(Xây dựng) - Dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa, nâng cấp kè chống sạt lở bờ sông Nhật Lệ, đoạn qua huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình có tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng. Dù mới hoàn thành, chưa nghiệm thu bàn giao, nhưng công trình đã xuất hiện nhiều vết nứt khiến người dân lo ngại về chất lượng.
Tuyến kè sông Nhật Lệ đoạn qua huyện Quảng Ninh trong quá trình hoàn thiện. |
Dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa, nâng cấp kè chống sạt lở bờ sông Nhật Lệ, đoạn qua thị trấn Quán Hàu và xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh được phê duyệt tại Quyết định số 3521/QĐ-UBND ngày 18/9/2019. Dự án có tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng từ nguồn trung ương hỗ trợ thuộc ngân sách tỉnh, với tổng chiều dài 598,49m bao gồm 2 đoạn.
Trong đó, phần dự toán xây lắp có giá trị hơn 17 tỷ đồng do Công ty TNHH Xây dựng Minh Hà trúng thầu, dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng cuối tháng 12/2020. Theo hồ sơ thiết kế, thân tuyến kè dạng tường được đổ bê tông trọng lực cao 2,4 m, dày 50cm; phần đường giao thông được kết cấu bê tông, rộng 5m, dày 18cm.
Nhiều vị trí bê tông mặt đường bị rạn, nứt kéo dài. |
Theo phản ánh của người dân địa phương, tuyến kè xuất hiện rất nhiều vết nứt, rạn và cho rằng nhiều khả năng chất lượng bê tông không đảm bảo. Tại hiện trường, có nhiều vị trí trên mặt tuyến đường bê tông chạy dọc kè được thiết kế rộng 5m, dày 18cm, bị nứt gãy.
Theo quan sát của phóng viên, các vết nứt dạng chân chim và dạng vết nứt ngang, vị trí ngẫu nhiên tại nhiều tấm bê tông, có chiều dài từ 100-300cm và chiều sâu từ 1-2cm. Đa phần các vị trí bị nứt đã được đơn vị thi công cho trám lại bằng keo kết dính. Ngoài ra, trên bề mặt kè đơn vị thi công đang dựng nhiều phiến đá, thanh sắt.
Ông Trần Văn Phú - ở thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh) cho hay: Toàn bộ tuyến đường được đổ hoàn toàn bằng bê tông do các xe trộn chở từ điểm tập kết vật liệu, các công đoạn thi công, lấy mẫu kiểm định đều do đơn vị tư vấn, giám sát thực hiện. Việc đổ bê tông tươi mà khâu bảo dưỡng không thường xuyên thì mặt đường rất dễ nứt.
Nhiều người dân khác góp ý: Vì bê tông có độ co rút, lại thi công theo tấm lớn, nếu chất lượng bê tông đầu vào không tốt và bảo dưỡng tưới nước, phun sương cho mặt đường không kịp thời, thì khả năng đứt gãy khá lớn. Công trình này chưa chịu tải trọng lớn mà đã gãy tấm bê tông, thì khi đưa vào khai thác thực sự, hiệu quả khó đảm bảo.
Vết nứt gây mất thẩm mỹ và lo ngại về chất lượng bê tông. |
Một vết nứt ngang đường, làm gãy kết cấu mặt đường. |
Trước phản ánh của người dân, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Hồng Nhị - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Quảng Ninh cho biết: “Công trình chưa bàn giao đưa vào sử dụng, công trình cũng đang trong quá trình thi công, việc rạn, nứt sẽ được đơn vị thi công sửa chữa, khắc phục bằng cách đục phá, tô trát và mảng bê tông nào bị nứt nhiều sẽ yêu cầu phá dỡ để thay mới, nhằm đảm bảo chất lượng tuyến đường. Các thông số kỹ thuật phía Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình đặt ra, chúng tôi sẽ đáp ứng. Đồng thời, tiếp tục theo dõi diễn biến của các vết nứt”.
Khi được đề nghị cung cấp thông tin về danh mục vật tư và nhận định nguyên nhân gây ra sự cố trên, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Quảng Ninh cho rằng: Công trình sử dụng các vật tư thông dụng như đá dăm 1x2, cát hạt to, đất biên hòa, nước và xi măng Sông Gianh. Nền đường địa chất ổn định, được lu tăng cường; các vật tư dùng đúng chủng loại. Vấn đề nảy sinh có lẽ do bê tông vỡ kết cấu và nứt.
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quảng Ninh: Mục tiêu của dự án là chống xói lở, giữ ổn định bờ sông Nhật Lệ, bảo vệ tính mạng, tài sản của các hộ dân, bảo vệ diện tích đất đai và cơ sở hạ tầng. Dự án hoàn thành sẽ đóng vai trò là tuyến kè chống lũ, cứu hộ cứu nạn trong thiên tai và là tuyến đường du lịch ven sông.
Nhất Linh
Theo