi nào mới được bố trí nơi ở mới.

Thiết nghĩ, ngoài việc làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan về việc chậm trễ trong thực hiện dự án, địa phương cần quyết liệt trong khâu thu hồi đất, sớm có mặt bằng sạch để tiếp tục triển khai. Có như vậy, người dân mới có cơ hội để sớm an cư lạc nghiệp.

Mai Thanh – Thìn Nguyễn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load