Thứ sáu 08/11/2024 14:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Nhà thiết kế thời trang Nguyễn Thị Kim Hạnh: Người kể chuyện qua những tà áo dài

09:31 | 18/10/2024

(Xây dựng) - Bằng sự đam mê và tài năng của mình, nhà thiết kế Nguyễn Thị Kim Hạnh - người sáng lập thương hiệu thời trang Kén Design đã và đang góp phần đưa áo dài Việt Nam đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước. Những thiết kế của bà không chỉ là những bộ trang phục đẹp mà còn là những câu chuyện kể về văn hóa và con người Việt Nam.

Nhà thiết kế thời trang Nguyễn Thị Kim Hạnh: Người kể chuyện qua những tà áo dài
Nhà thiết kế Nguyễn Thị Kim Hạnh (bên phải) tại sự kiện Sắc màu ASEAN.

Tình yêu với tà áo dài Việt Nam

“Từ nhỏ, tôi đã bị cuốn hút bởi vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng của tà áo dài. Đối với tôi, đó không chỉ là một bộ trang phục, mà còn là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam. Tôi muốn góp phần đưa vẻ đẹp ấy đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ”, nhà thiết kế Nguyễn Thị Kim Hạnh chia sẻ.

Tơ tằm và tơ sen là hai chất liệu chủ đạo trong các thiết kế của nhà thiết kế Nguyễn Thị Kim Hạnh. Bà đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về quá trình sản xuất tơ, từ việc nuôi tằm đến việc dệt vải bởi tơ tằm và tơ sen không chỉ mang lại cảm giác mềm mại, thoáng mát mà còn có những đặc tính rất riêng. Tơ tằm mang đến sự sang trọng, quý phái. Còn tơ sen lại mang đến cảm giác thanh mát, gần gũi với thiên nhiên. Đây là những chất liệu phù hợp nhất để may áo dài nhờ vẻ đẹp tự nhiên, mềm mại và sang trọng, nhưng lại đòi hỏi quá trình sản xuất rất công phu.

Để tạo ra những màu sắc tự nhiên và độc đáo, nhà thiết kế Nguyễn Thị Kim Hạnh đã hợp tác với các nghệ nhân làng nghề truyền thống để sản xuất màu nhuộm được chiết xuất từ thiên nhiên như lá cây, hoa cỏ, mang đến cho các thiết kế một vẻ đẹp tinh tế và độc đáo, an toàn cho người sử dụng.

Nhà thiết kế thời trang Nguyễn Thị Kim Hạnh: Người kể chuyện qua những tà áo dài
Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Iram tại Việt Nam Javad Bakhshi (ở giữa) bày tỏ sự thích thú với những sản phẩm truyền thống của thương hiệu Kén Design.

Thông qua tà áo dài, nhà thiết kế Nguyễn Thị Kim Hạnh muốn kể những câu chuyện về truyền thống văn hoá của đất nước qua từng chất liệu, từng hoa văn, hoạ tiết trên áo.

Theo nhà thiết kế Nguyễn Thị Kim Hạnh, một thiết kế mới ra đời thường bắt đầu từ một ý tưởng rất nhỏ. Có thể là những câu chuyện dân gian, những tín ngưỡng của người dân Việt Nam, cho đến những thứ rất đỗi thân thuộc xung quanh, hay đơn giản chỉ là một cảm xúc thoáng qua.

Từ ý tưởng đó, nhà thiết kế sẽ phác thảo những nét vẽ đầu tiên lên giấy. Sau đó, những đường nét ấy sẽ được chuyển thể thành những mẫu vải, những đường kim mũi chỉ tinh xảo. Quá trình sáng tạo để hình thành một sản phẩm hoàn chỉnh là một hành trình sáng tạo đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ.

"Tôi muốn đưa những họa tiết truyền thống vào cuộc sống hiện đại một cách tinh tế bằng cách kết hợp chúng với những đường cắt may hiện đại, tạo nên những bộ trang phục vừa mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, vừa đáp ứng được thẩm mỹ hiện nay và của người mặc trẻ" - bà Hạnh bày tỏ.

Thương hiệu Kén Design và hành trình gìn giữ hồn Việt

Với khát khao được gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống Việt Nam, năm 2004, nhà thiết kế Nguyễn Thị Kim Hạnh đã sáng lập nên thương hiệu thời trang Kén Design.

Kén Design không chỉ là một thương hiệu thời trang, mà còn là một dự án cộng đồng. Bằng việc hợp tác với các làng nghề, thương hiệu đã góp phần tạo ra việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.

Nhà thiết kế thời trang Nguyễn Thị Kim Hạnh: Người kể chuyện qua những tà áo dài
Mỗi thiết kế áo dài đều được những người thợ thêu thủ công bằng chỉ tơ sen, đưa sản phẩm của làng nghề truyền thống đến tay người tiêu dùng.

Từ những ngày đầu thành lập, thương hiệu Kén Design đã xác định áo dài là sản phẩm chủ lực để phát triển và nghiên cứu về các chất liệu may mặc truyền thống như nhung, lụa tơ tằm, chỉ thêu tơ sen, gấm…

Trải qua hơn 20 năm tìm hiểu về chất liệu tơ tằm, Kén Design tự hào là thương hiệu đầu tiên phát triển phương pháp huấn luyện cho những con tằm trở thành những “người thợ”, tự nhả tơ và tự dệt thành một tấm vải tơ tằm hoàn chỉnh.

Cùng với những sản phẩm chất lượng và trở thành thương hiệu tiên phong trong phương pháp dệt lụa mới, Kén Design đã khẳng định được vị trí của mình khi được cả khách hàng Việt Nam và quốc tế đón nhận.

Chia sẻ về tương lai của áo dài, nhà thiết kế Nguyễn Thị Kim Hạnh tin rằng áo dài không chỉ là một sản phẩm thời trang mà còn là một câu chuyện về văn hóa, về con người.

Đối với nhà thiết kế Nguyễn Thị Kim Hạnh, để áo dài tồn tại và phát triển, cần có nhiều sự kiện, hoạt động quảng bá áo dài, để mọi người có cơ hội được chiêm ngưỡng tà áo dài truyền thống.

"Tôi mơ ước được thấy một ngày, áo dài không chỉ là trang phục truyền thống mà còn là một biểu tượng của sự sáng tạo, của tình yêu quê hương", nhà thiết kế Nguyễn Thị Kim Hạnh bày tỏ.

Giang Thuý Hà

Theo

Cùng chuyên mục
  • Đề xuất giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật tại chùa Phổ Quang

    (Xây dựng) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Công văn số 4839/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề xuất giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật tại chùa Phổ Quang.

  • Sóc Trăng: Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo sẽ diễn ra từ ngày 9-15/11

    (Xây dựng) – Nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là các hoạt động văn hóa lễ hội; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.

  • Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024

    (Xây dựng) - UBND Thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch tổ chức Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 (The HaNoi Culinary Culture Festival 2024). Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 diễn ra trong 3 ngày (29-30/11 và 1/12) tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng).

  • Phát huy những giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, công tác bảo tồn phải luôn tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt, vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hoá vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần.

  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load