(Xây dựng) - Dự án nâng cấp tuyến đê bao Ngọc Lẫm, xã Trường Giang, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) phải tạm dừng thi công nhiều hạng mục chính hơn nửa tháng qua. Quá trình thi công dự án có nhiều phát sinh liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, bề mặt đê bị sụt lún, nứt gãy…
Mặt đê đang đắp bằng mặt đê cũ thì xuất hiện nứt dọc theo phần tiếp giáp giữa đê cũ và khối đắp mới. |
Dự án gần 65 tỷ đồng tạm dừng thi công
Ngày 6/10/2022, UBND huyện Nông Cống đã ban hành Văn bản số 2408/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Dự án nâng cấp tuyến đê bao Ngọc Lẫm, xã Trường Giang, huyện Nông Cống (Dự án nâng cấp đê Ngọc Lẫm).
Theo quyết định phê duyệt, Dự án nâng cấp đê Ngọc Lẫm được xây dựng tại xã Trường Giang, huyện Nông Cống với chiều dài gần 6,5km do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nông Cống làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án gần 65 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư ngân sách tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ và đối ứng ngân sách huyện Nông Cống.
Dự án nâng cấp đê Ngọc Lẫm được xây dựng nhằm ngăn lũ cho lưu vực diện tích khoảng 300ha với gần 500 hộ dân, hơn 3.000 nhân khẩu, giúp đời sống người dân ổn định sản xuất, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, mới khởi công xây dựng chưa lâu, dự án này lại phải tạm dừng xây dựng các hạng mục chính hơn nửa tháng nay. Ngoài hiện trường phát sinh nhiều vấn đề liên quan công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn tất và bề mặt đê bị sụt lún, nứt gãy…
Cụ thể, đoạn đê từ D13(K0+697) đến cọc trước cọc D26 và đoạn từ cọc D71(K3+415,07) đến cọc D79(K3+649,4) bị nứt. Tại hiện trường công trình, mặt đê đang đắp đến cao trình (+2.10) bằng mặt đê cũ thì xuất hiện nứt dọc theo phần tiếp giáp giữa đê cũ và khối đắp mới, đồng thời phần chân khối đắp mới ở phía sông được đẩy trồi.
Tại vị trí cống nối dài cọc 84(K3+756,54) đã thi công xong, hiện tại phần cuối tiêu năng và sân gia cố sau tiêu năng bị đẩy trồi, chênh lên khoảng 50cm. Ngoài ra, trên mặt bằng (mái đê) có một số cột điện cao thế nằm trong phạm vi đê, giao thông chuyển đất đắp qua địa bàn xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương cũng gặp một số khó khăn.
Vết nứt lớn rộng khoảng từ 5-20cm, sâu khoảng 50cm. |
Qua ghi nhận thực tế của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đoạn đê Ngọc Lẫm qua thôn Tân Ngọc, xã Trường Giang đang trong quá trình xây dựng, nhiều vị trí sau khi đắp đất bị sụt lún, nứt gãy nghiêm trọng. Mặt đê bị nứt dọc theo mép đê cũ về phía sông, vết nứt lớn rộng khoảng từ 5-20cm, sâu khoảng 50cm, chân đê phía sông đất phía ngoài bị đẩy trồi lên. Phần cống nối dài tại cọc 84 đã làm hoàn thiện nhưng bị đẩy trồi.
Một người dân thôn Tân Ngọc cho biết: “Đê này đang xây dựng thì bị nứt, đất sệ xuống phía đất đắp mới, xe càng chạy càng nứt to nên họ đã dừng thi công khoảng nửa tháng nay. Mùa mưa bão sắp đến, nước ở đây sẽ dâng rất cao. Nếu nhà thầu không tận dụng những tháng mùa hè, tôi nghĩ phải chờ đến mùa khô năm sau mới làm tiếp được”.
“Loay hoay” tìm giải pháp
Được biết, sau khi gặp nhiều bất cập trong quá trình thi công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nông Cống đã mời các đơn vị liên quan đưa ra giải pháp, phương án xử lý kỹ thuật đang xảy ra tại hiện trường dự án.
Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Cường - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nông Cống thừa nhận tình trạng Dự án nâng cấp đê Ngọc Lẫm đang tạm dừng thi công nhiều hạng mục chính.
Nói về việc nhà thầu phải tạm dừng thi công, ông Cường cho biết có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do việc đê đang làm thì xảy ra hiện tượng nứt, đơn giá vật liệu cao hơn nhiều so với giá công bố.
Liên quan đến dự án xây dựng, nâng cấp các tuyến đê tại Thanh Hóa, ngày 16/4/2023, Dự án trọng điểm tuyến đê tả sông Càn đoạn qua huyện Nga Sơn đang xây dựng bất ngờ bị sạt trượt cục bộ. Tại vị trí sạt trượt, đất đắp và đá dăm phần mặt vừa được lu lèn bị đẩy ra phía bờ sông, gây hở hàm ếch ở phía mặt đê và đang có hiện tượng sạt trượt tiếp. Chiều dài vết sạt khoảng 50m, có chỗ sâu so với mặt đê gần 2m.
Qua kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Nga Sơn và nhà thầu, các đơn vị liên quan thực hiện khoan địa chất, đánh giá nguyên nhân bước đầu của sự cố; trong thời gian 1 tuần cần xây dựng các phương án giải quyết, khắc phục tình trạng sạt lở để bảo đảm an toàn, ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân.
Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Nga Sơn tiếp tục cắt cử lực lượng canh đê 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm các phương tiện và người dân lưu thông trên tuyến đê đang có sự cố để bảo đảm an toàn.
Tiến Anh
Theo