(Xây dựng) - Tình trạng công sở xã Quảng Phúc (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) được đầu tư tiền tỷ, nhưng xây dựng dang dở, để hoang phí sau sáp nhập, đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm, gây nhức nhối trong dư luận, được cử tri và người dân quan tâm.
Công sở xã Quảng Phúc (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) được đầu tư tiền tỷ nhưng xây dựng dang dở, để hoang phí sau sáp nhập nhiều năm. |
Ngày 6/02/2023, Báo điện tử Xây dựng có bài “Quảng Xương (Thanh Hóa): Công sở xã xây dựng tiền tỷ rồi bỏ hoang sau sáp nhập”. Theo đó, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Quảng Xương đã có báo cáo lãnh đạo huyện này liên quan đến nội dung báo chí phản ánh công sở xã Quảng Phúc bỏ hoang do sáp nhập, gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước, bức xúc trong dư luận địa phương.
Được biết, công sở xã Quảng Phúc được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1284/QĐ-UBND ngày 18/4/2018 gồm nhà làm việc 2 tầng diện tích sàn khoảng từ 585m2 trên tổng diện tích đất khoảng hơn 3.000m2, kinh phí đầu tư khoảng 5,6 tỷ đồng và UBND xã Quảng Phúc được giao làm chủ đầu tư.
Công trình được khởi công xây dựng vào 9/2018, tuy nhiên, năm 2019 xã Quảng Phúc cũ sáp nhập với xã Quảng Vọng thành xã Quảng Phúc và sử dụng công sở xã Quảng Vọng làm trụ sở làm việc. Tại thời điểm sáp nhập, công sở xã Quảng Phúc đang xây dựng dở dang, chưa hoàn thành, UBND xã Quảng Phúc tiến hành thực hiện rà soát nội dung công việc, các hạng mục của công trình để làm thủ tục đề nghị tạm dừng thực hiện công trình. Đến ngày 11/12/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo về việc tạm dừng thực hiện đầu tư công trình công sở xã Quảng Phúc.
Trong thời gian tạm dừng thực hiện đầu tư công trình công sở xã Quảng Phúc, UBND xã Quảng Phúc tiếp tục theo dõi và chờ phương án xử lý để thanh, quyết toán giá trị công trình và trong thời gian chờ xử lý, xã đã giao cho thôn Ngọc Đới (nơi có cơ sở dôi dư) trông coi. Tuy nhiên, do thời gian sau Tết việc trông coi, kiểm tra của thôn chưa thường xuyên nên có hộ ông Trần Văn Bình - nhà ở đối diện công sở xã đã tự ý đem nhốt 2 con lợn tại tầng 1 của khu công sở xã.
Qua đó, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Quảng Xương đã kiến nghị Chủ tịch UBND huyện này xem xét, chỉ đạo UBND xã Quảng Phúc nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc quản lý tài sản công trên địa bàn xã đặc biệt là việc quản lý các tài sản công thuộc diện dôi dư đang trong quá trình chờ phê duyệt phương án xử lý.
Đồng thời, khẩn trương kiểm tra, rà soát mục đích sử dụng đất của từng cơ sở nhà đất dôi dư, phối hợp với các phòng ban chuyên môn có liên quan cập nhật vị trí các khu đất vào các quy hoạch (quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất...).
Thông tin về việc này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng trước đó, một lãnh đạo huyện Quảng Xương cho biết: “Theo chủ trương của tỉnh, sắp xếp lại các đơn vị dôi dư, UBND huyện đã tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Theo tôi được biết, Sở Tài chính đã báo cáo tỉnh và đang chờ ý kiến chỉ đạo. Trước đây có một số doanh nghiệp có nhu cầu đấu giá được mua lại để họ làm trụ sở và lãnh đạo xã đang có ý kiến xin được sử dụng làm làng nghề”.
Theo tìm hiểu, tình trạng công sở bỏ hoang sau sáp nhập đang diễn ra ở nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhưng chính quyền các cấp vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Câu chuyện lãng phí, thất thoát vì thế càng trở nên nhức nhối trong dư luận địa phương.
Tiến Anh
Theo