(Xây dựng) - Mỗi năm tôi về quê ngoại vài lần vào những ngày trọng đại. Những lần như thế, lúc trở lại thành phố, ngoài chuyện hỏi thăm sức khoẻ từng người trong họ, ngoài làng, bao giờ mẹ tôi cũng hỏi làng xóm dạo này ra sao, đổi thay những gì. Tôi vội khoe làng ta giàu hơn trước, người dân văn minh hơn, ở trong những ngôi nhà xây cao tầng, khang trang và sạch sẽ. Những con đường làng đi vào ngõ ngách đã trải lớp bê tông nhẵn nhụi. Cứ mỗi lần nghe kể như thế, hình như mẹ tôi buồn đi một chút. Cuối chuyện, mẹ tôi mới hỏi: "Những con đường lát gạch còn nhiều không?"
Đường gạch làng cổ Đường Lâm - di sản được bảo tồn. |
Người già thường hay ngoái lại quá khứ. Tôi hiểu mẹ tôi đang nghĩ về những kỷ niệm ngọt ngào và cả những đắng cay nơi đã sinh ra mình. Hôm nay, mẹ tôi không còn ở làng quê ấy nữa, nhưng nơi ấy vẫn là nơi để lòng mẹ hướng về, mà thương, mà nhớ, mà ghi lòng tạc dạ. Mẹ tôi thường bảo, nhớ tiếng trống "nộp cheo". Chúng tôi hỏi: "Nộp cheo là gì hả mẹ?". Mẹ tôi giảng giải "Nộp cheo" là quy định của làng khi người con gái xuất giá, nó tựa như lệ phí bây giờ mỗi lần trai gái đến uỷ ban đăng ký kết hôn. Nhưng "nộp cheo" ngày ấy nặng lắm. Có đôi yêu nhau tha thiết mà phải chia tay vì không đủ tiền, hoặc hiện vật để "nộp cheo". Nhiều đôi vượt qua lễ giáo, rủ nhau đi trốn, để được thành vợ thành chồng nơi xứ người. Lại có đôi cố vay mượn để được ở bên nhau, về sau do nợ nần nên cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, dẫn đến chia lìa.
Rồi mẹ tôi chép miệng thở dài: "Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau". Làng không cần biết họ có yêu nhau hay không. Hễ "nộp cheo" xong coi như cuộc hôn nhân hợp pháp. Làng ta quy định nộp bằng gạch. Gạch thu về sẽ lát những con đường trong xóm. Số gạch nộp nhiều hay ít cũng tuỳ từng làng. Có một điểm giống nhau, người con gái đi lấy chồng thiên hạ bao giờ cũng phải nộp gấp nhiều lần người con gái lấy chồng cùng làng. Mùa thu hàng năm là mùa cưới, mùa của tình yêu đôi lứa, mùa của những viên gạch hồng làm nên con đường.
Khi ngọn gió heo may trải đồng, làm mát dịu đất trời, làm dịu mát lòng người, cũng là mùa của cưới xin, sêu lễ bắt đầu. Những ngày này, các chức dịch trong làng vô cùng bận rộn. Ông chánh, ông phó, ông lý, luôn có mặt ở sân đình để thu cheo. Từng xe gạch đầy ắp, nặng nề tiến vào sân. Nhà không có xe thì gồng gánh tấp nập. Những viên gạch tím lịm màu da vải, gõ vào nhau kêu choang choang. Rồi những cái gật đầu ra chiều ưng ý. Cũng không thiếu những tiếng thở dài mệt mỏi khi bị chê bai gạch chưa già, chưa đẹp. Từng kiêu gạch xếp ngộn trên sân đình, đều tăm tắp. Ánh hồng của màu gạch hắt lên niềm vui hân hoan của dân làng, của hai họ. Cô dâu chú rể, cùng đôi bên gia đình và người làm chứng vào hẳn trong đình, để chức dịch của làng viết tờ hôn ước.
Mẹ tôi còn bảo: "Làm hôn ước ở trong đình làng còn có thêm sự chứng giám của thần linh, của thành hoàng. Như vậy có cả âm phù dương trợ cho họ được hưởng hạnh phúc tới mãn chiều xế bóng, sinh con đàn cháu đống". Nói vậy thôi, chứ không phải đôi nào cũng được hưởng trọn vẹn hạnh phúc ấy. Có những cuộc hôn nhân mau chóng tan vỡ, hoặc giữa đường đứt gánh. Lại có những cuộc hôn nhân do ép gả mà thành. Nhưng dù cuộc hôn nhân kia có như thế nào thì tất cả viên gạch hồng "nộp cheo" vẫn được lát xuống thành những con đường. Và trên những con đường lát bằng những viên gạch ấy, thấm đẫm bao giọt nước mắt.
Thế hệ này qua đi, thế hệ khác tiếp nối, con đường lát gạch luôn được dài ra, được tu sửa bằng những viên gạch tình duyên mới. Cho dù người con gái năm xưa gánh gạch "nộp cheo" không còn trên cõi đời này nữa. Con đường tôi sớm tối đi về hôm nay mang nhiều kỷ niệm của bà ngoại tôi, của mẹ tôi, của biết bao cô gái xuất giá. Nó mang nặng cái tình của người con gái đi lấy chồng gửi lại. Nhất là lấy chồng xứ người như mẹ tôi. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm.
Hôm nay làng quê của bà, của mẹ tôi thay đổi nhiều lắm, đường nhựa, đường bê tông đè lên đường lát gạch năm xưa. Mỗi lần về quê ngoại, được dẫm bàn chân trần lên quãng đường lát gạch còn sót lại, lòng tôi vẫn bâng khuâng, một nỗi nhớ dịu ngọt, êm đềm của một thời bỗng dội về. Tôi cứ thầm tự hỏi: Quãng đường nào được lát bằng viên gạch "nộp cheo" của bà, của mẹ tôi?
Nhiều viên gạch đã mòn vẹt, rêu phong thời gian phủ kín, mát lạnh dưới bàn chân tôi, hôm nay có còn ngậm những giọt nước mắt buồn vui? Có còn lưu giữ một thời phồng vai, mỏi gánh trong buổi "nộp cheo"? Từ con đường lát gạch này, mẹ tôi ra đi làm dâu xứ người, để hôm nay trở thành quê ngoại. Sau này lớn lên, được đặt chân lên đủ các loại đường, nhưng tôi vẫn cho rằng, những con đường lát bằng gạch nghiêng nơi quê ngoại tôi vẫn đẹp nhất, thân thương nhất trần đời. Nó luôn gợi lên dáng dấp tảo tần của bà, của mẹ.
Mùa thu này tôi lại về quê ngoại, nơi xa xôi cách trở đò giang. Tôi về để lại được nghe tiếng trống làng vào đám đang rộn rã sân đình. Bà ngoại tôi mất lâu rồi. Nhưng nơi sinh ra bà vẫn còn đấy. Những con đường lát gạch vẫn còn đấy. Tông tộc họ hàng vẫn còn đấy. Người làng thân quen vẫn còn đấy. Có thể mẹ tôi hơi buồn, bởi những kỷ niệm thời xa xưa của mẹ mỗi ngày thêm mai một. Nhưng đó lại là quy luật tất yếu của cuộc sống. Cái nền của ngày hôm qua sẽ nâng đỡ những cái đẹp của tương lai. Như những con đường lát gạch của bà, của mẹ năm xưa là hồn cốt của con đường trải nhựa, trải bê tông hôm nay.
Nguyễn Sỹ Đoàn (Ảnh: Internet)
Theo