Chủ nhật 10/11/2024 17:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận: Cơ quan quản lý và địa phương nói gì?

18:53 | 24/11/2020

(Xây dựng) - Từ những lo ngại đồ án quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 bị phá vỡ trước khi được thông qua, nhóm phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Thành ủy Bảo Lộc và Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng về vấn đề này.

quy hoach chung tp bao loc va vung phu can co quan quan ly va dia phuong noi gi
Cần thiết đẩy nhanh hoàn thiện và ban hành quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc đến năm 2040 để quản lý theo quy hoạch.

Mời gọi đầu tư song song thực hiện quy hoạch

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Triệu - Bí thư Thành ủy Bảo Lộc cho biết, trong khi UBND tỉnh Lâm Đồng cùng các Sở ngành và TP Bảo Lộc thuê tư vấn thực hiện quy hoạch TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 thì Thành ủy Bảo Lộc đồng thời thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội bằng việc khai thác các lợi thế, tiềm năng về thời tiết, khí hậu, cảnh quan, đất đai… điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển Bảo Lộc trong tương lai theo các Nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng và Thành ủy Bảo Lộc. Từ đó, đã có ít nhất 46 nhà đầu tư quan tâm, đặt vấn đề trực tiếp với thành phố, trong đó có hàng chục nhà đầu tư lớn, có tên tuổi như: Vingroup, SunGroup, Hưng Thịnh, Ecopark, HUD, Văn Phú Invest…

Hiện quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 đã xác định tập trung phát triển các dự án lớn như phát triển 5 dự án nghỉ dưỡng ở khu vực Bảo Lộc, Bảo Lâm dành cho những người trên 50 tuổi, khôi phục lại sân bay Lộc Phát làm sân bay lưỡng dụng, hệ thống nhà hàng, khách sạn 5 sao, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại dịch vụ cao cấp, 2 sân golf, các khu dân cư, trường học, bệnh viện, các dự án phục vụ cho công nghiệp chế biến chè, cà phê và dâu tằm, cây ăn trái, hoa và rau,...

Tất cả những nội dung quy hoạch, kế hoạch thu hút các nhà đầu tư phát triển dự án nằm trong quy hoạch chung sẽ ban hành tới đây đều được Thành ủy Bảo Lộc tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân, trong đó nhấn mạnh việc đột phá, phát triển kinh tế tại Bảo Lộc dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng của thành phố. Mục tiêu chính là thu hút nguồn nhân lực, vật lực từ bên ngoài, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là chính, không phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư.

Lý giải về những bất cập trong hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất đai gây ảnh hưởng đến mỹ quan và trật tự xây dựng của thành phố, ông Nguyễn Văn Triệu cho biết: “Chúng tôi đã thu hút được hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào Bảo Lộc. Vậy nguồn tiền này tác động vào đâu? Buộc phải tác động vào đất đai, cảnh quan. Có 2 luồng tác động, một là luồng chính thống, đó là các dự án được phê duyệt kỹ lưỡng, do các công ty BĐS, tập đoàn lớn thực hiện một cách bài bản; luồng thứ hai là các hộ gia đình bán đất cho các nhà đầu tư bên ngoài vào thực hiện phân lô, tách thửa hoặc người dân tự phân lô, tách thửa theo quy hoạch để bán. Đó là quyền của dân, chính quyền không cấm được, chúng tôi ủng hộ những việc làm đúng pháp luật”.

Ông Triệu cũng lo sợ việc TP Bảo Lộc bị phá vỡ cảnh quan khiến cho các nhà đầu tư lớn không vào được, công tác bồi thường, GPMB khó khăn, nên mong muốn đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành quy hoạch chung TP Bảo Lộc đến năm 2040 để quy hoạch phủ kín hết, lúc đó có công cụ để quản lý theo quy hoạch.

Không tổ chức chặt chẽ rất khó triển khai quy hoạch mới ban hành

Đồng quan điểm với lãnh đạo Thành ủy Bảo Lộc về những giá trị mà thành phố này sẽ mang lại cho người dân và các nhà đầu tư, ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết, quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận nằm trong chương trình trọng tâm của Tỉnh ủy Lâm Đồng giai đoạn trước, nên năm 2020 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ phải hoàn thành đồ án quy hoạch này. Trong khi quy hoạch chưa phê duyệt, các nhà đầu tư đã đổ dồn về rất nhiều, thực hiện khảo sát và đề xuất thực hiện dự án tại địa phương - thể hiện những tín hiệu tích cực khẳng định tiềm năng phát triển của Bảo Lộc. Tuy nhiên, ông Lê Quang Trung cũng cảnh báo, hiện tượng này đặt ra một bài toán khó đối với chính quyền bởi đồ án quy hoạch tốt nhưng để quản lý được quy hoạch theo đúng định hướng mới là vấn đề quan trọng.

Theo đó, ông Lê Quang Trung yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ việc phân lô, chuyển nhượng đất nông nghiệp sang đất ở. Bởi, qua số liệu nắm được ở các địa phương ngay sau khi tổ chức hội thảo về đồ án quy hoạch TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040, các giao dịch dân sự về chuyển nhượng đất ở 2 địa phương Bảo Lộc và Bảo Lâm tăng đột biến, mặt tích cực là đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, nhưng mặt tiêu cực là nguy cơ phá vỡ quy hoạch, phá vỡ cảnh quan, thậm chí ảnh hưởng tới môi trường sống, môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố, trong khi định hướng phát triển của thành phố này xác định phát triển đô thị sinh thái với đặc trưng đòi hỏi rất nhiều vấn đề liên quan, nếu không được tổ chức chặt chẽ thì rất khó cho việc triển khai quy hoạch.

Để ngăn chặn chuyện tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tràn lan, Sở Xây dựng đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý quy hoạch và trật tự đô thị trong tình hình mới, tình hình mới là vấn đề tách thửa, chuyển nhượng đất diễn ra rất nhiều ở các địa phương có điểm nóng đất đai như Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lộc, Bảo Lâm... Trong đó đề xuất đối với các khu vực ở đô thị, được quy hoạch chung xác định là đất ở nhưng chưa có quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết thì tạm ngưng tách thửa. Tuy nhiên, hiện nay UBND tỉnh Lâm Đồng chưa ban hành Chỉ thị có nội dung này.

Quan điểm của ông Lê Quang Trung là vẫn tôn trọng quyền sử dụng đất của người dân và không ngăn cấm chuyện tách thửa để chuyển nhượng, nhưng việc tách thửa phải có quy hoạch phân khu hoặc có quy hoạch chi tiết để khẳng định khu vực đó có các chỉ tiêu tách thửa, còn nếu không xác định được các chỉ tiêu khi tách thửa thì chưa được phép phân lô.

Nếu tách thửa không rõ các chỉ tiêu sẽ làm phá vỡ quy hoạch và gây thiệt hại cho người sử dụng đất. Ví dụ, khu vực đó quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết quy định loại hình nhà biệt lập nhưng trước đó đã cho tách thửa nhà liên kế thì xem như quy hoạch sẽ không thực hiện được, hoặc quy định tách thửa nhà biệt lập là 250 m2, nhưng trước đó nếu người dân tự tách thửa 300 m2, có nghĩa là dư ra 50m2 sẽ là một sự lãng phí cho người dân khi người dân không có điều kiện sống cao; nếu người dân tự tách thửa 200 m2 thì sẽ thiếu 50 m thì không đủ điều kiện để cấp phép xây dựng nhà biệt lập, mà chỉ có thể làm nhà tạm, đó là một sự thiệt hại lớn cho người dân.

Nhóm phóng viên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load