(Xây dựng) – Tối 6/11, tại Quảng trường Bạch Đằng, thành phố Sóc Trăng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng và các địa phương tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V tại tỉnh Sóc Trăng năm 2022 với chương trình nghệ thuật hoành tráng mang chủ đề “Sóc Trăng hội tụ và lan tỏa”.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu trao Quyết định công nhận biểu trưng (logo) du lịch Sóc Trăng cho ông Trần Minh Lý - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng. |
Chương trình nghệ thuật Lễ khai mạc đặc sắc với nhiều tiết mục ca múa tổng hợp (với 2 chương: Chương 1-Ngày hội Samaki, Chương II-Hội tụ và lan tỏa) tái hiện đời sống văn hóa cư dân 3 dân tộc: Kinh-Hoa-Khmer cùng sinh sống trên đất Sóc Trăng. Cùng trải nghiệm đêm lễ hội:
“Lung linh đèn nước như lời tạ ơn
Cúng trăng cốm dẹp ngọt thơm
Cầu cho mùa tới vui hơn mùa này
Cầu dân tình Sóc sờ bai
Cả ba dân tộc chung vui nhọc nhằn
Sa ma ki xây dựng Sóc Trăng
Ấm no hạnh phúc như hằng ước ao”.
Mở đầu chương trình nghệ thuật với cảnh 1: Phương Nam mảnh đất tình người; cảnh 2: Múa giã cốm dẹp và cảnh 3 Óoc Om Bóc – Vui hội đêm trăng… (Óoc Om Bóc nghĩa là “đút cốm dẹp” là một nghi lễ nông nghiệp của cư dân Khmer được tổ chức hàng năm vào ngày 15/10 âm lịch để tưởng nhớ đến mặt Trăng vốn được người Khmer xem là một vị thần bảo hộ cho mùa màng tốt tươi, đã giúp cho con người làm ăn được khá giả trong năm).
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng: “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V tại tỉnh Sóc Trăng năm 2022, là sự kiện văn hóa có ý nghĩa sâu sắc, nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi kết tinh nhiều giá trị văn hóa gắn với không gian sông nước vô cùng độc đáo, phong phú, giàu bản sắc của dân tộc Khmer và các dân tộc anh em - là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào Khmer Nam Bộ nổi tiếng với nghệ thuật múa (như múa Răm vông, Lăm leo, Sarvan), nghệ thuật sân khấu độc đáo và đặc sắc (với các loại hình sân khấu Rô Băm, sân khấu Dù kê).
Ngày hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng và các địa phương tổ chức tạo ra một không gian văn hóa ý nghĩa, để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào Khmer Nam Bộ hội tụ, gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Qua sự thể hiện của hơn 2.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng, chúng ta hy vọng và tin tưởng người dân và du khách thập phương sẽ được cảm nhận và trải nghiệm những giai điệu dân ca, dân vũ, các điệu múa dân gian Răm vông, saravan, múa trống Sadăm, nghệ thuật sân khấu Rô Băm và Dù Kê say đắm lòng người, cùng thưởng thức âm thanh riêng có của nhạc cụ ngũ âm - được mệnh danh là biểu tượng của không gian văn hóa, là tiếng lòng của người dân Khmer Nam Bộ với thần linh, với thiên nhiên và con người. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng nét đẹp của những bộ trang phục rực rỡ qua sự trình diễn của các nghệ nhân người Khmer, được đắm mình vào không gian lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng qua sự thể hiện khéo léo, tài hoa của nghệ nhân đến từ 12 tỉnh, thành phố, đặc biệt du khách sẽ được hòa mình với không khí sôi động, đậm bản sắc của Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo truyền thống…”.
Đến dự và phát biểu khai mạc Ngày hội, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao việc tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V tại tỉnh Sóc Trăng năm 2022.
“Tôi đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với tỉnh Sóc Trăng tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Khmer lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành đối với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer; là dịp để đồng bào trình diễn, giao lưu các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc, độc đáo của các nghệ sỹ, nghệ nhân chuyên và không chuyên và đua ghe Ngo truyền thống. Qua đó đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Khmer nói riêng có dịp bày tỏ tình cảm, niềm tin yêu của mình đối với Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu; từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng, chung sức xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc” - Ông Đỗ Văn Chiến cho biết.
Ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, cho biết kho tàng văn hóa dân gian đồng bào Khmer Nam Bộ rất độc đáo và cần phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Khmer Nam Bộ.
“Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V tại tỉnh Sóc Trăng năm 2022, là sự kiện văn hóa có ý nghĩa sâu sắc, nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào Khmer Nam Bộ nổi tiếng với nghệ thuật múa (như múa Răm vông, Lăm leo, Sarvan), nghệ thuật sân khấu độc đáo và đặc sắc (với các loại hình sân khấu Rô Băm, sân khấu Dù kê). Bên cạnh đó, gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh, đồng bào Khmer Nam Bộ đã bảo tồn được hệ thống kiến trúc Chùa Phật giáo Nam tông - đây vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vừa là nơi lưu giữ, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ còn đa dạng, phong phú bởi hệ thống các lễ hội, bởi kho tàng văn học dân gian đồ sộ - từ tục ngữ, dân ca, truyện dân gian, thần thoại, truyền thuyết… gắn bó lâu đời trên vùng đồng bằng sông nước Cửu Long.
Chương trình nghệ thuật Lễ khai mạc Ngày hội. |
Chúng ta hết sức vui mừng và tự hào khi các giá trị văn hóa đặc sắc ấy đã và đang được đồng bào Khmer Nam Bộ bảo tồn, phát huy trong đời sống hàng ngày, phát triển hài hòa trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng. Chính vì lẽ đó, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Khmer Nam Bộ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, các địa phương nỗ lực triển khai thực hiện, coi đó là nguồn nội lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay” - Bí thư Lâm Văn Mẫn phát biểu.
Cũng tại Lễ khai mạc, Ban tổ chức đã công bố biểu trưng (logo) Du lịch Sóc Trăng và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận kỷ lục Guiness “Lễ hội Óoc Om Bóc-Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng có số lượng ghe và vận động viên tham gia nhiều nhất Việt Nam (từ năm 2005 đến nay). Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V Sóc Trăng năm 2022 có tất cả 55 đội ghe ngo (nam, nữ) với khoảng 6.000 vận động viên tham dự.
Huỳnh Biển
Theo