(Xây dựng) - Dưới đây là những trường hợp thửa đất được cấp sổ đỏ vượt hạn mức và khoản tiền sử dụng đất người dân nên biết.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet). |
Hạn mức công nhận đất là gì?
Pháp luật không quy định hay giải thích hạn mức đất ở là gì. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế áp dụng pháp luật, hạn mức công nhận đất ở có thể hiểu là diện tích tối đa được xác định là đất ở và người sử dụng đất có quyền, nghĩa vụ khi sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật. Nếu vượt hạn mức đất ở thì được công nhận với mục đích sử dụng khác.
UBND cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) căn cứ vào điều kiện, tập quán tại địa phương quy định hạn mức công nhận đất ở cho mỗi hộ gia đình phù hợp với tập quán ở địa phương theo số lượng nhân khẩu trong hộ gia đình (theo điểm a khoản 4 Điều 103 Luật Đất đai 2013).
Cho đến nay, quy định hạn mức công nhận đất ở có ý nghĩa quan trọng, bởi lẽ hạn mức công nhận đất ở nhằm đảm bảo sự ổn định và sử dụng hợp lý về quỹ đất cũng như phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ với diện tích đất vượt hạn mức?
Điều 6, 7, 8 và Khoản 2, 6, 7 Điều 20 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ đối với diện tích vượt hạn mức được chia thành các trường hợp khác nhau.
Thứ nhất: Sổ đỏ cấp trước ngày 15/10/1993 mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013 (không có giấy tờ về quyền sử dụng đất).
Cụ thể, trường hợp đất có nhà ở thì người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất ở đang sử dụng trong hạn mức công nhận đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân; đối với diện tích đất ở vượt hạn mức công nhận đất ở (nếu có) thì nộp tiền sử dụng đất bằng 50% tiền sử dụng đất theo giá đất cụ thể tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất.
Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để ở mà tại thời điểm bắt đầu sử dụng đất đã có một trong các hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như: lấn, chiếm… nhưng nay nếu được cấp sổ đỏ thì phải nộp 100% tiền sử dụng đất đối với diện tích đất vượt hạn mức công nhận đất ở theo giá đất cụ thể tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất.
Thứ hai: Đất đã sử dụng từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004 mà không có giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013.
Cụ thể, trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở thì phải nộp tiền sử dụng đất bằng 50% tiền sử dụng đất đối với diện tích đất trong hạn mức giao đất ở theo giá đất quy định tại bảng giá đất.
Đối với diện tích đất ở vượt hạn mức (nếu có) thì phải nộp bằng 100% tiền sử dụng đất theo giá đất cụ thể tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất.
Nếu tại thời điểm hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở có một trong các hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như: lấn, chiếm… nhưng nếu được cấp sổ đỏ thì phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo giá đất quy định tại bảng giá đất đối với phần diện tích đất trong hạn mức giao đất ở.
Đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở (nếu có) phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo giá đất cụ thể tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất.
Thứ ba: Đất ở có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004.
Cụ thể, tiền sử dụng đất với sổ đỏ vượt hạn mức bằng 100% tiền sử dụng đất theo giá đất ở đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở (nếu có) theo giá đất cụ thể tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất.
Trường hợp đất đã được sử dụng ổn định từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004 thì thu tiền sử dụng đất bằng 100% tiền sử dụng đất đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở (nếu có) theo giá đất cụ thể tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất.
Đặng Ngân
Theo