Thứ sáu 08/11/2024 01:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Những người thầy đầu tiên của tôi

10:01 | 08/11/2021

(Xây dựng) - Trong cuộc đời mỗi người, chắc chắn ai cũng nhớ người thầy đầu tiên dạy chữ cho mình. Tôi cũng vậy, mỗi khi đông về, những đóa hoa bừng nở trôi trên đường phố đón chào Ngày Nhà giáo, những ký ức về buổi đầu đến với con chữ, đến với thầy cô thời thơ bé lại hiện về xao xuyến trong tôi...

nhung nguoi thay dau tien cua toi
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Tôi may mắn có đến ba người thầy trực tiếp dạy chữ. Người thứ nhất là ông ngoại kính yêu của tôi, người thầy đặc biệt! Ông tôi viết chữ đẹp lắm, viết như "rồng bay, phượng múa", cả chữ Hán Nôm và chữ quốc ngữ. Ấy là tôi nghe người lớn nhận xét thế, còn tôi chỉ thích ngắm bàn tay ông lúc cầm bút lông, lúc cầm bút mực viết mềm mại nét thanh, nét đậm những dòng chữ to nhỏ, có chữ vuông nhiều râu, có chữ như ngọn lửa bập bùng, lúc đen, lúc xanh, lúc tím hiện lên tờ giấy trắng mà tôi ngắm nghía như một bức tranh. Vốn dòng dõi nhà quan, học hành thi thư từ bé rồi lại học trường Pháp và ra làm ông Ký ở mỏ than Cẩm Phả, ông tôi không chỉ viết chữ đẹp mà còn giỏi cả Hán ngữ, Pháp ngữ. Tôi nhớ mình đã ngơ ngẩn nghe ông đọc thơ bằng thứ tiếng lạ lùng êm ả, ngọt ngào, đã chứng kiến ông trò chuyện với các chuyên gia Trung Quốc khi họ sang mở đường gần làng nhà tôi ở, khiến họ kính nể và thay đổi hẳn thái độ lúc mới đến. Điều tuyệt vời là ông ngoại rất yêu tôi dù ông có đến hàng tá con gái, cháu gái. Ông thường đặt tôi ngồi trên vai đi khắp trong nhà, ngoài sân, cho tôi hái ăn chùm nho đầu tiên tím ngọt trên giàn, thơm lên bông hồng đẹp nhất ông trồng vừa hé nở. Thắp hương cúng Cụ xong, ông thường bảo tôi chắp tay cúi đầu xin món ngon mà tôi thích rồi lấy cho cháu gái ăn. Có gì ngon, đẹp ông cũng dành cho tôi. Bên ông, suốt ngày tôi líu lo, cười như nắc nẻ. Ông dạy tôi mọi điều theo kiểu đố vui, vừa học vừa chơi. Đôi lúc đùa cùng cháu, dạy cháu học cửu chương và bảng chữ cái xong, tôi thấy ông trầm tư nói: - Sau này, ông sẽ dạy con cả tiếng Pháp, tiếng Trung nữa nhé! Dù thời cuộc có thế nào!

Nhưng rồi ông đã không kịp làm điều ấy. Chiến tranh, bom đạn và bạo bệnh đã đánh gục ông tôi. Những đợt sơ tán triền miên theo cuộc leo thang đánh phá miền Bắc của máy bay Mỹ khiến ông tôi, người đàn ông duy nhất trong nhà lúc bấy giờ thêm vất vả. Lấp hố bom, làm nhà tạm, khuân vác, chuyển đồ, đào hầm... cái gì cũng đến tay ông. Vóc dáng cao khỏe, tóc bạc húi cua, nhìn phía sau ông rất trẻ trung. Chẳng thế mà ông tôi cúi xuống nhấc bổng cháu gái ngồi lên vai nhẹ như không; tay cuốc, tay xà beng, tay xẻng, ông đào hầm lớn, hầm nhỏ với tốc độ nhanh chóng khiến bà và mẹ tôi ngạc nhiên. Ông tôi đã phải phẫu thuật mấy lần vì lồng ruột do làm việc nặng. Bệnh viện sơ tán ở xa, phải võng đi cấp cứu, lúc trên vai người, lúc bằng xe đạp, mấy chục cây số vượt qua bom đạn nên lần thứ ba, chắc cấp cứu không kịp, về nhà được ít ngày, ông bị ra máu không ngừng và ra đi. Hôm đó cũng vào mùa đông, bầu trời xám xịt, trĩu buồn, đúng ngày 14 tháng 10 Âm lịch. Cô bé năm tuổi là tôi một mình ngơ ngẩn, lần đầu tiên tôi cảm nhận được nỗi buồn đau thấm thía. Tôi không thiết nói cười, cứ vẩn vơ lặng lẽ ra vào những ngày sau đó, ngắm cây đào ông trồng trước cửa. Cây đào mùa đông ủ rũ được bà buộc cho dải băng trắng nhỏ để tang, duy nhất có một bông hoa be bé cánh hồng xòe nở tiễn ông...

Ông ra đi, nhưng những con chữ đầu tiên ông dạy ở lại cùng tôi. Tôi thuộc mặt chữ cái, tự chơi ghép vần với những con chữ. Tôi thuộc làu làu bảng cửu chương từ Một đến Mười. Đọc chúng, tôi đỡ nhớ ông...

Rồi tôi cũng được đến trường cùng các anh chị em của mấy gia đình họ hàng trong xóm. Lớp Vỡ lòng sơ tán tít chân núi xa xanh, phải đi xuyên qua nhiều rặng tre làng, xuyên qua bao cánh đồng, bàn chân nhỏ có hôm dẫm gai toạc máu. Mùa đông rét mướt, bóng những chiếc mũ rơm lũn cũn trên đường xa...

Cô giáo đầu tiên ở trường của tôi xinh lắm! Cô tên là Nha, hàm răng trắng muốt đều như hạt bắp, mái tóc đen dài óng ả thường được búi tròn sau gáy gọn gàng, đôi mắt đen sáng nhìn chúng tôi với bao yêu thương. Lớp học mái tranh, chống chếnh, bàn ghế cũ là những tấm ván thô mộc sơ sài, hầm hào đào ngang dọc trong lớp và ngoài sân trường. Cô tập cho chúng tôi xuống hầm tránh bom đạn, đường hào sâu ngập đầu nên cô phải nhấc từng đứa. Đến lúc còi báo động, chúng tôi đội mũ rơm cùng nhảy vào vòng tay cô, nhảy xuống lưng cô rồi chạy theo hào giao thông ra ngoài hầm trú ẩn sát chân núi. Mặc tiếng bom đạn nổ ùng oàng, tiếng máy bay rít trên đầu, cô bao giờ cũng là người chạy sau cùng, tấm lưng thon ấm áp như lưng mẹ xòa xuống che chở cho các trò bé nhỏ chậm chân.

Tôi yêu cô giáo lắm, dù rụt rè không nói ra. Tôi khao khát nhìn tay cô uốn nét chữ cho các bạn và có lúc giả vờ viết xấu, ngồi sai tư thế cho cô lại gần dịu dàng nhắc nhở. Tôi chỉ mạnh bạo mỗi khi được cô gọi lên bảng, gắng viết chữ thật đẹp và đọc thật to, thật nhanh đến liến láu mười bản cửu chương, khi cả lớp mới được cô dạy bản hai, để được cô chú ý. Cô cứ để tôi đọc. Cô biết tôi đủ sức học lớp trên nên có lần trao đổi với bà tôi: "Hay gia đình cho cháu học lớp Một luôn, kẻo cháu biết đọc, biết viết rồi sợ cháu học cùng bạn bè trang lứa chưa biết chữ dễ chán...". Nhưng bà tôi bảo cháu còn nhỏ dại quá, chim non phải có đàn, bom đạn thế này, làm sao tách bầy trẻ anh chị em lớn bé trong nhà cùng lớp, cùng đi học với nhau được. Từ đó, cô hay động viên tôi tập viết chữ cho đẹp, đọc thêm sách cho trôi chảy, cho tôi làm thêm những bài toán cộng trừ đơn giản... Và hôm tổng kết, sắp được lên lớp Một, học ở chân núi xa khác, tôi thấy cô nhìn tôi trìu mến khi nhắc tên tôi với thầy giáo già sẽ đón chúng tôi ở lớp trên. Cô cúi xuống vòng tay ôm tôi và nói: - Cô biết con sẽ luôn học rất giỏi, cô bé nhút nhát dễ thương của cô!

Ôi! Cô giáo đầu đời tuyệt vời của con! Cô có biết vòng tay và nụ cười sáng lóa của cô theo con năm tháng. Sau này mỗi khi vào hầm tránh bom, con đều hình dung vòng tay ấm áp của cô, nhớ tấm lưng thon của cô luôn tỏa bóng bình yên che chở. Ngày ấy bom đạn tơi bời, lớp Vỡ lòng thật đông, cô dạy qua bao lớp, bao thế hệ, làm bao việc không tên, không biết sau này cô có còn làm cô giáo mầm non nữa không? Cô có nhớ chúng con không? Chắc cô chẳng nhớ nổi đâu nhưng cô đã đi vào thế giới tuổi thơ của con mãi mãi!

Người thầy đầu tiên - thứ ba của tôi, tôi đã lớn hơn chút rồi nên nhớ rõ tên thầy là Nguyễn Văn Sáu, dù thầy chỉ dạy tôi một học kỳ lớp Một. Mái tóc thầy trắng như cước, vóc dáng thanh tao như một ông Tiên trong mắt nhìn của tôi. Tôi như tìm thấy nụ cười của ông ngoại, ánh mắt của ông ngoại, bàn tay của ông ngoại mỗi khi đến lớp. Nhà thầy ở một ngọn núi khác, nép dưới bóng thông thơm ngát. Thầy cũng thường đi bộ tới lớp. Lớp học của chúng tôi là một nhà kho cũ ẩn trong núi, phía trước có sân phơi bằng xi măng, góc sân đầy rêu mà có lần mưa, tôi bị ngã như trời giáng, choáng óc, mãi mới dậy nổi. Đường tới lớp xa hơn, tới năm cây số đi bộ ven chân núi rồi vượt đường quốc lộ, men dọc sông máng, lại rẽ vào làng, xuyên khe núi mới tới... Thầy thương lũ trẻ đến xót xa. Cứ đến lớp là chúng tôi đã thấy thầy đứng trước cửa, đón từng trò vào lớp. Thầy già rồi nhưng giọng nói vang và sáng! Tôi nhớ giọng thầy đọc, tiếng thước kẻ gõ xuống mặt bàn lấy nhịp đều đều, nhớ nét chữ thầy viết với từng nét thanh- đậm bằng phấn trắng, nổi bật trên bảng cũ đánh lõi pin hỏng và lá khoai nước đen nhánh... Gương mặt thầy như giãn những nếp nhăn ưu tư khi nghe tiếng trẻ ngân nga i tờ và hát vang vọng triền núi xa...

Thầy hay cầm thước nhưng tôi chưa bao giờ thấy thầy gõ thước vào tay trò nào. Thầy chỉ nhỏ nhẹ nhắc trò, uốn từng cách ngồi, cách cầm bút. Thầy lắc đầu thương cảm, dặn dò và cho chúng tôi hát lấy tinh thần trước lúc tan trường, khi thấy cuối buổi có trò gục đầu xuống bàn và tiếng bụng chúng tôi réo sôi lúc thầy lại gần.

Mà thật lạ! Những năm tháng gian lao, đói khổ ấy sao đến lớp với chúng tôi như một niềm vui lớn! Mới sáu, bảy tuổi, nhiều bạn đi chân đất, chẳng có nổi manh áo mới, vậy mà chúng tôi chân sáo tung tăng đến lớp. Cặp sách có đâu! Chỉ có quyển vở, cây bút chì, cái thước nhỏ tự làm, sau có thêm cây bút ngòi sắt và lọ mực tím cùng cuốn sách giáo khoa cũ lem mực, truyền qua mấy thế hệ anh chị em để trong chiếc túi vải cũ kĩ đeo vai. May mắn, có đứa mang thêm được củ sắn, củ khoai, nắm cơm muối vừng nho nhỏ gói trong lá chuối, vậy mà từ tinh sương, chúng tôi băng đồng tới lớp. Mùa lúa trổ đòng, chúng tôi nhỏ bé đi lút trong lúa, lén rút mấy ngọn đòng đòng ven bờ ngọt ngào, thơm ngát ra ăn dọc đường về cho đỡ đói. Mùa gặt trơ gốc rạ, bàn chân nhói đau dẫm lên, nhưng chúng tôi có thêm thú vui mang theo củ sắn, củ khoai, bắp ngô rồi vơ rơm rạ nướng ăn trên đồng khô. Mùa đông, tay đứa nào cũng có thêm ống bơ than củi mang theo sưởi, đôi khi thi nhau quay tít cho đỏ lửa. Gió núi, gió đồng lồng lộng. Đôi khi băng qua đồng màu, có đứa nghịch ngợm bứt quả cà chua má ửng, trái cà bát còn xanh chùi vạt áo ăn sống ngon lành. Có đứa lấy lá khoai vục nước mương uống. Có hôm men theo đường núi, chúng tôi vặt những quả dại như canh châu, dung dúc, duối, vú bò, me đất dọc đường để ăn...

Chắc thầy biết hết điều ấy nên dạy các trò thuộc bài ca dao để chúng tôi biết trân quý công sức người lao động:

Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần...

Và thầy thường đánh nhịp cho chúng tôi hát bài hát dễ thương hàng ngày:

Đứng bên sông mà trông chú cò

Chân bước dài cò ta đi mò

Vớ cái gì ăn liền vội vã

Uống nước lã rồi lại quả xanh

Ăn tham nên tối đến về nhà

Đau bụng rên hừ hừ suốt ba ngày đêm

Ê ê ê...cái anh cò kia thật đáng chê!...

Ngày máy bay tạm dừng đánh phá miền Bắc, nhà tôi chuyển về thị xã, trường lớp bị tàn phá hết đang bắt đầu xây dựng lại, mới chỉ có một số lớp lẻ tẻ học nhờ, mẹ chưa xin học được nên tôi tiếp tục trở về học lớp cũ một thời gian. Hàng ngày, đi bộ hàng chục cây số qua cầu, theo quốc lộ đến lớp. Đi cùng hai chị con bác nhưng đôi khi tôi đi chỉ còn một mình. Có hôm được các cô chú đạp xe trên đường thương cho quá giang một đoạn, nhưng đa phần, tôi cứ lũn cũn đi. Đường về mệt mỏi, tôi ngồi nghỉ dưới gốc cây ven đường, ngắm những bông súng nở tím trên ruộng nước, những cánh cò bay trên đồng xanh bát ngát và ước mình có đôi cánh trắng muốt nhẹ nhàng bay...

Thầy tôi thấy vậy thương lắm, thường cho lớp học muộn hơn để đợi mấy chị em tôi! Từ xa đã thấy thầy đứng trước sân, ánh mắt xót xa. Thầy gỡ mũ nón rồi rút khăn mùi xoa lau mồ hôi cho trò, dẫn chúng tôi vào lớp. Tôi không bao giờ quên ánh mắt thầy, giọng nói thầy khi thầy nhắc: - Các con còn bé quá, nên đi đường, thấy ai có xe đạp thì mạnh dạn vẫy tay xin đi nhờ nghe con! Nếu không nhờ được thì đi men vệ đường, mệt đâu các con nghỉ đấy, chớ có cố! Thầy sẽ nhắc gia đình xin cho các con học gần nhà! Các con giỏi lắm! Cố gắng nhé! Mong sao sớm đến hòa bình!

Ánh mắt thầy theo tôi mãi đến hôm nay. Cứ nhắm mắt nhớ về lớp học sơ tán ấy, tôi lại hình dung một vùng đồi xanh biếc, thầy tôi với mái tóc bạc phơ, thanh cao đứng trước cửa lớp, ánh mắt yêu thương, xa xót thật hiền.

Thầy ơi! Thầy có biết, sau này con cũng theo nghề làm thầy! Tóc con đã điểm bạc rồi, cuộc đời nhà giáo cũng bao thăng trầm, lo toan, vất vả. Những đêm trắng nối nhau thao thức cùng con chữ, tiếng ho khan khúc khắc lúc tan trường, nhưng chưa bao giờ con chán ghét nghề làm thầy, cái nghề chăm chút những mầm non, thắp lên những ngọn lửa sống lung linh!

Thầy đã bước vào trang sách nhỏ của tôi và sống mãi trong những vần thơ tôi viết ngày nào. Có một đêm đông xa lắm, trên sân khấu văn nghệ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, tôi đã đọc những vần thơ mộc mạc viết về thầy với khóe mắt long lanh ngấn lệ:

NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN

Trong ký ức của con

Thầy thường hiện về với dáng dấp một ông Tiên

Mái tóc trắng bông, ánh mắt hiền,

nụ cười hồn hậu

Thầy bảo "Các con gắng chăm ngoan, học giỏi,

mai sau khôn lớn nên người..."

Ngày ấy, chúng con bé dại lắm thầy ơi!

Vẫn nhặt bi bom chơi trên nóc hầm

sau mỗi lần báo động

Thầy nhìn chúng con xót xa im lặng

mỗi buổi tan trường...

Nhà thì xa, đôi chân nhỏ... đường mòn

Thầy thương chúng con mỗi sớm hôm tới lớp

Đôi lần con nghe thầy ước

"Mong sao sớm đến hòa bình!"

Bàn tay khô héo của thầy

nâng những ngón tay xinh

uốn từng nét bút...

Thầy chăm chút từng giây từng phút

Bầy chim non trong đói rét, đạn bom

Lớp học nghèo nép giữa đồi thông

Tiếng i tờ ngân nga, rộn xa chân bước...

Nay chúng con xuôi ngược

khắp bốn phương trời

Vẫn nhớ về chốn cũ thầy ơi!

Nép dưới chân đồi

Một ngôi nhà cũ

Một mảnh sân phơi

Một trời thương nhớ...

Thầy đang đứng đó

Vóc hạc xương mai

Viên phấn cháy lên

Những kiến thức cuộc đời...

Có ánh mắt xa vời

Dõi theo con khắp nẻo...

Xin cảm ơn đời đã ban cho tôi ba người tôi yêu kính, ba người thầy dạy chữ đầu tiên! Cảm ơn đời đã ban cho tôi bao la tình thương mến, để trái tim tôi luôn ấm áp ngọn lửa đắm say, yêu tin cuộc sống, con người!

Bùi Thanh Hà

Theo

Cùng chuyên mục
  • Đề xuất giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật tại chùa Phổ Quang

    (Xây dựng) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Công văn số 4839/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề xuất giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật tại chùa Phổ Quang.

  • Sóc Trăng: Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo sẽ diễn ra từ ngày 9-15/11

    (Xây dựng) – Nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là các hoạt động văn hóa lễ hội; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.

  • Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024

    (Xây dựng) - UBND Thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch tổ chức Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 (The HaNoi Culinary Culture Festival 2024). Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 diễn ra trong 3 ngày (29-30/11 và 1/12) tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng).

  • Phát huy những giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, công tác bảo tồn phải luôn tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt, vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hoá vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần.

  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load