Thứ sáu 08/11/2024 22:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

13:48 | 04/08/2022

(Xây dựng) – Với DN sản xuất xi măng, đây là giai đoạn khó khăn chồng chất, áp lực từ việc tăng giá và thiếu nguồn cung ứng than; cộng giá nguồn nguyên nhiên liệu đầu vào tăng; trong khi tiêu thụ, ở cả nội địa và xuất khẩu, đều giảm.

lua thu vang gian nan thu suc
Cảng xuất hàng Công ty Xi măng Hoàng Thạch.

Tiêu thụ nội địa giảm

Hiện cả nước có 87 dây chuyền sản xuất, với tổng công suất 105 triệu tấn; dự kiến, năm 2022 sẽ có thêm 3 dây chuyền mới đi vào vận hành, với công suất 8,8 triệu tấn. Thời gian qua, một số nhà máy đã cải tạo chiều sâu, tăng năng suất, tổng lượng sản xuất lên đến gần 110 triệu tấn, thị trường xi măng cung vượt cầu, nay thêm khốc liệt hơn.

Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong tháng 7/2022, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng chỉ đạt 5,95 triệu tấn, giảm 27% so với tháng 7/2021. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 4,85 triệu tấn (VICEM tiêu thụ khoảng 1,75 triệu tấn). Tính chung trong 7 tháng năm 2022, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt 54,99 triệu tấn, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 36,84 triệu tấn, giảm 3% cùng kỳ năm 2021.

Hiện tồn kho cả nước 7 tháng năm 2022 khoảng 5,9 triệu tấn, tương đương từ 25 - 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.

Theo các chuyên gia, tiêu thụ xi măng nội địa giảm do xây dựng dân dụng giảm, tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 30/6 là 148.836,03 tỷ đồng, đạt 25,18% kế hoạch và đạt 27,46% kế hoạch Thủ tướng giao; ước thanh toán từ đầu năm đến 31/7 là 186.848,16 tỷ đồng, đạt 31,61% kế hoạch, đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (36,71%).

Với ngành Xi măng, “điểm rơi” tiêu thụ diễn ra vào Tết Nguyên đán và mùa mưa. Bước vào mùa mưa và tháng 7 âm lịch nên người dân ít khởi công xây dựng thời điểm này. Năm nay, giá bán xi măng và các nguyên vật liệu, đặc biệt là giá thép tăng mạnh nên nhiều người dân chọn lùi thời điểm xây nhà, đợi giá nguyên vật liệu hạ nhiệt. Do đó, tiêu thụ xi măng trong dân ảnh hưởng đáng kể.

Xuất khẩu khó khăn

Thị trường tiêu thụ nội địa không khả quan nhưng thị trường xuất khẩu xi măng còn “ảm đạm” hơn, khi tháng 7/2022 xuất khẩu ước đạt 1,1 triệu tấn, đưa con số xuất khẩu 7 tháng lên 18,15 triệu tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 10 thị trường xuất khẩu xi măng của Việt Nam thì Trung Quốc, Philippines - 2 thị trường xuất khẩu xi măng, clinker chính - đều có mức sụt giảm đáng kể. Cụ thể, tháng 4 lượng xi măng xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 1.221.564 tấn; đến tháng 5 sụt giảm chỉ còn 205.165 tấn; và tháng 6 chỉ còn 79.930 tấn. Nguyên nhân được xác định, do Trung Quốc duy trì chính sách Zero-Covid, thị trường BĐS suy giảm khiến sản lượng tiêu thụ xi măng tại Trung Quốc giảm mạnh. Là thị trường xuất khẩu xi măng lớn thứ 2 chỉ sau Trung Quốc, Philippines giảm nhập khẩu xi măng Việt Nam do vận tải biển khó khăn và giá cước tăng cao. Tháng 4, xuất khẩu xi măng sang Philippines đạt 934.307 tấn; tháng 5 con số này giảm còn 512.152 tấn; đến tháng 6 là 538.083 tấn.

Càng sản xuất càng lỗ

Tiêu thụ giảm, xuất khẩu giảm; cộng với khó khăn do giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá than tăng đột biến và khan hiếm, đã đẩy các DN sản xuất xi măng vào tình cảnh gian nan. Một quy luật tất yếu của thị trường; trong khó khăn chung, DN nào lớn, dây chuyền công nghệ hiện đại, tái cơ cấu và đổi mới sản xuất kinh doanh, tài chính vững thì DN đó thắng; DN nhỏ, công nghệ lạc hậu, tài chính yếu sẽ bị đào thải khỏi thị trường.

Theo TS Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, giá than tăng cao cộng giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng, đã khiến giá thành sản xuất xi măng tăng cao, lên đến hơn 1 triệu đồng/tấn. Nhiều DN càng sản xuất càng lỗ nên đã chủ động giảm sản lượng hoặc chủ động dừng sản xuất.

Để ngành Xi măng phát triển xanh, bền vững; xu hướng thế giới là thành lập các tập đoàn lớn đủ mạnh, giảm các đầu mối nhà máy nhỏ; ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kiên quyết không đầu tư các nhà máy công suất nhỏ.

Tiêu thụ giảm, xuất khẩu giảm; cộng với khó khăn do giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá than tăng đột biến và khan hiếm, đã đẩy các DN sản xuất xi măng vào tình cảnh gian nan.

Vũ Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load