Chủ nhật 10/11/2024 12:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Nền tảng pháp lý tạo động lực cho sự chuyển mình mới của thị trường bất động sản

18:26 | 15/03/2024

(Xây dựng) - Sáng 15/3 tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES) phối hợp tổ chức sự kiện thường niên: Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ IV và Lễ vinh danh thương hiệu bất động sản dẫn đầu năm 2023 - 2024.

Nền tảng pháp lý tạo động lực cho sự chuyển mình mới của thị trường bất động sản
Nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phát biểu khai mạc.

Chương trình là sự kiện thường niên được diễn ra dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, kế thừa những kết quả tốt đẹp đã đạt được từ chương trình các năm trước. Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần thứ IV diễn ra dưới sự điều phối của TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cùng sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp bất động sản.

Tại Diễn đàn, các khách mời cùng nhau phân tích, đánh giá, thảo luận về những chủ đề đang nhận được nhiều sự quan tâm và đóng vai trò then chốt, gần như mang tính quyết định đối với sự phục hồi của thị trường bất động sản trong giai đoạn tới.

Đó là câu chuyện về nền tảng pháp lý tạo động lực cho giai đoạn chuyển mình mới của thị trường bất động sản, đặc biệt quan trọng là việc tổ chức thực hiện 3 bộ luật "xương sống" của thị trường và tháo gỡ vướng mắc trong các nghị định, thông tư có kịp thời hay không.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam chia sẻ: “Diễn đàn là không gian thảo luận, trao đổi khách quan, đa chiều, được tổ chức vào mùa Xuân hằng năm để nhìn lại thị trường một năm đã qua và có những nhận định, phân tích, dự báo về tình hình, diễn biến thị trường trong năm mới. Qua đó, đóng góp những kiến giải, đề xuất đối với các vấn đề còn tồn đọng của thị trường, góp tiếng nói giúp hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thị trường bất động sản Việt Nam an toàn, lành mạnh và bền vững hơn”.

Nền tảng pháp lý tạo động lực cho sự chuyển mình mới của thị trường bất động sản
Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ IV và Lễ vinh danh thương hiệu bất động sản dẫn đầu năm 2023 - 2024.

Điều phối Diễn đàn, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, thương hiệu và cạnh tranh nhận định: Đây là giai đoạn rất khó khăn đối với thị trường bất động sản, vì vậy những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành trong thời gian qua là rất lớn, lớn hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng năm 2013. Từ đó, diễn đàn ngày hôm nay sẽ có những trao đổi thẳng thắn, chân thành để có những ý kiến đóng góp cho sự hồi phục và phát triển của thị trường bất động sản nói chung và doanh nghiệp nói riêng trong giai đoạn tới.

Tại Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội đã trình bày tham luận về “Nền tảng pháp lý: Động lực cho giai đoạn chuyển mình của thị trường bất động sản”. Theo đó, việc hoàn thiện 3 bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản là thành quả chung và là sự nỗ lực rất lớn của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, toàn dân trong gần 2 năm góp ý, chỉnh sửa hoàn thiện việc xây dựng luật. Ông Tuyến bày tỏ hy vọng những tháo gỡ về pháp lý sẽ nhanh chóng được thực hiện, phát huy tác dụng giúp cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2024 và những năm sau sẽ khởi sắc, mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực hơn.

LS.TS. Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO cho hay, theo quan điểm của thị trường, nhà ở vừa túi tiền sẽ có mức giá cho căn hộ hoàn thiện cơ bản là dưới 1.000 USD/m2, nghĩa là căn hộ 2 phòng ngủ 65m2 có giá khoảng 65.000 USD tương đương 1,6 tỷ đồng, khoảng 25 triệu đồng/m2, tuy nhiên theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, có một thực tế là căn hộ chung cư với mức giá này gần như đã "tuyệt chủng" ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện "chuẩn" giá nhà bình dân tại 2 thành phố này đã nâng lên 20-30%, ở mức 2 tỷ - 2,4 tỷ đồng/căn. Vấn đề nhà ở vừa túi tiền là vấn đề nóng bỏng mà chúng ta cần giải quyết.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, năm 2021, Nhà nước đưa ra Nghị quyết thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội nhưng sau đó năm 2021 - 2022 lại không có một giao dịch nào. Theo ông Hải nhận định, vấn đề cốt lõi là những ưu đãi về nhà ở xã hội như phê duyệt dự án, phê duyệt phương án thiết kế, đối tượng người mua, quy mô dự án, giá bán còn rất phức tạp.

Tại Diễn đàn cũng đã diễn ra phiên Đối thoại cấp cao thảo luận về 2 vấn đề nổi cộm trên thị trường hiện nay. Một là câu chuyện thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác.

Nền tảng pháp lý tạo động lực cho sự chuyển mình mới của thị trường bất động sản
Phiên Đối thoại cấp cao tại Diễn đàn.

Hai là vấn đề cơ cấu lại sản phẩm trên thị trường bất động sản hướng đến nhu cầu thực gắn với không chỉ phát triển nhà ở xã hội, mà còn cả nhà ở thương mại giá bình dân… Các chuyên gia, khách mời thảo luận về chính sách phát triển nhà ở xã hội trong Luật Đất đai 2024 và những vấn đề đặt ra; kinh nghiệm quốc tế, đề xuất mô hình phát triển nhà ở thương mại giá bình dân. Qua đó, đề xuất chính sách, giải pháp thiết thực để phát triển 2 phân khúc sản phẩm này, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Lê Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load