(Xây dựng) - Tình trạng nhiều tuyến đường xuống cấp, nham nhở do nhà thầu thi công hoàn trả ẩu diễn ra phổ biến trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chỉ tính riêng trong tháng cuối năm 2021, ghi nhận 36 trường hợp thi công đào hè, đường sai quy định, không có giấy phép đã bị lực lượng chức năng kiểm tra xử phạt. Dù đã xử phạt liên tục nhưng có thể thấy, chế tài chưa thực sự đủ mạnh, đủ răn đe để chấm dứt tình trạng trên.
Vỉa hè bị cày xới ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. |
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, các đơn vị như Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Công ty Cổ phần Công trình giao thông Hà Nội nhiều lần nhận được phản ánh về việc thi công đào hè, đường, hoàn trả mặt đường không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị trên địa bàn các quận, huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông, Mê Linh, Thạch Thất, Ứng Hòa…
Do vậy, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã thực hiện kiểm tra, chấn chỉnh. Cụ thể, từ ngày 29/11 – 31/12/2021, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý 36 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 288 triệu đồng.
Hầu hết các lỗi vi phạm chủ yếu là: Không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong; Đào hè phố trái phép; Thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không thực hiện theo đúng các quy định trong giấy phép thi công của cơ quan có thẩm quyền; Để phương tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông; Thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không có giấy phép thi công theo quy định; Xẻ đường trái phép...
Các quận huyện có đơn vị thi công vi phạm nhiều nhất, gồm Ba Đình 8 đơn vị (trong đó có Công ty Cổ phần viễn thông FPT, Công ty TNHH MTV Hacosco8, Công ty Cổ phần PNP Toàn Cầu); quận Bắc Từ Liêm có 3 đơn vị (gồm Công ty Cổ phần xây dựng HTĐT Hà Nội, Công Cổ phần tư vấn đầu tư hạ tầng và năng lượng điện); quận Cầu Giấy 3 đơn vị; quận Hoàn Kiếm 3 đơn vị, quận Hai Bà Trưng 3 đơn vị…
Doanh nghiệp lớn, ý thức nhỏ mạnh ai nấy làm
Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa thống kê, có 36 trường hợp bị xử phạt vì thi công đào hè đường không phép, sai phép, vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông cũng như vệ sinh môi trường. Trong đó, có những cái tên lớn như Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, cũng có cả trường hợp hộ dân đơn lẻ. Nơi thì thi công đào hè đường khi chưa được cấp phép, làm xong không khôi phục nguyên trạng, gây mất an toàn giao thông; có nơi lại sẵn sàng bóc cả vỉa hè lên, làm lại theo ý mình... Đáng nói hơn, tình trạng tự ý đào hè đường, tập kết vật liệu ngoài công trường, không hoàn trả nguyên trạng sau thi công… đã diễn ra suốt nhiều năm qua. Mỗi năm có hàng trăm trường hợp bị xử phạt nhưng vẫn liên tục tái diễn, có đơn vị phạt hàng chục lần vẫn không biết sợ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chế tài xử phạt đối với hành vi tự ý đào bới, thay đổi kết cấu hè, đường, thi công gây mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường còn chưa đủ mạnh. Chưa có chế tài cụ thể đối với các đơn vị, cá nhân tái phạm nhiều lần. Mặt khác, việc kiểm tra, xử lý các vi phạm đào hè đường vẫn nằm gọn trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, trong khi các tổ chức vi phạm lại hoạt động đa ngành nghề như: Viễn thông, điện lực, cấp thoát nước… Việc xử phạt các hành vi vi phạm khi đào hè đường chưa có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý hạ tầng và cơ quan quản lý doanh nghiệp.
Thông tin từ Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, mức phạt đối với vi phạm trong thi công đào hè, đường, tập kết vật liệu ngoài công trường… từ 4 triệu - 14 triệu đồng. Thiết nghĩ, mức phạt này còn quá nhẹ, chưa khiến các tổ chức, cá nhân thay đổi ý thức, nhận thức về hành vi sai trái của mình. Sẽ là thiếu khách quan nếu nói chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý hè, đường buông lỏng cho vi phạm mặc sức diễn ra. Bởi nhiều hộ dân hay đơn vị thi công thường tranh thủ ngày nghỉ, đêm tối để đào xới vỉa hè, lòng đường. Có đơn vị thi công được cấp phép đàng hoàng nhưng vẫn cẩu thả bày bừa vật liệu, làm xong không hoàn trả mặt đường, khi làm việc với cơ quan chức năng thì thiếu hợp tác, thậm chí chấp nhận nộp phạt để được việc của mình. Vấn đề chính ở đây là chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
Cần có chế tài xử lý mạnh để tránh tái diễn tình trạng đào hè, đường
Mỗi năm Hà Nội tốn hàng nghìn tỷ đồng để duy tu, sữa chữa hè, đường, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho người dân đi lại. Công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường cũng đang ngày càng trở nên nặng nề, tốn kém hơn. Nếu không thay đổi thói quen “xử phạt hành chính”, Thành phố sẽ còn phải tiếp tục chịu đựng nạn đào hè, đường cẩu thả, tự ý làm biến dạng hạ tầng phục vụ mục đích riêng.
Việc đầu tiên cần làm là tăng mạnh mức phạt tiền. Hiện nay ngoài chịu phạt tiền, các tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải hoàn trả nguyên trạng hè, đường. Nhưng nếu chất lượng hoàn trả kém, đơn vị quản lý, duy tu vẫn phải xin kinh phí thành phố để tu bổ. Bởi vậy, để giảm thiểu gánh nặng cho ngân sách, cần tăng gấp nhiều lần mức phạt hành chính, trích lập một quỹ dự phòng cho sửa chữa, tôn tạo hè đường những khu vực bị cày xới trái phép, sai phép.
Mặt khác, nếu có thể bị xử phạt đến vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng, chắc chắn các đơn vị thi công hạ ngầm hay người dân đều sẽ có ý thức chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật. Như thời gian qua, nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng gấp 4 - 6 lần mức phạt đã thực sự phát huy hiệu quả, khiến người tham gia giao thông tự giác hơn hẳn trong việc nâng cao ý thức chấp hành.
Bên cạnh việc xử phạt hành chính, các cấp chức năng cần nghiên cứu, xem xét bổ sung một số hình thức phạt khác, đặc biệt là đối với các tổ chức, doanh nghiệp. Ví dụ khi phát hiện vi phạm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ thông báo đến các bộ, Sở, ngành như: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Khoa học và Công nghệ… để phối hợp xử lý trách nhiệm các đơn vị. Có thể đưa vào đánh giá chất lượng doanh nghiệp, quy trách nhiệm người đứng đầu các doanh nghiệp, tổ chức. Thậm chí, với những đơn vị cố tình tái phạm nhiều lần có thể tạm ngưng có thời hạn hoạt động kinh doanh tại khu vực vi phạm; hoặc từ chối cấp phép thi công hạ ngầm các lần kế tiếp.
Từ ngày 29/11 – 31/12/2021, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý 36 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 288 triệu đồng. Cụ thể, Đội Thanh tra giao thông vận tải Bắc Từ Liêm đã xử phạt Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư hạ tầng và năng lượng điện 12.750 triệu đồng do thi công trên đường bộ đang khai thác không treo biển báo, không thông tin công trình; phá dỡ trái phép các thiết bị an toàn giao thông trên đường bộ. Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng đô thị Hà Nội bị Đội Thanh tra giao thông vận tải Bắc Từ Liêm lập biên bản vi phạm, xử phạt mức tiền 4 triệu đồng vì để vật liệu thi công ngoài phạm vi công trường gây cản trở giao thông; Công ty Cổ phần Xây dựng và thương mại Nhật Anh bị Đội Thanh tra giao thông vận tải Bắc Từ Liêm xử phạt 12,5 triệu đồng do thi công công trình không có giấy phép. Ngoài ra, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Đội Thanh tra giao thông vận tải đã xử phạt 16 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C với lỗi để phương tiện thi công ngoài phạm vị thi công gây cản trở giao thông… Trên địa bàn quận Hà Đông, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Nam Hà Nội đã bị xử phạt 12 triệu đồng do lỗi thi công công trình mà không có Giấy phép theo quy định. Công ty Cổ phần Xây dựng số 12 Vinaconex – Vinaconex 12 cũng bị Đội Thanh tra giao thông vận tải Nam Từ Liêm xử phạt 12 triệu đồng do hành vi đào đường trái phép… |
Thanh Thủy
Theo