Thứ sáu 08/11/2024 01:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản tăng

15:45 | 26/11/2020

(Xây dựng) - Theo báo cáo thị trường BĐS quý III/2020 của Bộ Xây dựng, từ đầu năm đến nay, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực BĐS đã tăng dần theo, từ mức 0,264 tỷ USD trong quý I lên 0,586 tỷ USD vào quý II và bứt phá lên con số 2,35 tỷ USD ở quý III. Đây là tín hiệu tích cực tác động tới đà phục hồi của thị trường BĐS.

nguon von fdi do vao bat dong san tang
Báo cáo thị trường BĐS quý III/2020 của Bộ Xây dựng cho thấy, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực BĐS tăng mạnh tới 4 lần so với quý II/2020.

Theo Bộ Xây dựng, mặc dù thị trường BĐS chịu tác động kép do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong tháng 7/2020 và chịu ảnh hưởng tâm lý khách hàng “tránh” tháng ngâu nhưng thị trường vẫn có phản ứng tích cực. Điều này thể hiện qua số liệu về tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực BĐS tăng mạnh tới 4 lần so với quý II/2020, bổ sung nguồn vốn quan trọng để đầu tư phát triển lĩnh vực BĐS nói riêng và đóng góp quan trọng đối với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung.

Thống kê của Bộ KH&ĐT, nguồn vốn FDI đến tháng 9/2020, lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS tiếp tục đứng ở vị trí thứ 3 sau lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đăng ký gần 3,2 tỷ USD.

Bộ Xây dựng đánh giá, sau hai đợt dịch bệnh Covid-19, hầu hết các DN trong lĩnh vực BĐS bắt đầu hoạt động trở lại. Các DN kinh doanh và phát triển BĐS mở bán các dự án, công bố kế hoạch kinh doanh thời kỳ sau đại dịch cùng với kế hoạch tuyển dụng lao động, tìm kiếm nhân sự phù hợp cho kế hoạch lâu dài.

Mặc dù thị trường vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các DN kinh doanh và DN phát triển BĐS đã có những giải pháp để tiếp cận khách hàng; thậm chí, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thế đô thị hóa ở một số những địa phương ngoài các đô thị lớn.

Cùng với những ưu đãi của thiên nhiên, hệ thống giao thông đi lại được cải thiện hơn, chính sách đầu tư thông thoáng, tạo nhiều điều kiện cho nhà đầu tư trong và ngoài nước đã giúp Việt Nam có được những lợi thế riêng, hấp dẫn DN đầu tư BĐS trong và ngoài nước so với một số quốc gia trong khu vực. Đáng chú ý là lợi thế về việc thu hút nguồn vốn cho ngành du lịch và phân khúc đầu tư BĐS du lịch nghỉ dưỡng.

Đơn cử như trong quý III/2020, Dự án quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư là một trong những "siêu dự án" đầu tư vào Thanh Hóa, tổng vốn lên đến gần 25.000 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng góp phần đưa Sầm Sơn trở thành một trong những trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực.

Ngoài ra, dự báo, nhu cầu về nhà ở, trong đó có nhà ở giá rẻ… vẫn rất lớn. Trong thời gian tới, BĐS công nghiệp có thể coi là điểm sáng của thị trường BĐS bởi nhiều nguyên do như Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam. Việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam.

Theo các chuyên gia, hiện nay những chính sách hỗ trợ của Chính phủ như phát triển NƠXH, nhà ở cho người thu nhập thấp với nguồn vốn hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ đồng tại các quỹ phát triển NƠXH và Ngân hàng Chính sách xã hội cũng có những tác động tích cực tới đà phục hồi của thị trường BĐS.

Nguồn vốn này được kỳ vọng có thể tăng thêm khoảng 3.000 tỷ đồng vào năm 2021 do Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm cân đối nguồn vốn này từ ngân sách nhằm tiếp tục hỗ trợ cho vay nhà ở.

Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng được coi là yếu tố sẽ góp phần tác động tích cực đến thị trường BĐS, nhất là chủ trương giải ngân vốn đầu tư công đang được đẩy mạnh ở giai đoạn năm 2020 - 2021. Dòng vốn đầu tư này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy lĩnh vực xây dựng và BĐS, trong đó có tính đến cả lợi ích lan tỏa từ việc cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện.

Chính phủ đã và đang tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường BĐS, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc tồn đọng đối với các dự án từ năm 2019 trở về trước.

Anh Thu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load