(Xây dựng) - Mùa du lịch hè 2023, có ý kiến “Vì sao cả vịnh Hạ Long chỉ có một bãi tắm được cấp phép”. Vịnh Hạ Long nên mở thêm bãi tắm biển phục vụ nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết, không thể tùy tiện mở bãi tắm trên vịnh Hạ Long được.
Bãi tắm trên vịnh Hạ Long điều kiện tiên quyết phải an toàn, cảnh quan - môi trường. |
Cụ thể, ngày 25/7/2023, Sở Du lịch Quảng Ninh có Văn bản số 1292/SDL-KHPT đề nghị Ban Quản lý vịnh Hạ Long tham gia ý kiến dự thảo văn bản của UBND tỉnh chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn tại các bãi tắm, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có nội dung “Thu hút nguồn lực đầu tư hoặc thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, dịch vụ tối thiểu để đáp ứng mỗi tuyến du lịch trên vịnh có ít nhất 1 bãi tắm/điểm tắm/khu vực tắm phục vụ nhu cầu tắm biển của khách du lịch”. Ban Quản lý vịnh Hạ Long có Văn bản số 630/BQLVHL-NVNC, phúc đáp Sở Du lịch Quảng Ninh, không phát triển bãi tắm trên vịnh Hạ Long.
Hạ tầng bãi tắm biển phải có điểm neo đậu, bến cặp tàu, nhà tắm tráng, nhà vệ sinh, nhà quản lý, trạm quan sát… |
Văn bản số 630/BQLVHL-NVNC của Ban Quản lý vịnh Hạ Long nêu, để bảo vệ tính toàn vẹn và bảo vệ các yếu tố gốc cấu thành giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt, Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Ban Quản lý vịnh Hạ Long sẽ không tiếp tục phát triển các bãi tắm du lịch trên vịnh Hạ Long với 5 lý do:
Thứ nhất, với đặc thù về địa hình tự nhiên, hầu hết các bãi cát trên vịnh Hạ Long đều là các bãi cát nhỏ ven chân đảo, có độ dốc lớn, nhiều đá ngầm, dòng chảy mạnh, khi triều cường, hầu hết các bãi cát này đều bị chìm ngập. Để phát triển các bãi cát trên vịnh trở thành bãi tắm du lịch, ngoài việc phải đổ thêm cát để đảm bảo an toàn cho du khách thì còn phải đầu tư hạ tầng bãi tắm theo quy định như: Hệ thống điểm neo đậu, bến cặp tàu, nhà tắm tráng, nhà vệ sinh, nhà quản lý, trạm quan sát… Những hoạt động này sẽ gây tác động tiêu cực trực tiếp đến tính toàn vẹn và các yếu tố gốc cấu thành giá trị của Di tích đặc biệt - Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Không thể ở đâu có nước biển ở đó là bể tắm được, hiểm họa kề kề. |
Thứ hai, tại Khoản 3 Điều 32 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa quy định: “Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt, có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó... Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.
Thứ ba, ý kiến tư vấn của Đoàn chuyên gia thuộc Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã tư vấn về quản lý du lịch bền vững đối với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long năm 2019 như sau: “Nên đa dạng hóa các sản phẩm du lịch theo nguyên tắc phù hợp với các giá trị của di sản và không ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái của vịnh”.
Thành phố Hạ Long có 3 bãi biển ven bờ được cấp phép, gồm bãi biển ở các phường Bãi Cháy, Tuần Châu, Hồng Hà. |
Thứ tư, ý kiến của GS.TS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia trong bài tham luận tại Hội thảo năm 2022 khẳng định “Trong công tác quản lý đối với Di sản thế giới, mục tiêu tối thượng là quản lý, giữ gìn lâu dài, bền vững giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đó”.
Vịnh Hạ Long chỉ có bãi tắm Ti Tốp được cấp phép hoạt động, bởi cảnh quan môi trường và hệ số an toàn. |
Thứ năm, chỉ một số người có ý kiến cần phát triển đại trà dịch vụ bãi tắm trên vịnh Hạ Long (chủ yếu là nguyện vọng của chủ tàu nghỉ đêm trên biển chiêu thương, mong được tùy nghi buông neo cho khách tắm trên mặt nước vịnh Hạ Long), còn đại đa số ý kiến là nên bảo vệ nguyên trạng vẻ đẹp vốn có của vịnh và bảo vệ môi trường sinh thái vịnh Hạ Long.
Vũ Phong Cầm
Theo