(Xây dựng) - Khi mua bất kỳ một tài sản nào, người mua cũng phải chuẩn bị đầy đủ tài chính để chủ động trong mọi tình huống. Vậy nếu mua chung cư cũ thì người mua phải biết những khoản tiền nào có thể phát sinh?
Một số khoản tiền phải nộp khi mua lại chụng cư cũ. |
Tiền mua bán chung cư cũ
Đây là khoản tiền đầu tiên mà mọi người mua phải chuẩn bị sẵn sàng. Nếu chưa có đủ tiền trả cho bên bán, người mua sẽ đặt cọc một khoản tiền nhỏ để “làm tin” cho giao dịch mua bán.
Theo quy định của Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015, các bên hoàn toàn có thể tự mình ký hợp đồng đặt cọc mà không cần phải công chứng, chứng thực.
Tuy nhiên, khi muốn đảm bảo tính pháp lý cũng như cần có bên thứ ba làm chứng khi đặt cọc, các bên vẫn nên đến một tổ chức hành nghề công chứng để đặt cọc. Nếu các bên đến văn phòng/phòng công chứng để đặt cọc thì sẽ mất thêm phí công chứng hợp đồng đặt cọc.
Do hợp đồng đặt cọc được tính phí công chứng theo tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng theo Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC nên người mua phải nộp tiền phí công chứng hợp đồng đặt cọc gồm phí công chứng và thù lao công chứng cho tổ chức hành nghề công chứng theo tỷ lệ giá trị căn hộ chung cư mua bán.
Phí công chứng hợp đồng mua bán chung cư
Căn cứ tại Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014, mua bán nhà ở thương mại phải công chứng trừ trường hợp nhà chung cư này thuộc sở hữu Nhà nước hoặc là nhà ở xã hội, nhà tái định cư hoặc có một trong các bên là công ty kinh doanh bất động sản (căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 8 Nghị định 02/2022/NĐ-CP).
Cũng giống như hợp đồng đặt cọc mua bán chung cư, khi công chứng hợp đồng mua bán chung cư, người mua và người bán phải thoả thuận người phải nộp phí công chứng. Trong đó, chi phí công chứng sẽ bao gồm:
- Phí công chứng: Được quy định theo tỷ lệ phần trăm giá trị của căn hộ chung cư và biểu phí nêu tại Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC.
- Thù lao công chứng: Do người mua, người bán và tổ chức hành nghề công chứng thoả thuận nhưng không được vượt quá mức trần của từng tỉnh (căn cứ khoản 2 Điều 67 Luật Công chứng).
Phí sang tên sổ đỏ
Sau khi thực hiện công chứng hợp đồng mua bán chung cư, người mua sẽ phải nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để xin cấp sổ đỏ mang tên mình và các khoản tiền phí phải nộp khi sang tên sổ đỏ gồm:
- Phí thẩm định hồ sơ: Thông tư 85 năm 2019 của Bộ Tài chính quy định khi sang tên nhà, đất, Hội đồng nhân dân quy định cụ thể phí thẩm định hồ sơ và mức phí này dao động từ 500.000 - 5 triệu đồng.
- Phí cấp bìa sổ đỏ: Phí cấp bìa sổ đỏ sẽ do từng địa phương quy định. Thông thường là 100.000 đồng/giấy/lần cấp.
Công thức tính lệ phí trước bạ khi mua chung cư là:
Lệ phí trước bạ = Tỷ lệ thu lệ phí trước bạ x giá tính lệ phí trước bạ
Trong đó:
- Tỷ lệ thu lệ phí trước bạ: Căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị định 10/2022/NĐ-CP, mức thu lệ phí trước bạ khi mua bán chung cư là 0,5%.
- Giá tính lệ phí trước bạ: Giá tính lệ phí trước bạ với nhà do UBND tỉnh ban hành tại thời điểm kê khai.
Lưu ý: Giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà chung cư bao gồm cả giá trị đất được phân bổ. Và giá này được xác định bằng giá đất tại bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành x hệ số phân bổ tại Nghị định 53/2011/NĐ-CP (theo điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định 10/2022).
Công thức tính thuế thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân = 2% x giá chuyển nhượng
Giá chuyển nhượng là giá ghi trên hợp đồng mua bán căn hộ chung cư tại thời điểm mua bán. Nếu hợp đồng ghi giá thấp hơn giá Nhà nước hoặc không ghi giá thì căn cứ tính thuế là giá Nhà nước.
Đây là khoản thuế mà bên bán phải nộp vì có phát sinh thu nhập từ việc mua bán tài sản. Tuy nhiên, thực tế, khi làm sang tên sổ đỏ, các bên sẽ thoả thuận khoản thuế này bên mua sẽ nộp luôn và có thể trừ thẳng số tiền phải nộp vào giá mua bán căn hộ chung cư.
Đỗ Quang
Theo