(Xây dựng) – Ngày 22/11, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
1 hệ thống di sản, 2 không gian sinh thái, 3 hành lang kinh tế, 4 phân vùng
Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế với tổng diện tích khoảng 4.947km2. Thời hạn quy hoạch đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo nội dung Quy hoạch chung, đô thị Thừa Thiên - Huế sẽ là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương có tiêu chí đặc thù. Đây cũng là đô thị phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế; đô thị đặc sắc về sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Quy hoạch chung cũng hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị Thừa Thiên - Huế là cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung về kinh tế biển, kinh tế du lịch, trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế đa ngành chất lượng cao; trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm về phát triển công nghiệp và cảng biển của quốc gia. Trong đó, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Ngoài ra, Thừa Thiên - Huế vẫn là địa bàn chiến lược về quốc phòng và an ninh khu vực miền Trung và cả nước.
Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng) đóng góp ý kiến cho Đồ án. |
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao. Dân số toàn đô thị khoảng 1,5 triệu người (bao gồm cả dân số quy đổi); tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%. Đất xây dựng khoảng 40.000 - 42.000ha, bình quân 270 - 280m2/người.
Đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế sẽ là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á; là đô thị có đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững. Dân số toàn đô thị khoảng 1,85 triệu người; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 75%. Đất xây dựng khoảng 51.000 - 53.000ha, khoảng 280 - 290m2/người.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định. |
Và theo tầm nhìn đến năm 2065, Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành thành phố Festival nằm trong nhóm dẫn đầu của hệ thống đô thị Việt Nam, phát triển mạnh về văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, hướng đến hội nhập với các đô thị nổi bật tầm cỡ châu Á và thế giới về di sản, xanh, thông minh, an toàn, bền vững; có trình độ phát triển kinh tế cao trên cơ sở hệ thống hạ tầng giao thông liên hoàn, kết nối thuận lợi với quốc tế bằng đường bộ, đường thủy, đường không và đường sắt tốc độ cao; có nền sản xuất phát triển, hệ thống dịch vụ và logistics hiệu quả. Dân số toàn đô thị có thể dung nạp khoảng 2,0 – 2,3 triệu người.
Về định hướng phát triển không gian, đô thị Thừa Thiên - Huế sẽ phát triển mô hình “Tập hợp đô thị di sản, văn hóa, cảnh quan” thành “Chuỗi đô thị theo hàng lang kinh tế, hành lang giao thông kết hợp với các trung tâm động lực”. Các đô thị được phát triển đồng bộ, có vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô, các di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận. Cấu trúc không gian đô thị Thừa Thiên - Huế bao gồm: “Một hệ thống di sản đồng bộ - Hai không gian sinh thái cảnh quan - Ba hành lang kinh tế, Ba trọng điểm phát triển đô thị và Bốn phân vùng quản lý phát triển”, phù hợp với định hướng của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Một hệ thống di sản là các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh; các di sản khảo cổ học; các di sản chiến tranh cách mạng... Hai không gian sinh thái cảnh quan bao gồm không gian sinh thái đồi, núi phía Tây từ Bạch Mã đến Nam Đông, A Lưới, Phong Điền và không gian đầm phá Tam Giang - Cầu Hai kết hợp với vùng ven biển. Ba hành lang kinh tế là hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với Quốc lộ 1, cao tốc đường bộ và đường sắt Bắc - Nam, đường ven biển; Hành lang kinh tế Đông - Tây với hệ thống cảng biển gắn với các cửa khẩu qua các quốc lộ; Hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết nội vùng với Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng.
Ba trọng điểm phát triển đô thị bao gồm đô thị di sản Huế hiện hữu và vùng mở rộng phía Hương Thủy, Hương Trà; Đô thị cảng biển, công nghiệp và du lịch dịch vụ Chân Mây; Đô thị công nghiệp, nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.
Trong khi đó, 4 phân vùng quản lý phát triển là vùng không gian đô thị trung tâm, bao gồm quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thuỷ, quận Hương Trà; Vùng không gian phía Nam, bao gồm đô thị Chân Mây, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc - Nam Đông; Vùng không gian phía Bắc, bao gồm đô thị Phong Điền và huyện Quảng Điền; Vùng không gian phía Tây là huyện A Lưới.
Về mặt hành chính, định hướng từ nay đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính, gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Sau năm 2025 đến năm 2030, đây sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương với 3 quận, 2 thị xã, 4 huyện và đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây đạt tiêu chí đô thị loại III. Từ sau năm 2030 đến năm 2045, Thừa Thiên Huế phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 4 quận, 4 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã. Từ sau năm 2045 đến năm 2065, mục tiêu của quy hoạch chung là ổn định và nâng cao chất lượng đô thị với mô hình đô thị trung tâm gồm 4 quận, 1 thành phố, và các huyện, thị xã.
Quận hay thành phố trong thành phố, Huế hay Thừa Thiên - Huế?
Đóng góp ý kiến cho Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, các thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí đánh giá Đồ án được xây dựng công phu, chi tiết, đảm bảo các yêu cầu theo quy định của pháp luật và tiếp thu các văn bản bản góp ý từ Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, Hội và Hiệp hội. Tuy nhiên, địa phương và đơn vị tư vấn vẫn cần lưu ý chỉnh sửa một số điểm quan trọng để hoàn thiện Quy hoạch chung tốt nhất trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ định hướng mô hình phát triển, cấu trúc không gian của đô thị, các dự báo phát triển; xây dựng bảng cân bằng sử dụng đất đai cho toàn đô thị; bổ sung diện tích đất cây xanh công cộng; bổ sung nội dung bảo tồn di tích, di sản lịch sử, văn hóa trong định hướng không gian.
Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng đề nghị rà soát, khôi phục hệ thống đê, đầm phá; bổ sung đánh giá xâm nhập mặn; làm rõ liên kết giao thông, động lực phát triển của đô thị; bổ sung phân vùng cấp nước, lưu vực thoát nước của đô thị; xây dựng trung tâm quản lý dữ liệu đô thị thông minh.
Bộ Nội vụ lưu ý việc thay đổi, sắp xếp các đơn vị hành chính. Bộ Công Thương đề nghị rà soát việc phát triển nhà máy điện khí phù hợp với Quy hoạch điện Quốc gia.
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. |
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu làm rõ các định hướng về giáo dục Đại học; bố trí quỹ đất thỏa đáng cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ đóng góp ý kiến về việc phát triển khu công nghệ cao; làm rõ các giải pháp công nghệ để phòng ngừa và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị rà soát các quy định và xây dựng phương án nhằm bảo tồn các di sản ở quần thể di tích Cố đô Huế, bổ sung các động lực phát triển du lịch. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an lưu ý địa phương bố trí quỹ đất cho nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng – an ninh, tăng cường phối hợp để tạo sức mạnh phòng thủ, đảm bảo an ninh, trật tự đô thị
Hội Kiến trúc sư Việt Nam kiến nghị địa phương làm rõ hơn cấu trúc đô thị Thừa Thiên - Huế với 2 đô thị Huế và Chân Mây; làm rõ các kết nối nội vùng và liên vùng. Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề nghị xác lập bản sắc kiến trúc của đô thị Huế.
Đặc biệt, nhiều thành viên của Hội đồng thẩm định đã thảo luận tích cực về vấn đề thay đổi tên gọi đô thị Thừa Thiên - Huế thành đô thị Huế và xây dựng mô hình thành phố trong thành phố, hay là quận trong thành phố.
Thay mặt chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định và giải trình về một số vấn đề quan trọng như mô hình đô thị, tên gọi của đô thị mới… Theo đó, tên gọi của thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính trực thuộc sẽ được xác định cụ thể trong quá trình thực hiện các Đề án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính.
Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2025 trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. |
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá Đồ án được thực hiện bài bản và có chất lượng cao. Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã đáp ứng các nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt; tiếp tục kế thừa và phát huy các giá trị di sản đã có; đồng thời xác định khung thiết kế đô thị, định hướng không gian, cảnh quan, tuân thủ chỉ tiêu đất đai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật… hướng đến lộ trình được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Tuy nhiên, Thứ trưởng vẫn đề nghị địa phương cùng đơn vị tư vấn quan tâm một số vấn đề quan trọng. Trước hết là rà soát cơ sở pháp lý, đảm bảo đáp ứng các quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và ngành, kế thừa các nội dung quy hoạch đã có. Quy hoạch mới phải xác định rõ các quan điểm, nguyên tắc, tầm nhìn và mục tiêu được xác định trong các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Địa phương cùng đơn vị tư vấn cần rà soát các dự báo về dân số, đất đai; làm rõ các định hướng phát triển không gian, bổ sung chỉ tiêu phát triển đối với các phân vùng; bổ sung chỉ tiêu đất và dân số cho khu vực nông thôn.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của định hướng về hành chính đô thị; làm rõ các nguồn lực, kế hoạch triển khai các dự án ưu tiên đầu tư và rà soát số liệu, bản đồ, bản vẽ và thống nhất các tài liệu, đặc biệt là dự thảo Quyết định gửi Thủ tướng Chính phủ.
Hữu Mạnh
Theo