Thứ bảy 21/09/2024 02:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Mỏ than Nam Mẫu (Quảng Ninh): Vì sao công nhân bỏ chung cư đi thuê trọ?

15:13 | 28/03/2022

(Xây dựng) - Hiện, không ít công nhân Công ty than Nam Mẫu - TKV bỏ chung cư ra ngoài thuê nhà trọ khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao chung cư Mỏ công nhân lại chê không ở, vậy có lãng phí quỹ đất đô thị và ngân sách không?

mo than nam mau quang ninh vi sao cong nhan bo chung cu di thue tro
Khu chung cư của mỏ than Nam Mẫu gồm 4 tòa nhà cao 9 tầng, tổng số 224 căn hộ, xây dựng ở khu Phú Thanh Tây, phường Yên Thanh, thành phố Uông Bí.

Công ty than (mỏ) Nam Mẫu - TKV có 4 tòa nhà chung cư cao 9 tầng, tổng số 224 căn hộ, công suất tối đa khoảng 800 người ở. Hiện có 500 công nhân ở, trong đó có 80 người của 20 hộ gia đình và 420 công nhân độc thân, tỷ lệ lấp đầy là 62,5%. Khi cao điểm (chưa có dịch Covid-19) cũng chỉ đạt 87,5%, còn lại bỏ không hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Một vị lão thành của ngành Xây dựng Quảng Ninh chia sẻ với lãnh đạo Báo điện tử Xây dựng: Nên xem xét lại hiệu quả đầu tư xây dựng và quản lý khai thác nhà chung cư của Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, cụ thể là tình trạng công nhân Công ty than Nam Mẫu - TKV bỏ chung cư mỏ xây dựng rất tốn kém ra ngoài thuê nhà trọ ở.

Phóng viên Báo điện tử Xây đã thực tế, 4 tòa nhà chung cư cao 9 tầng của mỏ than Nam Mẫu, sử dụng hàng ha đất tại khu Phú Thanh Tây, phường Yên Thanh, Trung tâm của thành phố Uông Bí, nơi “tấc đất, tấc vàng”. Công trình xây dựng bên trong thì “trong bất xuất, ngoại bất nhập” bởi tứ diện các cổng ra vào chung cư đều cửa đóng then cài, mỏ còn cẩn thận cho rào thêm lớp kẽm gai sắc nhọn, trông như căn cứ quân sự thời chiến tranh.

Thấy khách lạ quan tâm đến công tác quản lý của chung cư này, anh Nguyễn Văn N bán hàng nước ở cổng chính chia sẻ: Em nói khách quan, nhà ở cho thợ mỏ ở đây tường cao, chăng dây thép gai cách bức với bên ngoài nhìn đã thấy phản cảm, nó như là trại lính. Người thợ mỏ vào ca xuống lò sâu thì đêm cũng như ngày, lòng đất âm u. Tan ca cần hưởng thụ tự do, một nguyện vọng chính đáng của thợ mỏ không được đáp ứng bởi cơ chế quản lý ngặt nghèo, tiếp xúc với xã hội rất khó bởi ra vào chung cư bị kiểm soát như qua cửa khẩu biên giới.

Anh N nói thêm, lãnh đạo mỏ tập trung chỉ đạo sản xuất than, giao nhiệm vụ cho bộ phận Văn phòng quản lý điều phối. Nhưng văn phòng thì chủ quan, tính gộp mỏ bao nhiêu công nhân có nhu cầu nhà ở thì chia đều 2-3 người một phòng, mà không cặn kẽ và linh hoạt xếp sắp đối tượng ở cho phù hợp.

Cứ 2 người một phòng (đôi khi là 3 người một phòng) 2 người 2 quê, nét văn hóa khác nhau, lại khác nhau về lứa tuổi, cá tính cũng khác nhau… mà ăn ở gán ghép như vậy rất bất tiện… Chưa kể nhiều đôi vốn không đoàn kết, còn thù ghét nhau buộc chung sống trong một căn phòng nhỏ thì phải tự giải phóng mình là lẽ đương nhiên.

Anh Bùi Văn Xẹng, công nhân công trường khai thác số 7 (KT7), quê ở huyện Lạc Thủy, Hòa Bình cho biết: Các căn hộ thường là ghép đôi trở lên. Hai người không làm cùng ca khi anh này vừa chợp mắt, thì anh kia tan ca trở về gõ cửa vào phòng. Đương nhiên phải thức dậy mở cửa cho bạn, bạn còn bếp núc ăn uống, điện thoại gây tiếng động, vô tình bạn mình mất giấc ngủ không đảm bảo sức khỏe xuống lò.

Các anh biết rằng ở chung cư căn hộ tiện nghi có ti vi, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, còn trang bị dụng cụ bếp núc mà mỗi tháng chỉ phải đóng 150.000 đồng tiền chi phí, nếu thuê nhà trọ bên ngoài giá rẻ cũng phải mất 500.000 - 750.000 đồng/người, điện nước tính tiền riêng, nhưng họ cũng phải rứt ruột ra đi để được tự do sinh sống.

Chung cư Mỏ công nhân chê không ở sơ bộ được trả lời là vì sự tắc trách trong công tác quản lý, việc khắc phục không khó nhưng mỏ vẫn để tồn tại.

Báo điện tử Xây dựng tiếp tục thông tin.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load