(Xây dựng) - Nhờ lợi thế hấp dẫn về chi phí, cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng và các chính sách hỗ trợ đến từ Chính phủ cũng như việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn và thân thiện của các nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Cơ hội “chuyển mình” của bất động sản công nghiệp
Ông Võ Thành Thống - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Đại dịch Covid-19 gây ra “cú sốc” đối với nhiều nền kinh tế nhưng một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam lại trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dòng vốn đầu tư chảy mạnh từ các nền kinh tế châu Á, Hoa Kỳ và trong nội khối ASEAN được cho là nguyên nhân của hiện tượng tích cực này.
“Trên thực tế, cuộc khủng hoảng này đang đóng vai trò như một chất xúc tác trong cuộc đại tái cấu trúc hoạt động sản xuất toàn cầu theo hướng bền vững hơn và tranh thủ những lợi ích của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Thứ trưởng Võ Thành Thống nhận định.
Đồng quan điểm ông Lê Trọng Hiếu - Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp, Công ty CBRE Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy nhu cầu dịch chuyển sản xuất của các Công ty lớn.
Phân tích rõ thêm về vấn đề này, ông Hiếu cho biết, khi đặt nhà máy tại Trung Quốc thì các doanh nghiệp phải đối mặt với những áp lực như: Chi phí lao động tăng cao, pháp lý thắt chặt, kèm với đó là những biến cố khó lường. Trong khi đó, một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam lại trở thành điểm sáng là bởi sở hữu vị trí liền kề mà cơ sở hạ tầng lại được tăng cường đầu tư, hoàn thiện đáng kể.
Theo Thứ trưởng Võ Thành Thống, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn có nguyên nhân quan trọng từ những hành động rất hiệu quả của cả Chính phủ và người dân trong việc vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, chặn đà suy giảm kinh tế. Môi trường đầu tư được cải thiện, cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nền kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực – gần đây nhất là Hiệp định EVFTA – cũng góp phần làm nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Ông Lê Trọng Hiếu nhìn nhận rằng, đây chính là cơ hội, là thời điểm chuyển mình cho bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Khan hiếm nguồn cung đất kho vận ở các vị trí đắc địa
Hiện nay, tại khu vực miền Bắc đã xuất hiện một số khu vực mới nổi về đất công nghiệp như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Nam Định. Còn tại khu vực miền Nam, các tỉnh lân cận như: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận… sẽ là những khu vực mới nổi.
“Hiện nay, nguồn cung đất phát triển kho vận bị hạn chế ở các vị trí đắc địa, giá thuê cao. Trong khi nhu cầu mở rộng không gian lưu trữ của các Công ty thương mại điện tử tăng mạnh, nên việc tối đa hóa hiệu quả của sử dụng đất là điều cần thiết. Theo đó, phát triển kho và xưởng cao tầng ở các khu vực đô thị sẽ là xu hướng tất yếu”, ông Hiếu nhận định và đưa ra 3 xu hướng chính của các nhà đầu từ từ 2020 trở về sau, cụ thể: Xu hướng thứ 1, là mở rộng sản xuất của các khách thuê hiện hữu thông qua việc tìm kiếm nguồn cung đất mở rộng tại các khu vực mới nổi.
Xu hướng thứ 2, là chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài trong lĩnh vực kho vận mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam. Nhu cầu phần lớn được dẫn dắt bởi thương mại điện tử.
Xu hướng thứ 3, là chủ đầu tư và nhà phát triển sẽ tích cực thu mua các dự án bất động sản công nghiệp hiện hữu.
“Những dự án này nằm trong các Khu công nghiệp đã nằm trong quy hoạch và các dự án bất động sản không đạt hiệu quả sẽ là những mục tiêu được tìm kiếm nhiều trong thời gian tới”, đại diện CBRE Việt Nam chia sẻ.
Về vai trò của nhà xưởng xây sẵn trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông C.K Tong - Tổng Giám đốc Công ty BW Industrial cho biết, Việt Nam đang là điểm đến hàng đầu của dòng vốn từ nước ngoài, các nhà sản xuất công nghệ cao và kỹ thuật đang chạy đua để xây dựng và mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
“Đây là một tin rất tốt và rất vui cho cả nhà đầu tư và nước ngoài và Việt Nam”, ông C.K Tong nói và cho biết thêm, trong 9 tháng vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp dịch chuyển khỏi Trung Quốc và lựa chọn điểm đến là Việt Nam.
Một điểm quan trọng trong việc dịch chuyển này là họ không di chuyển một mình bởi chuyên môn hóa sản xuất. Theo đó, sự dịch chuyển của toàn bộ hệ sinh thái chuỗi cung ứng là tất yếu. Nhưng các doanh nghiệp đang gặp một số thách thức là về vốn, địa điểm xây dựng, giấy phép và nguồn lao động. Như vậy, nhà kho, xưởng xây sẵn là một giải pháp cho những thách thức này, và đây cũng là lựa chọn của BW Industrial.
Đại diện BW Industrial cho biết thêm, tầm nhìn của Công ty là mua đất rồi phát triển để cho thuê. Tầm nhìn năm 2020, Công ty sẽ là nhà phát triển bất động sản công nghiệp cho thuê số 1 tại Việt Nam với thị phần lớn nhất. Các tài sản chất lượng cao, có vị trí chiến lược đang được tung ra vào năm 2020 và nhiều hơn thế nữa.
Huyền Lê
Theo