(Xây dựng) - Hàng loạt bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng, than, xây dựng trạm trộn bê tông rộng hàng chục nghìn m2 hoạt động nhiều năm không phép tại xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách (Hải Dương) nhưng không hề bị xử lý.
Toàn cảnh bến bãi, trạm trộn bê tông hoạt động không phép tại xã Hiệp Cát. |
Người dân xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách (Hải Dương) phản ánh nhiều diện tích đất thầu khoán ở khu vực bến Lấu do UBND xã Hiệp Cát cho các hộ dân thuê để trồng cây hoa màu nay đã biến thành bến, bãi tập kết nguyên vật liệu, bãi than, xây trạm trộn bê tông... mà không được sự đồng ý của cơ quan chức năng. Những bến bãi này đã tồn tại nhiều năm nhưng không hề bị chính quyền xử lý.
Ông Mạnh – một người dân ở thôn Lấu Khê, xã Hiệp Cát cho biết, toàn bộ khu vực bến Lấu ngày trước là diện tích đất trồng cây hoa màu UBND xã cho các hộ dân thầu khoán. Nhưng không hiểu tại sao nhiều năm trở lại đây mọc lên hàng loạt những bãi cát khổng lồ, trạm trộn bê tông, bãi than rồi có cả chỗ để rửa cát nữa. Trong khi đó người dân muốn xây một cái chòi để đồ như cuốc, xẻng dụng cụ làm đồng cũng không được. “Xe chở cát, sỏi, bê tông toàn là những xe tải trọng lớn, đi lại liên tục cuốn theo bụi cát mù mịt bay vào nhà dân, xuống khu vực trồng màu của bà con làm ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông”, ông Mạnh bức xúc nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng tại khu vực bến Lấu, xã Hiệp Cát vào những ngày đầu tháng 8/2023, diện tích các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng lên đến hàng chục nghìn m2. Đường dẫn vào bãi gập ghềnh ổ voi, ổ gà nên việc đi lại rất khó khăn. Đi thẳng từ ngoài vào bên phải là khu vực trạm trộn bê tông, sâu vào trong là bãi tập kết than và nơi để rửa cát.
Nhìn từ trên cao xuống thấy khu vực trạm trộn bê tông và bãi than không hề thấy bể lắng để xử lý nước thải mặt. Không rõ nước rửa cặn bê tông, nước từ các bãi than, nước rửa cát chảy đi đâu hay bị xả thẳng ra môi trường?
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Hiệp Cát cho biết, toàn bộ bến bãi ngoài khu vực bến Lấu là đất mà UBND xã cho các hộ thuê thầu khoán để trồng cây hoa màu. Trong đó, hộ nhà ông Đoàn Bá Mát thuê diện tích 5.130m2 ông Đoàn Bá Bình thuê diện tích 1.050m2, ông Nguyễn Văn Mạnh thuê diện tích 4.950m2. Hiện đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Hải Dương đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản. UBND xã cũng đã nhiều lần kết hợp với Hạt Quản lý đê huyện Nam Sách lập biên bản vi phạm và gửi báo cáo lên UBND huyện Nam Sách để xử lý.
Khu trạm trộn bê tông có nước màu trắng đục chảy thẳng ra sông. |
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh có khoảng 47% bến bãi đang hoạt động không có chứng nhận đầu tư. Một số bến bãi hoạt động sai mục đích, sai giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hơn 48% số bến bãi hoạt động không có thủ tục hợp pháp về đất. Nhiều bến bãi sử dụng đất quá diện tích được cấp, hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Nhiều bến bãi không có giấy phép hoặc giấy phép hoạt động bến thủy nội địa hết hạn, sử dụng phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm để vận chuyển cát, sỏi. Không ít bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, tài nguyên, khoáng sản không rõ nguồn gốc…
Việc các bến bãi, trạm trộn bê tông ngang nhiên hoạt động không phép trong một thời gian dài khiến người dân bức xúc, hoài nghi về năng lực quản lý, tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn huyện Nam Sách.
Văn Đạt – Vị Thủy
Theo