Thứ sáu 08/11/2024 01:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Những chiêu trò trốn thuế trong mua bán nhà đất và mức xử phạt

10:46 | 26/01/2022

(Xây dựng) - Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định cụ thể mức xử phạt hành chính đối với hành vi trốn thuế khi mua bán nhà đất.

nhung chieu tro tron thue trong mua ban nha dat va muc xu phat
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Những chiêu trò trốn thuế khi mua bán nhà

Cá nhân khai báo nhà đất được giao dịch là tài sản duy nhất: Trong Luật có quy định rõ: Nếu có thu nhập từ việc mua bán chuyển nhượng nhà đất mà đó là tài sản duy nhất thì không cần phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Nhiều người đã lợi dụng quy định này để lọt qua các công tác kiểm tra, sau đó trốn thuế.

Giảm giá trị của tài sản được bán hay chuyển nhượng xuống mức thấp: Quy định có nêu rõ: Mức giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng thấp hơn mức giá trung bình mà bán giá đất do UBND cấp tỉnh, thành phố đề ra, thì giá sẽ được tính theo quy định của UBND. Tuy nhiên, thực chất thì giá mua bán nhà đất cao hơn rất nhiều so với bảng giá chung của tỉnh thành phố quy định.

Mặc dù vậy, do cả hai bên mua và bán đều muốn có lợi nên cũng đồng tình thỏa thuận ghi giá chuyển nhượng thấp hơn nhiều so với thực tế. Như vậy, họ sẽ phải nộp số tiền ít hơn so với số tiền ban đầu mà họ phải nộp.

Mua bán chuyển nhượng nhà đất theo công thức bắc cầu: Lợi dụng các quan hệ cá nhân người trong nhà để trốn thuế cũng là tình trạng phổ biến hiện nay.

Ví dụ, hai anh em rể muốn chuyển nhượng nhà đất cho nhau. Nhưng vì muốn trốn thuế nên người em rể đã chuyển nhượng cho bố vợ rồi bố vợ mới chuyển nhượng lại cho người anh rể. Mặc dù cách này tốn rất nhiều thời gian nhưng lại có thể giúp các cá nhân trốn được tiền thuế.

Đây cũng là ba cách phổ biến nhất mà nhiều người thường sử dụng để lách luật không phải nộp nhiều tiền thuế hoặc được miễn thuế.

Mức xử phạt đối với hành vi trốn thuế khi mua bán nhà đất

Tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính như sau:

Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên.

Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện hành vi mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện hành vi mà có một tình tiết tăng nặng.

Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện hành vi có hai tình tiết tăng nặng.

Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện hành vi có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào Ngân sách Nhà nước.

Trường hợp hành vi trốn thuế đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước theo thời hạn quy định tại Khoản 6, Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Hành vi vi phạm bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng không làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn thuế, không làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3, Điều 12 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, hành vi trốn thuế ngoài bị xử phạt hành chính còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh trốn thuế theo quy định tại Điều 200 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Thảo Phương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load