(Xây dựng) - Công trình xanh hiện đang là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực xây dựng trên phạm vi toàn cầu, khi mà các công trình xây dựng ngày càng thể hiện trách nhiệm cao hơn với tài nguyên thiên nhiên, với môi trường, hệ sinh thái và với chất lượng cuộc sống con người. Theo đó, khu du lịch sinh thái Làng Nhỏ - Hồ Láng Nhớt là một công trình được KTS Nguyễn Mạnh Bình San xây dựng với tiêu chí “không tác động môi trường”.
Nằm ở xã Diên Tân, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, có một khu làng rộng gần 200ha mang tên Làng Nhỏ. Người “khai sinh” ra công trình lớn này là ông Nguyễn Mạnh Bình San – KTS, Nhà quy hoạch cảnh quan hàng đầu Việt Nam. |
Làng Nhỏ - Hồ Láng Nhớt là một khu du lịch dã ngoại thiên nhiên tiên phong trong mô hình Glamping và Pop-Up Resort đầu tiên tại Việt Nam. Nằm trong chuỗi du lịch thiên nhiên vận hành bởi Natural Life. Kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bình San - ông chủ của Làng Nhỏ, khi thiết kế và xây dựng Làng Nhỏ ông muốn chia sẻ về không gian sống bảo vệ thiên nhiên, không gian dành cho những người yêu thiên nhiên.
Làng Nhỏ ven hồ Láng Nhớt đẹp yên bình được bao quanh những cánh rừng bạt ngàn, những con suối mát lành chảy quanh. Công trình được bắt đầu xây dựng từ năm 2020 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2022 – nay. Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc xanh và thiết kế hiện đại đã tạo nên một Làng Nhỏ đặc sắc. Với lối thiết kế thân thiện với môi trường, đây là công trình được xây dựng không chỉ bằng tâm huyết; mà còn được ra đời bằng tình yêu thiên nhiên của kiến trúc sư Bình San.
Thiết kế nhà trung tâm uốn lượn bo theo địa hình, ẩn mình giữa rừng xanh bằng nhà mái cỏ. |
Sự khác biệt tạo nên một không gian độc đáo và đầy lôi cuốn từ du khách đến những người trong giới kiến trúc. Thiết kế nhà trung tâm uốn lượn bo theo địa hình, ẩn mình giữa rừng xanh bằng nhà mái cỏ. Sử dụng chất liệu hòa hợp địa hình như gỗ và đá chắc chắn. Ngôi nhà mái cỏ là thiết kế độc bản và duy nhất của KTS Nguyễn Mạnh Bình San.
Đặc biệt, Làng Nhỏ - Hồ Láng Nhớt tự hào với việc xây dựng và phát triển không gây tác động tiêu cực đến môi trường. Luôn đặt vấn đề bảo tồn và gìn giữ hệ sinh thái nguyên vẹn lên hàng đầu, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm một môi trường trong lành và bền vững. Với tất cả những triết lý từ khi dựng Làng đến nay, Làng Nhỏ dần chiếm điểm trong lòng du khách và trở thành điểm đến du lịch lý tưởng.
Làng Nhỏ được xây dựng chủ yếu bằng nguyên liệu gỗ và tre, không gian bên trong và phần mái nhà được phủ hoàn toàn bằng cây xanh nhằm thay thế cho các bức tường xi măng để mang đến không gian trong lành hơn. Đồng thời, nó cũng làm giảm bớt việc tiêu hao năng lượng sạch trong ngôi nhà.
Khi bước chân lên cầu gỗ, bạn sẽ cảm nhận được sự hòa mình với thiên nhiên xanh tươi của rừng đại ngàn. |
Tiêu chí khi xây dựng của ông San chính là việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng của tự nhiên, hạn chế tối đa việc gây ra hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường. Sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm tiêu hao. Gió và mặt trời là hai nguồn năng lượng thay thế hoàn hảo được ông San tận dụng để tạo ra điện lưới, đây là những nguồn năng lượng sạch, an toàn, tiết kiệm và góp phần bảo vệ môi trường. Hướng tới sử dụng các vật liệu xây dựng từ tự nhiên như tre, rơm đá, các sản phẩm không chứa chất độc hại, có thể tái sử dụng hoặc tái chế sau khi đã tháo gỡ công trình.
“Tuyệt tác thiên nhiên – Đỉnh cao dân dã” là mục tiêu mà ông San gửi gắm khi bắt đầu thi công xây dựng Làng Nhỏ. Là nhà quy hoạch cảnh quan hàng đầu Việt Nam, ông San có nguyên tắc khi xây dựng Làng đó là tuyệt đối không chặt cây, không xây dựng ồn ào. Ở Làng Nhỏ, tội lớn nhất chính là chặt cây; nên ngay cả thợ thuyền hay đội thi công, tất cả các cây lớn hơn 15cm nằm trong tuyến xây dựng đều được đánh dấu đỏ và phải được ông San xem xét và quyết định là chặt bỏ hay giữ lại.
Làng Nhỏ được xây dựng và khai thác kết hợp với bảo tồn, bù đắp, tái tạo cho thiên nhiên và có các phương án chống chọi với sự biến đổi của khí hậu, môi trường. Làng Nhỏ luôn đảm bảo các yếu tố: tiện nghi, trong lành, dễ chịu, lành mạnh phù hợp với văn hóa, tri thức, phong tục tập quán… Công trình cần giảm thiểu chất thải, tối ưu hóa trong việc vận hành và bảo trì cũng như tiếp tục kế thừa và phát huy các truyền thống quý báu của dân tộc nhưng vẫn đảm bảo hạn chế tác động tới thiên nhiên và môi trường.
Thác nước thiết kế với 3 tầng lọc tạo ra dòng nước trong suốt và sạch sẽ, 2 tầng lắng để loại bỏ tạp chất và đảm bảo chất lượng nước tốt nhất. |
Ông Nguyễn Mạnh Bình San chia sẻ: “Thế hệ của tôi là cố gắng xây dựng hoàn chỉnh trung tâm nghiên cứu chiến lược phát triển kiến trúc cảnh quan ở Làng Nhỏ - Khánh Hòa và hy vọng tương lai sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu chuyên ngành của tư nhân lớn nhất ở Đông Nam Á; làm cơ sở cho việc tập hợp, góp sức của những bộ óc kiệt xuất, những ước mơ, niềm đam mê cháy bỏng trong việc khắc tên kiến trúc Việt Nam trên bản đồ thế giới”.
Đối với ông San, nguyên tắc đầu bản trong việc kiến tạo cảnh quan môi trường sống là hạn chế tối đa tác động vào môi trường tự nhiên. Xây dựng công trình là tất yếu vì đó là không gian kiến trúc phải có để đáp ứng cho nhu cầu sống của con người, nhưng quan trọng là làm sao để xây dựng các công trình mà không tác động đến môi trường.
Những căn lều nằm trọn giữa lòng thiên nhiên. |
Giống như lời ông San chia sẻ: “Sống với thiên nhiên, không đơn giản là vào thiên nhiên sống, kiểu trào lưu bây giờ, cũng như các biến tướng, trá hình nhằm mục tiêu khác; mà phải là một kế hoạch, mô hình kinh tế bài bản, đầy đủ, phát triển có mục tiêu và bộ công cụ, hành trang đã được kiểm nghiệm, kiểm chứng, hoàn chỉnh. Từ đó tạo dựng ra cộng đồng làm đúng và phát triển thiên nhiên Việt Nam bền vững”.
Đoàn tham quan thực tế và có những trải nghiệm thú vị cùng ông chủ Làng Nhỏ. |
Hy vọng, rồi đây sẽ nhiều người có cơ hội thực hiện được mơ ước giữ gìn và phát triển thiên nhiên Việt Nam giá trị và bền vững cho tương lai.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Nguyễn Dương – Hàn Thủy
Theo