(Xây dựng) – Mới đây, Bộ Xây dựng nhận được văn bản của Bộ Giao thông vận tải đề nghị hướng dẫn áp dụng định mức và đơn giá nhân công, đơn giá ca máy để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đối với các dự án quan trọng, cấp bách, yêu cầu tiến độ gấp của Bộ Giao thông vận tải. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau.
Các địa phương thực hiện trách nhiệm xác định và công bố giá vật liệu, đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công và chỉ số giá xây dựng. |
Về áp dụng đơn giá nhân công, đơn giá ca máy và thiết bị xây dựng, theo quy định tại khoản 2, Điều 35, Nghị định 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm công bố giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy, giá thuê máy và thiết bị thi công, chỉ số giá xây dựng phục vụ lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc các địa phương thực hiện trách nhiệm xác định và công bố giá vật liệu, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quy định tại Thông tư số 09/2019/TT-BXD, Thông tư số 10/2019/TT-BXD, Thông tư số 11/2019/TT-BXD, Thông tư số 14/2019/TT-BXD, Thông tư số 15/2019/TT-BXD.
Trong thời gian chưa xác định và công bố được đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn đảm bảo tránh ách tắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đồng thời đảm bảo tiến độ và hiệu quả của các dự án.
Về nội dung đề xuất không phải điều chỉnh, cập nhật lại giá gói thầu, dự toán gói thầu theo định mức xây dựng ban hành tại Thông tư 10/2019/TT-BXD đối với gói thầu thuộc các dự án quan trọng, cấp bách của Bộ Giao thông vận tải đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước ngày 15/02/2020, Bộ Xây dựng hướng dẫn như sau: Trường hợp các công trình có tính cấp bách, khẩn cấp thì việc quản lý đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định quản lý xây dựng công trình xây dựng đặc thù tại Mục 5, Nghị định 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Theo đó việc quản lý đầu tư xây dựng các công trình này trong đó bao gồm việc điều chỉnh, cập nhật lại giá gói thầu do người quyết định đầu tư quyết định.
Đối với các công trình không thuộc dạng cấp bách, khẩn cấp có gói thầu đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước ngày 15/02/2020 (ngày có hiệu lực của các Thông tư hướng dẫn Nghị định 68/2019/NĐ-CP) thì việc cập nhật lại giá gói thầu thực hiện theo các trường hợp dưới đây.
Đối với các dự án đã được phê duyệt trước ngày 01/10/2019 và đang triển khai lựa chọn nhà thầu nhưng chưa đóng thầu, chưa lựa chọn được nhà thầu, chưa ký kết hợp đồng thì việc áp dụng định mức xây dựng ban hành tại Thông tư 10/2019/TT-BXD để điều chỉnh giá gói thầu xây dựng do người quyết định đầu tư quyết định trên cơ sở đáp ứng yêu cầu tiến độ và hiệu quả của dự án.
Trường hợp đã đóng thầu, đã lựa chọn được nhà thầu, đã ký kết hợp đồng thì thực hiện theo nội dung hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và nội dung hợp đồng đã ký kết.
Đối với các dự án đã phê duyệt sau ngày 01/10/2019 thì việc áp dụng định mức thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 3, Thông tư số 10/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Cụ thể, trường hợp gói thầu đã sử dụng, vận dụng định mức xây dựng theo quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP để xác định giá gói thầu xây dựng, đã lựa chọn được nhà thầu và đã ký kết hợp đồng xây dựng trước ngày Thông tư số 10/2019/TT-BXD có hiệu lực thì thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
Trường hợp gói thầu xây dựng chưa thực hiện lựa chọn nhà thầu hoặc đang thực hiện lựa chọn nhà thầu (chưa đóng thầu) trước ngày có hiệu lực của Thông tư số 10/2019/TT-BXD thì áp dụng định mức xây dựng ban hành tại Thông tư này để cập nhật giá gói thầu xây dựng.
Đối với các gói thầu có yêu cầu tiến độ xây dựng cấp bách thì Bộ Giao thông vận tải cần chỉ đạo các đơn vị chuyên môn so sánh, đánh giá về chi phí, tiến độ thực hiện việc cập nhật định mức xây dựng ban hành tại Thông tư số 10/2019/TT-BXD để đánh giá tổng thể hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án này làm cơ sở báo cáo người quyết định đầu tư xem xét, quyết định.
Đối với các dự án đã phê duyệt sau ngày 01/10/2019 thì các hoạt động quản lý chi phí đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP. |
Về nội dung đề xuất được áp dụng cơ chế vận dụng, tham khảo các định mức xây dựng đã ban hành hoặc định mức xây dựng của nước ngoài, hoặc hướng dẫn của các nhà sản xuất, cung cấp thiết bị thi công đối với các công việc chuyên ngành, đặc thù, công trình sử dụng công nghệ mới hoặc kết cấu phức tạp chưa có trong hệ thống định mức xây dựng để cập nhật lại giá gói thầu, dự toán gói thầu, Bộ Xây dựng cho biết: Đối với các dự án đã phê duyệt sau ngày 01/10/2019 thì các hoạt động quản lý chi phí đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP. Định mức xây dựng được ban hành là cơ sở để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng (bao gồm việc cập nhật lại giá gói thầu, dự toán gói thầu).
Đối với các công việc xây dựng chưa có trong hệ thống định mức dự toán xây dựng được ban hành hoặc đã có trong hệ thống định mức dự toán xây dựng được ban hành nhưng chưa phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công của công trình thì việc xác định chi phí đầu tư xây dựng bằng phương pháp giá thị trường tại thời điểm tính toán hoặc thực hiện theo quy định tại khoản 4, Điều 15, Nghị định số 68/2019/NĐ-CP và Điều 17, Thông tư số 09/2019/TT-BXD.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng đã phê duyệt trước ngày 01/10/2019 và đang triển khai thì tiếp tục thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 23/5/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Do đó việc áp dụng cơ chế vận dụng, tham khảo các định mức xây dựng để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng (bao gồm việc cập nhật lại giá gói thầu, dự toán gói thầu) là phù hợp với quy định chuyển tiếp của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP.
Minh Anh
Theo