Thứ sáu 08/11/2024 01:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Nông Cống (Thanh Hóa): Cần thu hồi hết diện tích đất lúa xen kẹt, không thể canh tác của người dân

23:33 | 15/04/2024

(Xây dựng) – Theo trình bày và kiến nghị của người dân thôn Ban Thọ (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) về việc thu hồi, giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án Cụm công nghiệp Vạn Thắng – Yên Thọ và dự án đường giao thông, UBND huyện Nông Cống đã không thu hồi hết diện tích đất nông nghiệp như số liệu đã niêm yết công khai trước đó, đẩy người dân vào thế khó vì diện tích còn lại nhỏ lẻ, xen kẹt giữa mặt bằng hai dự án, không thể tưới tiêu, canh tác được.

Nông Cống (Thanh Hóa): Cần thu hồi hết diện tích đất lúa xen kẹt, không thể canh tác của người dân
Ông Lê Hồng Tới - đại diện UBND huyện Nông Cống trả lời ý kiến của người dân tại buổi làm việc.

Được biết, hiện trên địa bàn xã Vạn Thắng đang triển khai cùng lúc hai dự án gồm: Dự án Cụm công nghiệp Vạn Thắng – Yên Thọ và dự án đường giao thông TM4 (nối với đường Vạn Thiện – Bến En). Theo phản ánh của người dân, trong quá trình triển khai dự án, sau khi đo đạc, lên danh sách, áp giá đền bù. Hội đồng đền bù GPMB huyện đã thông báo cụ thể về số diện tích đất lúa thu hồi, số tiền được nhận của từng hộ. Danh sách được nêm yết tại UBND xã để các hộ dân nắm được. Tuy nhiên, đến thời điểm chi trả đền bù, số diện tích thu hồi lại giảm so với thông báo (tiền đền bù cũng giảm theo). Về vấn đề này, bà Lê Thị Hồng - Trưởng thôn Ban Thọ (khu vực thuộc mặt bằng dự án) cho biết: Toàn thôn có gần 200 hộ dân có đất nông nghiệp đang canh tác, diện tích khoảng 15ha tại cánh đồng Mạ và Gò Mống. Bà con đều đồng ý với phương án đền bù sau khi được kiểm kê, đo đạc, áp đơn giá đền bù và dừng sản xuất để bàn giao mặt bằng cho dự án. Nhưng sau đó, 61 hộ dân trong diện này lại không được thu hồi hết diện tích như thông báo ban đầu, khiến bà con thắc mắc, kiến nghị.

Nông Cống (Thanh Hóa): Cần thu hồi hết diện tích đất lúa xen kẹt, không thể canh tác của người dân
Một trong những thửa ruộng xen kẹt, nhỏ lẻ, không thể canh tác, còn lại sau khi thu hồi GPMB.

Đơn cử, trong danh sách các hộ chưa thu hồi hết diện tích thuộc thôn Ban Thọ. Hộ bà Nguyễn Thị Nhung có hơn 1.600m2 đất nông nghiệp, thuộc ba thửa ruộng khác nhau. Theo phương án đền bù đã thông báo, toàn bộ số ruộng trên sẽ được thu hồi hết. Nhưng khi chi trả, bà mới biết chỉ nhận đền bù cho diện tích gần 1.400m2, tương đương 140 triệu đồng, số còn lại hơn 200m2 không thu hồi. Do diện tích còn lại nhỏ, lại nằm ở hai thửa ruộng khác nhau, trong khi việc thi công tuyến đường T14 và san lấp mặt bằng dự án Cụm công nghiệp đã ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi nên gia đình không thể canh tác được.

Cũng như hộ bà Nguyễn Thị Nhung, gia đình bà Lê Thị Vân (cùng thôn Ban Thọ) có hơn 100m2 đất gieo mạ. Theo thông báo, sẽ được nhận khoảng 13 triệu đồng tiền bồi thường, hỗ trợ. Nhưng chỉ được chi trả 8,6 triệu đồng, trả lời thắc mắc của bà, cán bộ chi trả nói đây là khoản đền bù cho diện tích thu hồi thuộc dự án Cụm công nghiệp. Còn lại thuộc dự án giao thông, khi nào triển khai sẽ thu hồi nốt và trả tiền đền bù. Trong khi các hộ khác có đất thu hồi cho dự án giao thông thì đã thu hồi và nhận đền bù đầy đủ?

Nông Cống (Thanh Hóa): Cần thu hồi hết diện tích đất lúa xen kẹt, không thể canh tác của người dân
Một thửa ruộng xen kẹt, chưa thu hồi hết của người dân thôn Ban Thọ sau GPMB.

Ngoài hộ bà Nhung, bà Vân, các hộ còn lại trong diện không thu hồi hết diện tích, đều còn lại những mảnh ruộng nhỏ lẻ, manh mún, xen kẹt giữa 2 dự án nên không thể canh tác được. Vì thế, các hộ đều đồng lòng gửi khiếu nại, thắc mắc lên huyện, yêu cầu Hội đồng đền bù GPMB phải thu hồi hết diện tích, chi trả đủ tiền đền bù, GPMB cho dân như thông báo đã được niêm yết trước đó.

Trước tình hình trên. Để tháo gỡ vướng mắc, tìm hướng giải quyết, ngày 10/4 vừa qua, Hội đồng đền bù GPMB huyện đã phối hợp với UBND xã Vạn Thắng tổ chức buổi làm việc, đối thoại với các hộ dân thôn Ban Thọ. Tại buổi làm việc, mọi ý kiến của các hộ dân đều cho rằng, quá trình triển khai dự án, nhiều người trong số có đất thu hồi không nhận được quyết định thu hồi đất, không được trao đổi, bàn bạc, diện tích thu hồi sai so với thông báo, nhưng người dân không được giải thích rõ ràng… Cũng tại buổi làm việc, bà Lê Thị Hồng - Trưởng thôn Ban Thọ thay mặt bà con nêu rõ những bất cập, tồn tại, chưa rõ ràng trong quá trình triển khai dự án tại địa bàn. Nhất là sau khi UBND huyện điều chỉnh thu hẹp diện tích hai dự án, khiến diện tích thu hồi giảm so với trước, nhưng bà con không được giải thích, thông báo dẫn đến thắc mắc, khiếu nại do diện tích thu hồi thực tế giảm so với thông báo, kiểm kê ban đầu.

Cũng theo bà Hồng, số diện tích còn lại tuy vẫn thuộc quyền sử dụng của người dân, nhưng không thể canh tác được, hơn nữa xã đã có thông báo dừng sản xuất từ giữa năm 2023. Vì thế, đề nghị Nhà nước xem xét, tốt nhất là thu hồi hết diện tích như đã thông báo. Nếu không thu hồi thì phải có phương án xây dựng, hoàn trả lại cho dân hệ thống thủy lợi, mương máng để bà con canh tác. Ngoài ra, cần phải xem xét đến thiệt hại của dân do việc ngừng sản xuất (ba vụ lúa) từ giữa năm 2023 đến nay. Đồng tình với ý kiến của Trưởng thôn, một số người dân đặt câu hỏi, đề nghị đại diện UBND huyện trả lời: Số diện tích còn lại có được thu hồi hết hay không, bao giờ thì thu hồi?

Trả lời ý kiến của người dân, ông Lê Hồng Tới - Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường, Phó Chủ tịch Hội đồng đền bù GPMB xin ghi nhận kiến nghị, thắc mắc của người dân. Đồng thời giải đáp một số vấn đề xung quanh quá trình triển khai dự án. Về nội dung thu hẹp diện tích dự án, dẫn đến không thu hồi hết đất của dân, theo ông Tới cho biết, tại dự án Cụm công nghiệp, trước khi triển khai đã có 2 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh từ trước (thuộc diện tích mặt bằng cụm công nghiệp), do đó diện tích đất hai doanh nghiệp đang sử dụng đã có sẵn, không thuộc phần đất phải thu hồi. Ngoài ra, cũng tại mặt bằng này còn có một số diện tích ruộng thuộc hành lang mương thủy lợi, đã được cấp cho dân canh tác, nhưng lại thuộc phạm vi ngoài mốc giới nên không thể đưa vào diện tích thu hồi, đền bù. Số diện tích thuộc hai trường hợp này không thuộc diện thu hồi này đã dẫn đến diện tích thu hồi giảm, không phải do điều chỉnh quy mô dự án.

Về dự án giao thông (đường TM4), ông Lê Hồng Tới cho biết, đây là con đường chạy qua Cụm công nghiệp, nối Quốc lộ 45 với đường Vạn Thiện – Bến En, theo thiết kế có tổng chiều rộng 36m. Nhưng giai đoạn đầu chỉ làm 14m, giai đoạn hai sẽ mở rộng đủ thiết kế, do đó mới chỉ thu hồi, GPMB phục vụ giai đoạn một của dự án, diện tích còn lại chưa thu hồi khiến tổng diện tích GPMB thu hẹp so với thông báo ban đầu. Vì những nguyên nhân trên, tổng diện tích của 2 dự án giảm 6ha, từ 49,8ha xuống còn 43,2ha.

Cùng với giải thích trên, ông Lê Hồng Tới cũng thừa nhận cán bộ dự án đã chưa sâu sát, chưa giải thích rõ với dân dẫn đến sự hiểu nhầm. Về ý kiến nhiều hộ dân không nhận được quyết định thu hồi đất, quyết định chi trả đền bù GPMB, ông Lê Hồng Tới cho rằng có thiếu xót của cán bộ phụ trách công tác này, trong đó có bộ phận văn thư. Đồng thời cho biết, sẽ cho rà soát cụ thể, chuyển ngay quyết định thu hồi đất cho các trường hợp chưa nhận được.

Đối với nội dung quan trọng nhất trong buổi làm việc, đó là câu hỏi của các hộ dân về vấn đề thu hồi hết diện tích đất nông nghiệp không canh tác được còn lại. Ông Lê Hồng Tới - Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường, Phó Chủ tịch Hội đồng đền bù GPMB cho biết, sẽ tham mưu cho UBND huyện tìm nguồn hợp pháp (có thể vay của các doanh nghiệp) chi trả cho dân để thu hồi diện tích xen kẹt còn lại. Ngoài ra, UBND huyện sẽ lập tờ trình, đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho triển khai sớm giai đoạn hai dự án đường giao thông, đề nghị tỉnh xem xét, cho thu hồi diện tích ngoài mốc giới thuộc hành lang mương thủy lợi để giải quyết nguyện vọng được thu hồi hết phần đất nông nghiệp còn lại của bà con.

Chưa yên tâm với trả lời của đại diện UBND huyện, người dân đề nghị ông Lê Hồng Tới cho biết cụ thể thời gian thu hồi, chi trả đền bù phần diện tích đất nông nghiệp còn lại. Ông Lê Hồng Tới ghi nhận nguyện vọng chính đáng của bà con, nhưng cho biết nội dung này vượt quá thẩm quyền, xin khất sẽ trả lời bằng văn bản sau. Tuy nhiên, người dân sau đó đã thống nhất đề nghị UBND huyện sắp xếp thời gian, bố trí cho đại diện các hộ có đất xen kẹt, chưa thu hồi hết một buổi làm việc trực tiếp với Chủ tịch UBND huyện trong thời gian sớm nhất có thể.

Làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Hồng Tới bày tỏ sự đồng cảm với nguyện vọng của bà con. Đồng thời thông tin, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi, GPMB, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân. Ngày 14/3/2024, UBND huyện đã có Công văn gửi Sở Tài nguyên –Môi trường về việc đề nghị chấp thuận thu hồi đất ngoài mốc giới GPMB, thực hiện dự án Cụm công nghiệp Vạn Thắng - Yên Thọ. Nội dung báo cáo và đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh cho phép UBND huyện Nông Cống thu hồi hết diện tích còn lại của các hộ sau khi thu hồi, diện tích đất lúa còn lại trên 150m2, có hình thửa phức tạp, không đảm bảo, không đủ điều kiện canh tác (do việc thu hồi diện tích còn lại trên 150m2 vượt thẩm quyền cấp huyện). Tiếp sau công văn đề nghị này, tới đây UBND huyện cũng sẽ lập tờ trình gửi UBND tỉnh, đề nghị xem xét, sớm cho triển khai giai đoạn 2, dự án đường TM4 (mở rộng) để sớm thu hồi hết số diện tích xen kẹt còn lại. Qua đó tạo điều kiện cho người dân yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống.

Đào Nguyên – Trần Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load