Thứ tư 13/11/2024 18:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Phát huy sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế tập thể

13:41 | 22/12/2020

(Xây dựng) - Với phương châm “Hợp tác - Đổi mới - Phát triển - Hiệu quả”, Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên minh hợp tác xã Việt Nam - lần thứ VI, họp phiên chính thức vào sáng 22/12 với sự tham dự của 610 đại biểu trên cả nước. Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã và hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã đạt được trong 5 năm qua.

phat huy suc manh tong hop trong phat trien kinh te tap the
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Liên minh hợp tác xã Việt Nam.

Xu hướng tất yếu trong hội nhập

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu hướng tất yếu trong hội nhập, mở cửa; là mô hình kinh tế của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; là con đường để đưa nhân dân đến gần hơn với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội. Phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể, hợp tác xã chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhìn lại quá trình phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta thời gian qua, có thể nhận thấy số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác tăng hàng năm, đa dạng về loại hình và lĩnh vực hoạt động, phát triển đều khắp ở các địa phương, gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Giai đoạn 2016 - 2020, cả nước thành lập mới 10.749 hợp tác xã, 81 liên hiệp hợp tác xã, 15.849 tổ hợp tác. Đến cuối năm 2020 có 26.040 hợp tác xã, 100 liên hiệp hợp tác xã và 119.000 tổ hợp tác. Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác thu hút hơn 8,1 triệu thành viên hộ cá thể, cá nhân và doanh nghiệp tham gia thành viên, tăng 4,5% so với năm 2015 và chiếm 33% tổng số hộ cá thể ở địa bàn nông thôn đã tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập và sức mua của gần 30 triệu người. Số hợp tác xã hoạt động hiệu quả chiếm 59% tổng số hợp tác xã, tăng 03 lần so với năm 2015. 96% hợp tác xã được chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động, phù hợp các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên; những tồn tại, yếu kém kéo dài của hợp tác xã cơ bản được khắc phục. Giải thể 5.124 hợp tác xã, 28 liên hiệp hợp tác xã. Cơ cấu lại hoặc chuyển sang hình thức khác phù hợp hơn đối với 8.200 hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả.

Số lượng hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương ngày càng tăng. Liên kết sản xuất giữa các hợp tác xã với nhau, với tổ hợp tác và với doanh nghiệp ngày càng mở rộng và phát triển. Cả nước có 1.700 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.219 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 6,8 lần so với năm 2015. Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quy mô vừa và lớn, ngày càng tăng.

Đến cuối năm 2020, cả nước có hơn 500 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quy hơn 300 thành viên, tổng nguồn vốn từ 5 tỷ đồng trở lên (tăng 04 lần so với giai đoạn 2011-2015). Kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nhất là địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và chất lượng cao; ổn định xã hội; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo đối với lao động trẻ; tác động nâng cao nhận thức của xã hội và hệ thống chính trị đối với hợp tác xã kiểu mới. Kinh tế tập thể, hợp tác xã đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cùng với kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân; đóng góp trực tiếp khoảng 4,8%, gián tiếp trên 30% GDP cả nước trên cơ sở giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên; thu hút hơn 3 triệu lao động, tạo hơn 40 nghìn việc làm mới hằng năm.

Giai đoạn 2016-2020, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục đổi mới, phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế bền vững, xây dựng Nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường hệ thống chính trị ở cơ sở. Từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân.

Đóng góp của khu vực kinh tế tập thể hợp tác xã vào GDP cả nước trung bình đạt khoảng 4,8%; đóng góp gián tiếp trên 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ, thành viên. hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và cung ứng cho thị trường từ 18-32% hàng lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, góp phần vào ổn định giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát. Thu hút hơn 3 triệu lao động, tạo hơn 40 nghìn việc làm mới hằng năm, tăng thu nhập cho người lao động, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…

Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều bất cập. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến hoạt động của hợp tác xã. Hoạt động của hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam còn nhiều khó khăn, vướng mắc…

phat huy suc manh tong hop trong phat trien kinh te tap the
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Chấp hành Liên minh hợp tác xã Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phát huy vai trò nòng cốt

Tại Đại hội, các đại biểu nhất trí thông qua Nghị quyết Đại hội Liên minh hợp tác xã Việt Nam đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025 kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng. Tốc độ tăng bình quân từ 8-15%/năm. Số hộ cá thể ở địa bàn nông thôn và đô thị, các thành phần kinh tế khác tham gia hợp tác xã tổ hợp tác tăng nhanh. Thu nhập của thành viên hợp tác xã tăng bình quân 6%/năm trở lên, thu hút hộ cá thể, cá nhân, tổ chức khác là thành viên của hợp tác xã, tổ hợp tác tăng ít nhất 15%/năm.

phat huy suc manh tong hop trong phat trien kinh te tap the
Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo - Bí thư Đảng đoàn tái đắc cử Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, để thực hiện phương hướng, mục tiêu đã đặt ra, với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam tập trung, quyết liệt thực hiện có hiệu quả 10 nhiệm vụ chủ yếu được cụ thể hoá trong 5 Chương trình hành động, bao gồm: Một là, Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chính sách của cấp ủy và chính quyền địa phương về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và thu hút thành viên.

Hai là, Nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên; tham gia Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 để đề xuất chủ trương, chính sách và pháp luật về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời kỳ mới. Ba là, Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để kết nối với thành viên là hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp và tổ chức khác. Nâng cao năng lực, hiệu quả tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ cho thành viên, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Bốn là, đẩy mạnh xây dựng, phát triển hợp tác xã quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương thông qua việc tham gia thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, chương trình, nhiệm vụ về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được Chính phủ, chính quyền địa phương giao, ủy thác.

Năm là, củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ cho cán bộ, người lao động hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Với những kết quả đã đạt được, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Liên minh hợp tác xã Việt Nam và chúc mừng 154 Ủy viên Ban Chấp hành Liên minh hợp tác xã Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh hợp tác xã Việt Nam - lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020- 2025 là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên sau 27 năm thành lập và phát triển, hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam tiến hành tổ chức Đại hội thống nhất từ địa phương đến Trung ương. Việc tổ chức thành công Đại hội của 63 Liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị và thi đua sâu rộng trong hệ thống.

Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Liên minh hợp tác xã Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã bầu ra 22 đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Liên minh hợp tác xã Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thường trực Liên minh hợp tác xã Việt Nam gồm 04 đồng chí; đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo - Bí thư Đảng đoàn được bầu tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; các đồng chí: Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy; Lê Văn Nghị - Ủy viên Đảng đoàn và Nguyễn Văn Thịnh - Ủy viên Đảng đoàn được bầu tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thanh Hoà

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load