Chủ nhật 10/11/2024 15:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Nam Định: Cần làm rõ những “bất thường” và truy đến cùng trách nhiệm người đứng đầu ngành Giáo dục huyện Ý Yên

18:08 | 18/05/2023

(Xây dựng) - Là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nhưng ông Phạm Mạnh Tuân lại vướng vào hàng loạt “lùm xùm”, phản ánh nhiều vấn đề tiêu cực từ thuộc cấp. Đặc biệt, là các vấn đề liên quan đến tuyển dụng biên chế và tài chính, mua sắm hàng hóa liên quan đến cấp học mầm non trên địa bàn huyện Ý Yên.

Nam Định: Cần làm rõ những “bất thường” và truy đến cùng trách nhiệm người đứng đầu ngành Giáo dục huyện Ý Yên
Trụ sở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

“Bàn tay” quyền lực tác động vào tuyển dụng biên chế?

Sự việc một giáo viên mầm non đang công tác ổn định bị người đứng đầu ngành Giáo dục và đào tạo đầy “quyền lực” của huyện Ý Yên gọi lên phòng làm việc trách mắng, rồi bỗng dưng bị gắn mác trúng tuyển biên chế là do có sự “nâng đỡ” nhưng không biết điều, kèm theo hàng loạt các lời “gợi ý”, dọa nạt đã gây rúng động vùng quê yên bình, khiến dư luận địa phương bức xúc, phẫn nộ.

Theo đó, cô T (tên nhân vật đã được thay đổi), giáo viên một trường mầm non trên địa bàn huyện Ý Yên bị ông Phạm Mạnh Tuân gọi riêng lên phòng làm việc quở trách do sống không biết điều và cho rằng, cô trúng tuyển không phải do thực lực mà có sự “giúp đỡ” của ông Tuân.

Mặc dù khẳng định được trúng tuyển là có sự cố gắng, nỗ lực của bản thân nhưng sau màn hỏi thăm, kể công lao, câu chuyện giữa ông Tuân và cô giáo này lại đầy ẩn ý khi ông Tuân liên tục yêu cầu cô này không được a dua với ai, chú ý cách ăn nói, cư xử và ông Tuân cũng không quên gửi đi thông điệp khi nhắc đi nhắc lại việc mình là chủ khảo trong kỳ thi, thực hiện các chỉ đạo, tác động giúp đỡ, đồng thời ông Tuân răn đe, đề cập đến việc người giáo viên có muốn chuyển sang trường xa nhà để công tác hay không?

Ngay sau buổi gặp mặt, cô T đã gặp rất nhiều khó khăn từ các cấp quản lý và đồng nghiệp trong quá trình công tác tại trường.

Bên cạnh đó, nhiều cán bộ đang công tác trong lĩnh vực giáo dục mầm non trên địa bàn huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định phản ánh, phàn nàn về việc ông Phạm Mạnh Tuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện có dấu hiệu thể hiện lạm quyền, trục lợi.

Bởi dưới sự quản lý, điều hành của ông Phạm Mạnh Tuân, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ý Yên ban hành nhiều văn bản rất “bất thường” khi yêu cầu các cơ sở giáo dục, các cán bộ giữ chức danh quản lý tại các cơ sở giáo dục, kế toán tham gia các khóa tập huấn về tài chính hoặc thông báo có lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên do Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) và Công ty TNHH Xây dựng và Tư vấn đào tạo Thăng Long tổ chức, trong khi đó các hoạt động này đều thu kinh phí.

Cụ thể, ngày 02/3/2021, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) - địa phương cách xa Nam Định hàng trăm km ban hành thông báo về việc hoàn thiện thủ tục hồ sơ - học phí - lớp Bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Kinh phí cho hoạt động là 2,5 triệu đồng/học viên/chứng chỉ, địa điểm đăng ký nộp hồ sơ và tiền tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ý Yên.

Ngay sau đó, ngày 03/3/2021, ông Phạm Mạnh Tuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ý Yên ban hành ngay Văn bản số 110/PGD&ĐT gửi Hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở cử đại diện nộp hồ sơ và kinh phí học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Ông Tuân còn “sốt sắng” yêu cầu các trường đăng ký danh sách, nộp kinh phí tuy nhiên, theo cán bộ của một trường mầm non cho biết, đến nay khóa học này vẫn bặt vô âm tín, còn khoản đã thu không biết “đi đâu về đâu”.

Mới đây, ngày 23/3/2023, Công ty TNHH Xây dựng và Tư vấn đào tạo Thăng Long (tầng 11, tòa nhà Licogi 13, số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội) đã đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ý Yên tập huấn kiến thức mới trong quản lý, tài chính, tài sản kế toán năm 2023 với thời gian trong 3 ngày, kinh phí 1,2 triệu đồng/học viên.

Vẫn “sốt sắng” và nhanh chóng như thường thấy, sau khi thống nhất với Phòng Tài chính - Kế hoạch, ngày 27/3/2023, ông Phạm Mạnh Tuân ký ban hành Văn bản số 118/PGDĐT gửi Hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở trong huyện yêu cầu đi học tập huấn Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và quản lý tài chính, tài sản cho chủ tài khoản và kế toán các trường.

Thành phần gồm Hiệu trưởng và kế toán đối với khối Tiểu học và Trung học cơ sở; Hiệu trưởng và giáo viên phụ trách kế toán kiêm nhiệm đối với khối mầm non. Thời gian tập huấn từ ngày 31/3 đến ngày 01/4/2023. Kinh phí được lấy từ nguồn ngân sách được cấp của Nhà trường.

Văn bản do ông Phạm Mạnh Tuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo ký ban hành được gửi đến các cơ sở giáo dục trong sự “ngỡ ngàng” của các cấp quản lý. Bởi lẽ, ngoài tiến trình học tập dồn dập về thời gian, lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, Công ty TNHH Xây dựng và Tư vấn đào tạo Thăng Long lại doanh nghiệp nào mà khiến ông Phạm Mạnh Tuân phải nhanh nhảu ký văn bản đôn đốc nhanh đến vậy? Việc tổ chức các khóa học ngoài sự thống nhất của Phòng Tài chính - Kế hoạch, có được sự chấp thuận, đồng ý của Huyện ủy, UBND huyện hay không? Đơn vị tổ chức có đầu đủ tư cách pháp nhân, pháp lý hay không? Trong khi đó, với 30/30 xã của huyện thì số lượng Hiệu trưởng và phụ trách kế toán tham gia là rất lớn kéo theo tiền ngân sách lên hàng trăm triệu đồng chi trả cho khóa học này?

Ngoài ra, ông Phạm Mạnh Tuân với tầm nhìn của nhà giáo dục lại ký văn bản cắt ngắn chương trình thời gian học xuống còn 2 ngày. Tuy nhiên, thực tế, có ý kiến cho rằng, hoạt động tập huấn thực tế chỉ có 1,5 ngày và việc truyền đạt nội dung cho người tham dự là có vấn đề, không tiếp thu được hết nội dung chương trình. Vậy, trách nhiệm của ông Phạm Mạnh Tuân ở đâu trong vụ việc này? Căn cứ vào đâu để ông Tuân cắt giảm thời gian tổ chức tập huấn? Có hay không việc gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước trong vụ việc này?

Nhiều bất cập trong mua sắm hàng hóa, thiết bị giáo dục cấp mầm non của huyện Ý Yên

Theo tài liệu phóng viên thu thập được, chỉ tính riêng trong năm 2022, hàng loạt các trường mầm non ký kết Hợp đồng kinh tế mua bán hàng hóa, trang thiết bị phục vụ dạy học với với bà Lâm Thị Hải Yến (MST 0600695603), địa chỉ khu E, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định với tổng giá lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nam Định: Cần làm rõ những “bất thường” và truy đến cùng trách nhiệm người đứng đầu ngành Giáo dục huyện Ý Yên
Nam Định: Cần làm rõ những “bất thường” và truy đến cùng trách nhiệm người đứng đầu ngành Giáo dục huyện Ý Yên
Bản Hợp đồng kinh tế được ký kết giữa một cơ sở giáo dục mầm non và bà Lâm Thị Hải Yến.

Đáng nói, Hợp đồng kinh tế giữa các trường đều do các Hiệu trưởng ký kết với nội dung rất sơ sài, chủ yếu tên thiết bị, số lượng, đơn giá, thành tiền, tổng tiền.

Nhãn hiệu sản phẩm, tên nhà sản xuất, tính năng, chất lượng của sản phẩm lại không hề được đề cấp đến. Trong khi đó, cấp học sử dụng lại là mầm non - cấp học cho nhóm trẻ nhỏ nhất trong hệ thống giáo dục.

Hoạt động mua sắm này có được Huyện ủy, UBND huyện Ý Yên quan tâm hay không khi mà đối tượng sử dụng các sản phẩm này là học sinh mầm non? Tại sao không tổ chức đấu thầu công khai, rộng rãi để lựa chọn nhà cung cấp có năng lực, uy tín cung cấp các thiết bị giáo dục? Tại sao hàng trăm triệu đồng mua sắm hàng hóa tại các trường mầm non trong huyện lại dễ dàng chảy về tay bà Lâm Thị Hải Yến - một hộ kinh doanh cá thể có địa chỉ kinh doanh cách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ý Yên có vài chục mét? Có hay không định hướng, chỉ định mua hàng hóa từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ý Yên trong vụ việc này? Nếu các sản phẩm do bà Lâm Thị Hải Yến cung cấp có vấn đề về chất lượng, ảnh đến tính mạng, an toàn cho sức khỏe cho học sinh mầm non thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo huyện Ý Yên cho biết, ông Phạm Mạnh Tuân thuộc diện trường hợp sắp hết nhiệm kỳ đang chuẩn bị đi luân chuyển khác thì có ý kiến như vậy. Các vấn đề này phía Ủy ban đang xem xét các phản ánh, nhưng chưa có thông tin chính thống, cụ thể. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin sau.

Đối với các dấu hiệu “bất thường” xảy ra trong ngành Giáo dục và Đào tạo tại huyện Ý Yên, đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định, Huyện ủy, UBND huyện Ý Yên cần khẩn trương vào cuộc, thanh tra, kiểm tra, giải quyết dứt điểm, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm (nếu có), đặc biệt là các vấn đề trong tuyển dụng, tài chính, mua sắm trang thiết bị, hàng hóa như đã phản ánh ở trên.

Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” lần thứ tư, năm 2022 - 2023 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

http://mattran.org.vn/chuong-trinh-phoi-hop/the-le-giai-bao-chi-toan-quoc-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-lan-thu-tu-nam-2022-2023-44708.html

Công Sáng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load