(Xây dựng) – Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nhân lực ngành Công nghiệp vật liệu xây dựng. Tình hình mới yêu cầu lao động trong ngành phải đổi mới để thích nghi, nâng cao kỹ năng để có thể cạnh tranh và phát triển, nhất là khi máy móc tự động hóa ngày càng được sử dụng nhiều hơn.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng rất lớn mọi lĩnh vực, bao gồm cả ngành Vật liệu xây dựng (Nguồn: Internet). |
Nguồn nhân lực vẫn luôn là nhân tố trung tâm có tính chất quyết định sức mạnh, năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia trong bất kỳ thời đạo nào. Chính vì vậy, nhiệm vụ nghiên cứu quy mô, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là hết sức quan trọng và cần thiết đối với bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào. Ngành công nghiệp vật liệu dĩ nhiên cũng không phải là ngoại lệ.
Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả các lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội và tạo ra sự thay đổi lớn trong phương thức sản xuất. Việc áp dụng máy móc tự động hoá hay robot trong những công việc truyền thống có tính chu kỳ sẽ dẫn tới việc phải cắt giảm lao động ở một số công đoạn nhất định. Do đó, người lao động trong thời đại mới sẽ phải tìm cách trau dồi kỹ năng để thích ứng với sự thay đổi và phát triển hơn nữa.
Trong Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/08/2020 phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo đó, giải pháp trọng tâm để thực hiện nhiệm vụ này là chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp; đào tạo đội ngũ chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn cao; đào tạo nhân viên kỹ thuật và đội ngũ công nhân lành nghề, có khả năng nắm bắt công nghệ mới, làm chủ dây chuyền sản xuất hiện đại, chủ động trong công tác thiết kế, phát triển sản phẩm mới; đào tạo đội ngũ nhân viên kinh doanh có trình độ, kỹ năng, có khả năng hội nhập quốc tế.
Thực tế cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành Xây dựng nói chung và ngành Vật liệu xây dựng nói riêng ở Việt Nam vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Mặc dù chưa có thống kê chính thức về chất lượng đào tạo và tỷ lệ lao động qua đào tạo Đại học, Cao đẳng có việc làm, nhưng thực tiễn cho thấy, hất lượng của đội ngũ lao động tốt nghiệp các trường vẫn chưa theo kịp nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp thậm chí phải mở thêm cơ sở đào tạo người lao động theo từng chuyên đề và chuyên ngành riêng để phục vụ cho nhu cầu công việc của chính họ. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn xây dựng hẳn một nguồn lực để đầu tư cho công nhân tham gia các chương trình trao đổi, hợp tác với nước ngoài về đào tạo nhân lực.
Mặt khác, khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 càng phát triển mạnh mẽ thì số lượng người lao động bị dư thừa sẽ càng tăng lên. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ cũng yêu cầu những người lao động còn việc làm phải nâng cao năng lực, làm quen với những kỹ năng mới để có thể đáp ứng những yêu cầu công việc mới trong thời kỳ tự động hóa ngày càng phổ biến trong các công xưởng sản xuất.
Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là xu thế tất yếu để người lao động Việt Nam nói chung và lao động trong ngành Xây dựng, Vật liệu xây dựng nói riêng có thể cạnh tranh việc làm trong thời gian tới.
Người lao động trong ngành Vật liệu xây dựng sẽ phải đổi mới và nâng cao kỹ năng để thích ứng với những yêu cầu công việc mới trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 (Nguồn: Internet). |
Vậy ngành Vật liệu xây dựng sẽ có giải pháp nào để phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0? Theo các chuyên gia, ngành Xây dựng có thể áp dụng một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về giáo dục và đào tạo nghề nghiệp; đổi mới thể chế, chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục và đào tạo nghề; khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa. Đây là trách nhiệm của tất cả mọi người, từ Nhà nước cho tới cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và cả bản thân người lao động.
Thứ hai, thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề cho người lao động có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới.
Trong đó, các cơ sở giáo dục cần tập trung thúc đẩy đào tạo theo nhu cầu của thị trường, đặc biệt là đẩy mạnh gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và hình thành cơ sở đào tạo trong các doanh nghiệp.
Điều này sẽ giúp hai bên chia sẻ các nguồn lực chung như cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực và quan trọng hơn là rút ngắn thời gian chuyển giao từ kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống.
Thứ ba, tổ chức hệ thống thông tin thị trường lao động, duy trì việc làm cho người lao động và đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động để thích ứng với những yêu cầu mới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cấu trúc của thị trường lao động.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm học hỏi kinh nghiệm các quốc gia trong việc phát triển nguồn nhân lực thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Dịch Phong
Theo