(Xây dựng) - Ngày 13/6, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010.
Đồng chí Trần Tuấn Anh và đồng chí Phạm Đại Dương chủ trì Hội nghị. |
Phú Yên là địa phương đầu tiên trong vùng tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và đồng chí Phạm Đại Dương - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên chủ trì Hội nghị.
Đẩy mạnh liên kết vùng
Phú Yên có diện tích tự nhiên khoảng 5.023km2, là tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ giàu có tiềm năng về phát triển công nghiệp, nông - lâm - ngư nghiệp và dịch vụ - du lịch, có lợi thế trong việc phát triển thành điểm trung chuyển hàng hoá, dịch vụ cho các tỉnh Tây Nguyên.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, Kết luận 25-KL/TW và Chương trình hành động số 38-CT/TU của Tỉnh ủy trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức… nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Yên đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ: Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm; Kết cấu hạ tầng được tăng cường; đảm bảo giữ vững quốc phòng - an ninh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa có những bước tiến đáng kể...
Bên cạnh đó, Phú Yên duy trì và tăng cường hợp tác với các địa phương trong khu vực tiểu vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên; ký kết hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội, tạo điều kiện huy động, thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Phú Yên cũng đã tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên với 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Bình Định và Quảng Ngãi...).
Trên cơ sở chương trình hợp tác, các địa phương đã phối hợp đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là hạ tầng giao thông. Đến nay, mạng lưới giao thông của Phú Yên được trải đều khắp các địa bàn trong tỉnh, có tính kết nối cao, bảo đảm thông suốt, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Đồng chí Trần Tuấn Anh chỉ đạo tại Hội nghị. |
Hiện tỉnh Phú Yên đang phối hợp với tỉnh Khánh Hòa xây dựng Đề án cơ chế chính sách liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa nhằm khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của Vùng, phấn đấu trở thành vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.
Liên vùng ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có tầm cỡ khu vực và quốc tế; ưu tiên phát triển kinh tế biển (hạ tầng cảng biển, dịch vụ hàng hải…), góp phần tạo việc làm, nâng cao mức sống và trình độ dân trí cho các tầng lớp dân cư.
Khơi thông những điểm nghẽn
Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện lãnh đạo một số ban, Bộ, ngành, Trung ương đã có tham luận, phân tích, đánh giá và góp ý kiến nhằm giúp Phú Yên có thêm những giải pháp, hướng đi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới.
Đồng chí Phạm Đại Dương phát biểu tại Hội nghị. |
Đồng chí Lê Minh Ngân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị: Phú Yên tích hợp các lĩnh vực vào quy hoạch tỉnh; Căn cứ vào các chỉ tiêu của quy hoạch sử dụng đất của Chính phủ để phân bổ, đưa vào quy hoạch của tỉnh cho phù hợp.
Thượng tướng Phạm Hoài Nam - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thì nhấn mạnh: Phú Yên là địa bàn chiến lược quan trọng, giàu truyền thống cách mạng, các dự án đều gắn với quốc phòng an ninh. Do vậy, việc tập trung phát triển kinh tế biển gắn với thế trận quốc phòng, an ninh là hướng đi cơ bản, bền vững, đúng Nghị quyết.
Thứ trưởng mong Phú Yên cần nắm bắt, tận dụng cơ hội khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ để phát triển trong thời gian tới.
Trong khi đó, Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thì lưu ý: Quy hoạch tỉnh phải có tầm nhìn dài hạn. Tư duy chiến lược sao để phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong quy hoạch, Khu công nghiệp Nam Phú Yên, thành phố Tuy Hòa tiếp tục cần được xác định là động lực phát triển.
Đồng thời, Phú Yên cần thúc đẩy phát triển hợp tác vùng. Ngoài liên kết với Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, nhất là với Khánh Hòa thì vấn đề liên kết giữa các tiểu vùng cũng rất quan trọng. Phú Yên cần chủ động sẵn sàng nguồn lực đất đai, con người để thu hút đầu tư cho tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ đồng tình với định hướng hình thành trung tâm chế biến xuất nhập khẩu nông, thủy sản thực phẩm của tỉnh và lưu ý Phú Yên phát triển hạ tầng thương mại, thương mại điện tử trong thời gian tới…
Phát triển các đô thị ven biển theo hướng đô thị thông minh
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương nhận định: Trong gần 20 năm qua, Đảng bộ tỉnh Phú Yên đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận số 25- KL/TW; đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành.
Trưởng ban cũng đánh giá cao chất lượng Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW và các ý kiến đóng góp thiết thực, sâu sắc, toàn diện đối với Phú Yên của đại diện các bộ, ngành.
Để công tác tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW đem lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đặt ra của Ban Chỉ đạo và nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững tỉnh Phú Yên, đảm bảo “Đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế chủ lực, để đến năm 2030, Phú Yên có ngành dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp phát triển mạnh” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2020-2025 và Dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW đề ra, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị Đảng bộ tỉnh Phú Yên thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp:
Thứ nhất, sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia; là công cụ quản lý và cơ sở cho việc thu hút đầu tư và quản lý phát triển tỉnh.
Thứ hai, thực hiện tốt công tác giám sát phát triển kinh tế biển, trên cơ sở đó phát huy hơn nữa tiềm năng kinh tế biển để Phú Yên trở thành một tỉnh mạnh về biển và giàu, đẹp từ biển với lợi thế khoảng 189km bờ biển, gồm nhiều đầm, vịnh đẹp tự nhiên và hoang sơ, cảnh quan thiên nhiên đẹp (như ghềnh Đá Đĩa, Hòn Yến, Vịnh Xuân).
Phú Yên đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh theo hướng lấy kinh tế biển làm trọng tâm; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân và bảo đảm an ninh, chủ quyền biển đảo gắn với bảo tồn đa dạng sinh học biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong khai thác, sử dụng không gian biển.
Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp trên cơ sở khai thác thế mạnh nằm trên trục giao thông chính Bắc Nam, tuyến giao thông đường bộ kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, cảng biển nước sâu Vũng Rô, cảng Bãi Gốc và sân bay Tuy Hoà…
Bên cạnh đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp và năng lượng mới ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; công nghiệp chế biến thuỷ, hải sản… và phát triển các đô thị ven biển theo hướng đô thị thông minh, bền vững.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Thứ ba, tạo sự đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; cải cách hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; khai thác hiệu quả hơn “dư địa” về cải cách môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển, nhất là phát triển trở thành trung tâm du lịch của khu vực Nam Trung Bộ và quốc gia. Cần xác định rõ nội lực là chính và đầu tư công là vốn mồi, để dẫn dắt đầu tư tư nhân.
Thứ tư, chú trọng liên kết vùng, phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của tỉnh Phú Yên là một trong các cửa ngõ giao thương quốc tế, nhất là liên kết khu vực Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hoà, Bắc Phú Yên - Nam Bình Định và Phú Yên - Tây Nguyên.
Phát triển hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 25, Quốc lộ 29, Quốc lộ 19C, đường Đông Trường Sơn với các tỉnh Tây Nguyên, kết nối với khu vực Đông Bắc Campuchia và Nam Lào, trong đó Phú Yên là một trong các cửa mở ra biển Đông.
Thứ năm, bám sát Kế hoạch, Đề cương của Ban Chỉ đạo và ý kiến tham gia, thảo luận tại Hội nghị để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra. Bổ sung các đánh giá về kết quả xây dựng, phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên, khu vực kinh tế Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa; đánh giá về phát triển công nghiệp cơ khí đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, thủy hải sản, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, đường và khai thác các công trình thủy điện, nhất là thủy điện Sông Ba Hạ…
Thứ sáu, đối với một số kiến nghị của Phú Yên, ngoài những vấn đề đã được lãnh đạo các bộ, ngành trao đổi tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo giao Thường trực Tổ Biên tập Đề án tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo để lựa chọn đưa vào Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW hoặc chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đề nghị của Tỉnh.
Cũng trong chuyến công tác, chiều ngày 13/6, đồng chí Trần Tuấn Anh và Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đã có chương trình làm việc với trường Cao đẳng Công Thương miền Trung.
Minh Hằng
Theo