Thứ bảy 18/05/2024 17:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

09:04 | 04/11/2021

(Xây dựng) - Ngày 3/11, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cùng với sự trao đổi, thảo luận của ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp.

nhung diem moi cua luat sua doi bo sung mot so dieu cua luat ban hanh van ban quy pham phap luat
Bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Xây dựng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về ban hành VBQPPL

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Xây dựng cho biết: Năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 và ngày 31/12/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản này đã quy định nhiều điểm mới quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tình hình mới; đồng thời khắc phục những tồn tại vướng mắc trong các quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua. Để công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật ngành Xây dựng ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả thì việc cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ Xây dựng là rất cần thiết.

Qua hơn 03 năm thi hành Luật năm 2015, công tác xây dựng pháp luật đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Một số lượng lớn VBQPPL được ban hành theo quy trình, yêu cầu mới của Luật năm 2015, trong đó, nhiều VBQPPL được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các Bộ, ngành, địa phương nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của pháp luật, tập trung thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, nhờ đó chất lượng VBQPPL được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thi hành Luật năm 2015 vẫn còn những tồn tại, hạn chế và một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm tính đầy đủ, hợp lý, sát thực tiễn của các quy định; tính thống nhất giữa quy định của Luật năm 2015 với các Luật có liên quan.

Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung 68 điều của Luật năm 2015, gồm 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào những vấn đề như: Cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng VBQPPL; Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình soạn thảo VBQPPL; Hình thức, thẩm quyền, nội dung một số VBQPPL liên tịch; Quy trình xây dựng, ban hành một số loại VBQPPL; Quy định thủ tục hành chính trong VBQPPL; Hoạt động thẩm tra, xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh; Xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; Thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã; Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế VBQPPL…

Tiếp tục khẳng định và quy định cụ thể, nhất quán, sâu sắc hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành VBQPPL. Đã có nhiều quy định đảm bảo đường lối, chủ trương của Đảng được thể chế hóa thành pháp luật, từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng VBQPPL (giai đoạn xây dựng, đánh giá, thẩm định và thông qua chính sách) đến giai đoạn soạn thảo, ban hành văn bản (soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua dự án, dự thảo).

Khi rà soát các quy định cụ thể của Luật năm 2015 cho thấy chưa có sự thống nhất trong việc quy định về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng như: chưa quy định “sự phù hợp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản và nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước” là một trong các nội dung thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh (Điều 47); thẩm định dự án luật, pháp lệnh (Điều 58), dự thảo Nghị định của Chính phủ (Điều 92), dự thảo Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh do UBND cùng cấp trình (Điều 121).

Luật năm 2020 bổ sung, cũng đã làm rõ quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Hiện nay, việc phản biện xã hội và trình tự, thủ tục thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo VBQPPL của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang được thực hiện theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN. Tuy nhiên, việc phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với dự thảo VBQPPL chưa được quy định trong Luật Ban hành VBQPPL. Do vậy, Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Luật năm 2015 để quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL.

nhung diem moi cua luat sua doi bo sung mot so dieu cua luat ban hanh van ban quy pham phap luat
Ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp trao đổi, thảo luận tại Hội nghị.

Ngoài ra, Luật năm 2020 cũng đã có những điểm mới bao gồm: Hình thức, thẩm quyền ban hành, nội dung một số văn bản liên tịch; Quy trình xây dựng, ban hành một số loại VBQPPL; Quy định thủ tục hành chính trong VBQPPL; Thẩm tra, xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh; Trình tự, thủ tục rút gọn; Thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã; Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ VBQPPL…

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất

Luật năm 2020 bỏ yêu cầu lập đề nghị xây dựng văn bản theo quy trình chính sách đối với Nghị định quy định tại khoản 2 Điều 19 và Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật năm 2015. Do vậy, để bảo đảm phù hợp với quy định mới này, Nghị định số 154/2016/NĐ-CP bỏ quy định về lập đề nghị theo quy trình chính sách đối với hai loại văn bản nêu trên tại khoản 3 và khoản 4 Điều 4 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (Các trường hợp lập đề nghị xây dựng VBQPPL); đồng thời sửa khoản 2 Điều 30 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề nghị xây dựng nghị định quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật (không còn phải đưa ra phiên họp của Chính phủ như theo quy định của Luật năm 2015).

Thực tiễn xây dựng, ban hành VBQPPL ở nước ta cho thấy, số lượng nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được ban hành hàng năm là rất lớn và không ít văn bản giao HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy định chi tiết nhưng chưa có cơ chế kiểm soát việc ban hành văn bản quy định chi tiết nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Do vậy, việc thường xuyên theo dõi, rà soát văn bản mới ban hành để xác định đúng và đầy đủ nội dung mà địa phương được giao quy định chi tiết nhằm kịp thời tổ chức triển khai xây dựng văn bản quy định chi tiết theo đúng yêu cầu về thời điểm có hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết trong một số trường hợp là hết sức khó khăn đối với các địa phương. Xuất phát từ lý do đó, nhiều địa phương đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ được giao chủ trì soạn thảo nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc lập và thông báo cho HĐND, UBND cấp tỉnh danh mục nội dung của nghị định, quyết định, thông tư giao cho địa phương quy định chi tiết.

Ngoài ra, nghị định cũng có những điểm mới như: Soạn thảo, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn, thẩm định dự án, dự thảo VBQPL; Thể thức, kỹ thuật trình bày VBQPPL và các phụ lục, biểu mẫu (Chương V, Nghị định 34/2016/NĐ-CP); Kiểm tra, xử lý VBQPPL (Chương VIII, Nghị định 34/2016/NĐ-CP); Rà soát, hệ thống hóa VBQPPL (Chương IX, Nghị định 34/2016/NĐ-CP).

nhung diem moi cua luat sua doi bo sung mot so dieu cua luat ban hanh van ban quy pham phap luat
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp nhấn mạnh: Về thực tiễn áp dụng cho thấy trong Luật 2015 chưa có sự thống nhất để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản. Luật 2015 là Luật đột phá nhất, là luật đầu tiên trong lịch sử tách 2 quy trình chính sách và quy trình soạn thảo. Chính vì sự cần thiết ban hành với cơ sở chính trị và thực tiễn như vậy nên bắt buộc phải sửa đổi bổ sung luật này tuy mới thi hành được 3 năm. Vấn đề không phải chúng ta lỗi về mặt kỹ thuật xây dựng văn bản mà sự phát triển quá nhanh và linh hoạt nên cần phải sửa cho phù hợp.

Đặng Ngân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load