Thứ năm 07/11/2024 13:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Sắp diễn ra Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình

22:10 | 04/10/2024

(Xây dựng) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 – 16/7/2024), UBND Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình “Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình” tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm – biểu tượng văn hóa lịch sử của Thủ đô. Chương trình là dịp tôn vinh truyền thống lịch sử của Hà Nội, đồng thời quảng bá hình ảnh Thủ đô yêu chuộng hòa bình đến toàn thể người dân và bạn bè quốc tế.

Sắp diễn ra Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình
Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình - Điểm nhấn kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

"Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" là sự kiện trọng điểm trong chuỗi các hoạt động văn hóa đặc sắc, được chỉ đạo bởi Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội. Chương trình mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tôn vinh giá trị lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, đồng thời nhìn lại 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” từ UNESCO, khẳng định những nỗ lực không ngừng của thành phố trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, đồng thời xây dựng một Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế.

Chương trình sẽ diễn ra từ 7h00 – 10h00 sáng 6/10/2024 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, mở đầu với nghi lễ dâng hương tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ, tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng Thủ đô. Tiếp theo là lễ chào cờ đặc biệt, tái hiện lại buổi lễ chào cờ đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 10/10/1954, sau khi Thủ đô được giải phóng. Trong không khí trang trọng ấy, khoảng 10.000 đại biểu cùng tham dự và hát vang bài Quốc ca, tạo nên một khoảnh khắc đặc biệt thiêng liêng, thể hiện lòng tự hào dân tộc và khát vọng hòa bình.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của chương trình là màn tái hiện sống động về hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội trong thời khắc lịch sử ngày 10/10/1954, khi quân đội Việt Nam tiếp quản Thủ đô, đánh dấu sự kết thúc ách đô hộ thực dân. Khoảnh khắc hào hùng này sẽ được tái hiện bằng những màn biểu diễn thực cảnh quy mô lớn, với sự tham gia của gần 1.000 chiến sĩ cùng 200 nghệ sĩ, diễn viên múa. Những hình ảnh quen thuộc như Cầu Long Biên, nơi đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ đô, hay Cột cờ Hà Nội, nơi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong lễ chào cờ đầu tiên vào ngày 10/10/1954, sẽ được tái hiện rõ nét trên sân khấu, mang lại cảm xúc sâu lắng cho khán giả.

Sân khấu chính của sự kiện sẽ được dàn dựng công phu tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, sử dụng ngôn ngữ thực cảnh để tái hiện lại các di tích lịch sử, địa điểm nổi tiếng gắn liền với Thủ đô như: Cửa ô Hà Nội, Cổng Đoan Môn (Hoàng Thành Thăng Long), Cầu Long Biên, và Cột cờ Hà Nội. Qua đó, chương trình tạo ra một không gian văn hóa lịch sử độc đáo, giúp người dân và du khách sống lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Hà Nội trong suốt chiều dài 70 năm từ Ngày Giải phóng Thủ đô.

“Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình” cũng là nơi quy tụ giao lưu lớn nhất giữa các nghệ nhân, nghệ sĩ và nhân dân đại diện cho 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô. Hơn 8.000 người, bao gồm 5.000 người dân và đại diện các lực lượng từ các quận, huyện, thị xã, sẽ tham gia vào các màn diễu hành, trình diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, bao gồm những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO và quốc gia công nhận, cùng những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của Thủ đô. Những loại hình nghệ thuật như ca trù, múa rối nước, hát xẩm… và các di sản tín ngưỡng như Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, Hai Bà Trưng, Thánh Gióng, đều được trình diễn tại chương trình, mang lại cho khán giả một cái nhìn sâu sắc về các giá trị văn hóa trường tồn của Thủ đô Hà Nội.

Đặc biệt, phần trình diễn nghệ thuật sẽ giới thiệu văn hóa ẩm thực và sản phẩm làng nghề truyền thống của Thủ đô như làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động, mây tre đan Phú Vinh… các món ăn đặc trưng của Hà Nội như cốm Vòng, giò chả Ước Lễ, bánh cuốn Thanh Trì, bún Phú Đô... Những sản phẩm này không những phản ánh sự khéo léo, sáng tạo của người Hà Nội mà còn thể hiện tính độc đáo và phong phú của nền văn hóa Việt Nam.

"Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" được chia làm ba phần chính, bao gồm:

Phần I – Ký ức Hà Nội: Tái hiện lại những thời khắc lịch sử của Hà Nội qua các tiết mục nghệ thuật, đặc biệt là sự kiện đoàn quân chiến thắng tiến vào tiếp quản Thủ đô vào ngày 10/10/1954. Những ca khúc nổi tiếng như “Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi và “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao sẽ vang lên, gợi nhớ lại những cảm xúc mãnh liệt của nhân dân Thủ đô trong những ngày tháng Mười lịch sử.

Phần II – Dòng chảy di sản: Chương trình giới thiệu các di sản văn hóa của Thủ đô, bao gồm trình diễn di sản văn hóa phi vật thể cùng các loại hình nghệ thuật dân gian như múa sênh tiền, múa Bài Bông, Ải Lao, múa rồng Giảo Long, chèo tàu Tổng Gối… Sự kiện này còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh Hà Nội như một thành phố sáng tạo và giàu di sản văn hóa, góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước.

Phần III – Hà Nội: Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo: Các màn trình diễn nghệ thuật sẽ tiếp tục giới thiệu về hành trình phát triển của Hà Nội từ một thành phố bị tàn phá bởi chiến tranh trở thành một Thành phố vì hòa bình với sức sống mạnh mẽ, hiện đại. Chương trình sẽ khép lại với phần diễu hành hoành tráng, có sự tham gia của đại diện các quận, huyện, thị xã và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, tạo nên một bức tranh sống động về một Hà Nội đa sắc màu văn hóa.

"Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" là sự kiện văn hóa lớn của Hà Nội, được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng truyền thông đặc biệt, lan tỏa giá trị lịch sử và văn hóa của Thủ đô đến với cả nước và bạn bè quốc tế. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV1 vào sáng 6/10/2024, mang đến cho khán giả toàn quốc cơ hội trải nghiệm không khí lễ hội đặc sắc.

Thông qua sự kiện này, Hà Nội không chỉ khẳng định vị thế của thành phố lịch sử, văn hóa mà còn là trung tâm du lịch, kinh tế, chính trị quan trọng của cả nước. Việc tổ chức "Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" cũng là một phần trong chiến lược phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa gắn với các sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô hàng năm, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa và phát triển kinh tế bền vững cho Thủ đô.

Khánh Diệp

Theo

Cùng chuyên mục
  • Đề xuất giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật tại chùa Phổ Quang

    (Xây dựng) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Công văn số 4839/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề xuất giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật tại chùa Phổ Quang.

  • Sóc Trăng: Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo sẽ diễn ra từ ngày 9-15/11

    (Xây dựng) – Nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là các hoạt động văn hóa lễ hội; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.

  • Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024

    (Xây dựng) - UBND Thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch tổ chức Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 (The HaNoi Culinary Culture Festival 2024). Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 diễn ra trong 3 ngày (29-30/11 và 1/12) tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng).

  • Phát huy những giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, công tác bảo tồn phải luôn tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt, vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hoá vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần.

  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load