Thứ sáu 08/11/2024 05:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Làng đào Xuân Du

08:43 | 08/02/2024

(Xây dựng) - Từ nhiều năm nay, đào phai Xuân Du đã trở nên thân quen với mọi gia đình người dân xứ Thanh vào mỗi dịp Tết đến, xuân về. Cùng với những hình ảnh thân thương tự bao đời, sắc hồng phơn phớt của hoa đào Xuân Du luôn hiển hiện trong tâm trí của những người con tha hương trong dịp Tết cổ truyền.

Làng đào Xuân Du
Từ rằm tháng Chạp, đông đảo khách tìm về Xuân Du chọn mua những cây đào ưng ý nhất.

Xuân Du là một xã miền núi của huyện Như Thanh (Thanh Hóa), nằm ngay dưới chân dãy Ngàn Nưa hùng vĩ, có di tích đền Phủ Na nổi tiếng. Với địa hình, thổ nhưỡng phù hợp với giống đào phai năm cánh, từ khi “bén duyên” với vùng đất này, cây đào phai đã khiến cho vùng quê nông thôn mới Xuân Du, nơi “vựa đào” lớn nhất tỉnh ngày càng khởi sắc.

Để cung cấp cho thị trường những cây đào đẹp, rực rỡ hoa vào đúng dịp Tết cổ truyền. Từ giữa tháng 11 âm, người trồng đào nơi đây đã tất bật thức khuya, dậy sớm để chăm sóc vườn đào. Vào thời điểm này, ngoài việc chăm sóc, tưới nước, vun gốc, công việc quan trọng nhất là tuốt lá (có thể sớm hay muộn hơn ít ngày tùy thời tiết), khâu cuối cùng để cho đào ra hoa đẹp, tươi thắm nhất đúng vào ngày Tết cổ truyền.

Có mặt tại Xuân Du vào một ngày đầu tháng Chạp, mặc dù trời mưa rét do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhưng phóng viên vẫn được chứng kiến không khí lao động tất bật, khẩn trương của người dân nơi đây. Trên những vườn đào trải rộng bên chân núi Ngàn Nưa, trong đó có những vườn gồm những cây đào vài năm tuổi thân cành khẳng khiu, đang được tuốt sạch lá, vun gốc, có những khu vườn toàn đào lai ghép, gốc to bằng bắp chân người lớn, sần sùi mốc thếch, được cưa ngọn với nhiều cành, nhánh vươn lên chúm chím chồi non và những bông hoa nở sớm đang khoe sắc.

Tâm sự với chị Lê Thị Hoa (thôn 9) gia đình có 5 sào chuyên trồng đào ghép, chị Hoa cho biết, trước đây nhà chị chỉ có 2 sào trồng đào phai Xuân Du. Từ năm trước, nhận thấy đào ghép có giá trị kinh tế cao và khách hàng ngày càng ưa chuộng. Vợ chồng chị đã tìm mua những gốc đào to, lâu năm từ Sơn La (có giá trung bình 350.000 đ/gốc, tính cả cước vận tải), đem về lai ghép với giống bích đào Hà Nội, Hải Phòng, loại đào này sau hơn một năm lai ghép, chăm sóc sẽ cho hoa to từ 18 - 32 cánh, có màu hồng đậm. Chị Hoa cho biết, vườn đào của gia đình hiện có 300 gốc đào, trong đó một nửa mới được lai ghép, chăm sóc sẽ cho hoa vào Tết năm sau, số còn lại 150 gốc đang bắt đầu ra hoa và sẽ được cung ứng cho thị trường dịp Tết này. Với giá bán tại nhà (theo giá Tết năm ngoái) từ 1,8 triệu đ/gốc trở lên. Chị nhẩm tính dịp Tết này, gia đình sẽ thu được gần 300 triệu đồng, trừ chi phí và ngày công lao động, còn lãi khoảng 150 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại cây màu.

Cũng theo chị Hoa, trên địa bàn xã Xuân Du hiện nay, có khoảng gần một nửa diện tích đào được trồng giống đào lai ghép như nhà chị. Trong đó, có nhiều nhà vườn rộng, ngoài trồng đào còn nhận những cây đào cổ thụ, có giá lên tới vài chục triệu trở lên, do khách chơi Tết xong, chở đến gửi vào vườn của bà con nhờ chăm sóc để Tết năm sau quay lại lấy. Với mỗi cây đào khách gửi này, người chăm sóc nhận được khoảng 1,5 triệu đồng tiền công.

Làng đào Xuân Du

Phóng viên tiếp tục ghé thăm vườn đào phai của gia đình anh Trần Văn Sơn (thôn 8), dưới màn mưa phùn giăng mờ mịt, người nông dân này vẫn mặc áo mưa, đứng trên thang để tuốt lá trên phần ngọn của cây đào. Anh cho biết, tuốt lá là khâu quan trọng, quyết định thời điểm nở hoa của đào. Không như nhiều hộ khác, gia đình anh chỉ trồng mình loại đào phai bản địa trên 5 sào đất, được chia làm 2 vườn, mỗi vườn 200 cây và luân phiên mỗi năm một vườn đến kỳ xuất bán. Theo anh Sơn, đào phai Xuân Du 5 cánh, mỏng manh với màu phớt hồng truyền thống vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng, tuy giá không cao nhưng tiền đầu tư ít do tự ươm giống, không mất nhiều công chăm sóc. Thông thường giống đào này, trồng được 3 năm sẽ cho hoa. Về tiêu thụ, vào rằm tháng Chạp, thương lái quen sẽ về đặt tiền, mua cả vườn với giá từ 400.000 - 450.000 đ/ cây. Anh cho biết, gia đình anh trồng đào đến nay đã gần 10 năm, với nguồn thu bình quân mỗi năm khoảng 70 triệu đồng, cây đào đã mang lại cho gia đình anh thêm khoản thu nhập khá, đảm bảo cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn trước rất nhiều.

Theo lãnh đạo xã Xuân Du cho biết, toàn xã có 281 ha trồng đào, mang lại nguồn thu khoảng 70 - 80 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ trồng đào, cuộc sống và thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt. Đáng phấn khởi hơn, do mức sống được nâng cao, người dân càng có điều kiện và hăng hái tham gia góp công, góp của, hiến đất mở đường trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đưa Xuân Du trở thành một trong những xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao của huyện Như Thanh. Về hướng đi đối với việc trồng đào trong những năm tới, xã chủ trương không mở rộng diện tích, chỉ tập trung áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, thâm canh, mở rộng thị trường… từng bước nâng cao giá trị kinh tế của cây đào.

Lại một mùa Xuân nữa về với Xuân Du. Chỉ trong ít ngày tới, gần đến ngày rằm tháng Chạp, vùng quê trù phú, yên bình này sẽ lại tấp nập các thương lái tìm về đặt hàng. Ngoài các thương lái còn có không ít người mua đào từ TP Thanh Hóa, các huyện trong tỉnh ghé tới để chọn cho mình những gốc đào ưng ý nhất, hoặc các bạn trẻ tìm đến chụp ảnh check-in, lưu lại những kỷ niệm đẹp.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
  • Đề xuất giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật tại chùa Phổ Quang

    (Xây dựng) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Công văn số 4839/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề xuất giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật tại chùa Phổ Quang.

  • Sóc Trăng: Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo sẽ diễn ra từ ngày 9-15/11

    (Xây dựng) – Nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là các hoạt động văn hóa lễ hội; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.

  • Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024

    (Xây dựng) - UBND Thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch tổ chức Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 (The HaNoi Culinary Culture Festival 2024). Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 diễn ra trong 3 ngày (29-30/11 và 1/12) tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng).

  • Phát huy những giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, công tác bảo tồn phải luôn tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt, vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hoá vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần.

  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load