(Xây dựng) – Giữa Thủ đô Hà Nội hoa lệ, khi những tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm, đô thị ngày càng hiện đại hơn thì ngay dưới chân cầu Long Biên, vẫn có những “xóm liều” thu nhỏ, nhếch nhác của người lao động tồn tại từ hàng chục năm nay.
Quang cảnh “xóm ngụ cư” nhìn từ trên cầu Long Biên. |
Thuộc tổ 3, địa bàn dân cứ số 2, phường Phúc Xá (quận Ba Đình), những ngôi nhà lụp xụp, nằm ngay chân cầu Long Biên là nơi trú ngụ của nhiều người dân ngụ cư từ hàng chục năm nay. Phường Phúc Xá là phường duy nhất có đặc thù nằm hoàn toàn bên ngoài khu vực đê thoát lũ sông Hồng. Địa bàn phường có 2 tuyến phố xây dựng theo tiêu chí tuyến phố văn minh đô thị là Tân Ấp, Nghĩa Dũng.
Theo quan sát, nhiều dãy nhà trọ thấp nằm cạnh nhau bên con mương, những ô nhà xây dựng bằng gạch vụn đã nhiều năm chỉ rộng chừng 10 - 15m2, nham nhở, không trát và mái lợp prô xi măng ọp ẹp.
Vào mùa mưa, những căn nhà dột nát, ẩm thấp. Đến hè, người thuê trọ phải đặt những tấm xốp trên nóc để chống nóng. |
Ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Xá cho biết, ở khu vực đó không có nhà cao tầng, chỉ có những căn nhà cấp 4. Do không có sổ đỏ, không được cấp giấy phép xây dựng, lại vướng vào Luật Đê điều cũng như quy định Chỉ giới cầu đường sắt và nằm trên khu vực thoát xả lũ sông Hồng nên những người dân tại đây chỉ có thể giữ nguyên hiện trạng, không được xây dựng kiên cố. Vì thế, những căn nhà cứ mãi lụp xụp, xấu xí, nhếch nhác.
Tuy nhiên, UBND phường Phúc Xá thường xuyên báo cáo lên quận Ba Đình cũng như thành phố Hà Nội để giải quyết những khó khăn cho người dân sinh sống tại đây được sửa sang nhà cửa. UBND phường Phúc Xá luôn quan tâm, quyết liệt trong chỉ đạo để người dân chấp hành các quy định về PCCC, vệ sinh môi trường cũng như đảm bảo an toàn tính mạng vào mùa lũ hay thời tiết cực đoan…
Được biết, khu vực này trước là đất bãi bồi do người dân tôn tạo nên, đồng thời một phần đất tại đây người dân được giao đất và cấp đất để khai hoang, canh tác… Từ những năm 1950, nhiều người dân từ các tỉnh thành đổ về, sinh sống tại đây để làm việc buổi đêm ở chợ đầu mối Long Biên.
Để đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh dịch bệnh, ngăn ngừa tệ nạn và lấn chiếm đất đai, năm qua UBND phường Phúc Xá đã vận động nhân dân, ra Nghị quyết để xây dựng con đường ven sông khang trang, sạch đẹp. Những năm trở lại đây, cảnh quan khu vực này tuy chưa thật sự sạch đẹp, nhưng đã thay đổi rất nhiều. Những bãi đất vốn từng gắn liền với tình trạng ô nhiễm và tụ điểm tệ nạn đang dần được thay thế bằng con đường dân sinh dài hơn một km – nơi xe rác có thể tiếp cận tới, chạy dọc bờ sông từ chân cầu Long Biên tới điểm giáp địa bàn phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.
Trong hai năm qua, Đảng ủy phường đã ban hành 6 nghị quyết chuyên đề gắn với giải quyết những vấn đề của cơ sở, từ sắp xếp hoạt động kinh doanh thủy hải sản ngõ 187 Hồng Hà, tháo dỡ lều lán công trình lấn chiếm ven sông Hồng, đến xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, quản lý đất đai và trật tự xây dựng... Đảng ủy, UBND phường đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân, lắng nghe kiến nghị, vướng mắc và quan trọng là mong muốn được người dân hiến kế giải quyết vấn đề. Với cách làm, mỗi chi bộ đăng ký một mô hình dân vận khéo gắn với đặc điểm khu dân cư, có sự kiểm tra chéo đã nâng cao hiệu quả thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng ủy trên địa bàn.
Đáng chú ý, từ khi chưa có thông tin về dự án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, hoạt động của xóm ngụ cư dưới chân cầu Long Biên vẫn luôn được địa phương quan tâm. Bởi các khu trọ đều làm sơ sài, có nguy cơ cháy nổ rất cao, nguy hiểm cho tính mạng người thuê. Do đó, UBND phường Phúc Xá đã đề xuất lên UBND quận Ba Đình hai phương án giải quyết theo hướng thu hồi đất, dỡ bỏ các phòng trọ hoặc cho tồn tại với điều kiện các chủ nhà trọ phải tu sửa, nâng cấp phòng trọ sạch đẹp hơn, đảm bảo mỹ quan đô thị.
Năm 2018, con đường dân sinh được khởi công với chiều rộng 9 mét. Trong quá trình làm đường, có tới trăm căn nhà trọ được làm trên đất lấn chiếm thời gian gần đây đã bị dỡ bỏ. |
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi nhận được:
Như vậy, để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực chân cầu Long Biên trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND quận Ba Đình.
Các cơ quan chức năng và các Sở, ban, ngành có liên quan cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc tại khu vực này để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đồng thời, giải quyết điểm đen đô thị, xóa bỏ dần tình trạng nhếch nhác, rác thải “ngập” chân cầu Long Biên.
Cần phải hành động ngay để Hà Nội của năm 2020 phát triển, văn minh và sạch đẹp hơn!
Ánh Dương
Theo