Thứ sáu 08/11/2024 14:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Câu chuyện xã hội hóa trong trùng tu di tích kiến trúc

Kỳ 3: Cần sớm hoàn thiện quy chế

14:38 | 07/04/2020

(Xây dựng) - Các trường hợp trùng tu bị biến dạng diễn ra ngày càng phổ biến cho thấy, sự cần thiết phải sớm hoàn thiện các quy chế về quản lý trùng tu di tích theo phương thức xã hội hóa.

ky 3 can som hoan thien quy che

Trường hợp sau khi trùng tu với các di tích quy mô nhỏ như cầu ngói chợ Thượng (Nam Trực, Nam Định) bị biến dạng không phải là cá biệt. Ngoại lệ cũng xảy ra với các công trình quy mô lớn, phần lớn đã được công nhận là di tích cấp quốc gia/ cấp tỉnh, tiêu biểu như trường hợp trùng tu chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), trùng tu đình Quang Húc (Ba Vì, Hà Nội), trùng tu chùa Sổ và chùa Khúc Thủy (Thanh Oai, Hà Nội), đình Ngọ Xá (Hiệp Hòa, Bắc Giang), trùng tu Lăng Ngô Quyền (Đường Lâm, Hà Nội), trùng tu Bia Quốc học Huế...

Các biểu hiện chung của các trường hợp này khi sử dụng nguồn vốn xã hội hóa bao gồm: (1) Thi công không đúng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt làm sai lệch yếu tố gốc cấu thành và biến dạng di tích; (2) Tự ý dịch chuyển vị trí công trình, mở rộng diện tích, thay đổi kiểu dáng hình thức kiến trúc, chuyển chất liệu nguyên gốc sang các loại vật liệu khác (thậm chí là chắp vá và khác biệt hẳn so với ban đầu như vật liệu bê tông); (3) Cơi nới xây dựng thêm công trình phụ; (4) Thay đổi phá vỡ cảnh quan, không gian truyền thống di tích.

Về nguyên nhân, có thể kể đến các nguyên nhân chính bao gồm: (1) BQL di tích dễ dàng “thỏa hiệp” phương án trùng tu theo yêu cầu của nhà tài trợ. (2) Đội ngũ tham gia tu bổ chủ yếu là các đội xây dựng, không có kiến thức về trùng tu, thiếu kiến thức về di sản, không chấp hành các quy định về trùng tu di tích, dẫn đến chất lượng di tích sau trùng tu không đảm bảo, gây nhiều bức xúc trong xã hội. (3) Việc xã hội hóa nhưng không làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng, để người dân - thông qua các hội đồng đại diện tự ý thay đổi kết cấu di tích trái pháp luật; không bảo tồn được các yếu tố gốc.

Luật Di sản văn hóa, Điều 34 đã nêu rõ quy định: "Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích… Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh. Tổ chức, cá nhân thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân".

Nghị định 98/2010/NĐ-CP và các văn bản dưới luật về triển khai các nội dung của Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng cũng quy định rõ nguyên tắc “Bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên bản cấu thành di tích, hạn chế can thiệp làm giảm hoặc thay đổi đặc điểm, giá trị di tích, đồng thời ưu tiên bảo quản, gia cố, sau đó mới đến tu bổ, tôn tạo khi triển khai trong quản lý và trùng tu di tích”.

Hiện nay, với số lượng khổng lồ hơn 3 nghìn di tích được xếp hạng cấp quốc gia, hơn 5 nghìn di tích được xếp hạng cấp tỉnh/ thành phố, phần nhiều có sự xuống cấp sau nhiều năm tồn tại thì tình trạng mòn mỏi chờ vốn từ ngân sách để trùng tu là khó tránh khỏi. Dưới góc độ quản lý văn hóa và bảo tồn di sản, hoàn toàn không thể phủ nhận những lợi ích và hiệu quả nhiều mặt của việc cộng đồng tham gia mạnh mẽ trong công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích kiến trúc lịch sử. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, nguồn xã hội hóa là một trong những nguồn lực tài chính để thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Do vậy, các cấp chính quyền có trách nhiệm bố trí kinh phí từ các nguồn lực, vận động, tuyên truyền nhân dân đóng góp để bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Tuy nhiên, các trường hợp được phản ảnh như trên diễn ra ngày càng phổ biến cho thấy sự cần thiết phải sớm hoàn thiện các quy chế về quản lý trùng tu di tích theo phương thức xã hội hóa.

Trước hết, cần sớm hoàn thiện các quy định trong hệ thống các văn bản pháp luật về quy trình quản lý công tác tu bổ di tích sử dụng nguồn lực xã hội hóa; trong đó một mặt triển khai đồng bộ hơn nữa phân cấp đầu tư tu sửa cấp thiết di tích cho địa phương thực hiện theo thẩm quyền quyết định đầu tư. Cho phép thành lập các tổ chức chuyên trách tiếp nhận và sử dụng nguồn lực xã hội hóa cho trùng tu di tích nhưng chịu sự giám sát của chính quyền, có trách nhiệm đồng thời giám sát các dự án được tổ chức này tài trợ, đảm bảo tính hiệu quả - tiết kiệm - tính chuyên môn kỹ thuật trong bảo tồn di sản. Đồng thời đẩy mạnh vai trò kiểm tra giám sát của các hội đồng chuyên gia chuyên ngành bảo tồn di sản, các cơ quan quản lý về văn hóa, bảo tồn di sản các cấp đối với từng trường hợp cụ thể dự án bảo tồn, trùng tu di tích lịch sử.

ThS.KTS Phạm Hoàng Phương
Và các cộng sự Phòng Lý luận phê bình và lịch sử kiến trúc (Viện Kiến trúc Quốc gia)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load