(Xây dựng) - Ngành Du lịch Quảng Bình đang triển khai, kích hoạt nhiều biện pháp khôi phục hoạt động du lịch theo hướng linh hoạt, thích ứng an toàn trong tình hình mới, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Các cơ sở lưu trú chờ tín hiệu khả quan từ lượng khách nội địa. |
Ông Hồ An Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng, cả nước nói chung là rất lớn. Để hồi phục được lĩnh vực du lịch sau dịch, các doanh nghiệp du lịch cần xem xét khách đến địa phương đi chơi đâu, ăn uống ra sao, ở khách sạn nào. Ngược lại, nếu đưa khách từ Quảng Bình đi nơi khác thì ăn, ngủ ở đâu, có các hoạt động tham quan nào. Từ đó, có sự điều chỉnh, nâng cao công tác đón tiếp và phục vụ.
Theo dự báo đến năm 2025, tỉnh Quảng Bình sẽ đón khoảng 7 triệu lượt khách du lịch/năm, điều này đặt ra vấn đề lớn cả về chất lượng và số lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Qua thống kê, địa phương này hiện có gần 6.000 lao động trực tiếp, hơn 12.000 lao động gián tiếp trong lĩnh vực du lịch; khoảng 300 hướng dẫn viên du lịch đang hoạt động.
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn chỉ chiếm 36%, số lao động có chuyên môn khác chiếm 64%; lao động có thể làm việc ngay sau khi tuyển dụng chưa cao; số lao động phải đào tạo lại chiếm tỷ lệ tương đối lớn.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 2 năm gần đây khiến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lưu trú đã tạm ngưng hoạt động. Hướng dẫn viên cộng tác hoặc tự do đã phải chuyển nghề bán hàng trực tuyến, mở quán kinh doanh ăn uống hoặc về quê…
Nhiều cơ sở lưu trú cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa, hoặc tạm ngưng hoạt động. Các đơn vị vận tải khách du lịch buộc phải bán bớt phương tiện vận chuyển để trả nợ ngân hàng, chi phí bảo dưỡng, kiểm định, lương tài xế…
Để ổn định lại ngành Du lịch trong trạng thái bình thường mới, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, vệ sinh môi trường, chuẩn bị nhân lực và các điều kiện để sẵn sàng đón khách du lịch trước ngày 15/10/2021.
Đón đoàn khách du lịch đầu tiên từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Quảng Bình. |
Cùng đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, ngành Du lịch tỉnh này tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tổ chức các khóa ngắn hạn theo chuyên đề và nhu cầu phát triển sản phẩm du lịch, liên kết phát triển du lịch; liên kết giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch…
Qua đó, số lượt khách du lịch lữ hành tháng 10/2021 đạt 310 lượt người. Tổng số khách du lịch đến Quảng Bình trong 10 tháng đầu năm 2021 ước đạt 100.904 lượt, giảm 73% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Ngọc Quý, Sở đã xây dựng và trình UBND tỉnh kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch ở địa phương trong giai đoạn bình thường mới theo phương châm “chủ động - thích ứng - linh hoạt” để đạt hiệu quả khôi phục du lịch và bảo đảm an toàn cho khách du lịch, người lao động du lịch và cộng đồng.
Theo đó, kế hoạch sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Xây dựng và triển khai phương án đón khách quốc tế, tổ chức đón khách du lịch nội địa trong tình hình bình thường mới theo từng lộ trình; triển khai các biện pháp, quy trình phòng, chống dịch tại các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch;
Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, chuẩn bị cơ sở vật chất, nâng cấp, rà soát trang thiết bị, tiện nghi, nghiên cứu sáng tạo và hoàn thiện các dịch vụ; chuẩn bị và triển khai kế hoạch xúc tiến thị trường, truyền thông điểm đến; Chuẩn bị sản phẩm mới, tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí, mua sắm, hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch sinh thái, nông nghiệp…
Nhất Linh
Theo