(Xây dựng) – Hàng trăm hộ dân có ruộng lúa tại thôn Buôn Triết, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) phản ánh về việc: Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Thanh Bình (HTX DVNN Thanh Bình) hơn 10 năm nay đã “tham ô” hàng chục tỷ đồng tiền thủy lợi phí của các nông hộ. Điều đáng nói là đơn vị này “thu lợi” từ những công trình xây dựng mà Nhà nước đã đầu tư cho nhân dân.
Hệ thống kênh mương nội đồng được Nhà nước đầu tư, nông hộ còn được hỗ trợ 100% tiền thủy lợi phí. Thế nhưng khi giao cho HTX DVNN Thanh Bình thì số tiền của người dân bị “cắt xén, ăn bớt” hàng trăm tỷ đồng. |
Kêu gọi người dân vào HTX để trục lợi?
Làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, nhiều nông hộ tại thôn Buôn Triết, xã Dur Kmăl, luôn tỏ ra bức xúc lẫn cảm giác bất lực. Bởi hàng chục năm qua số tiền Thủy lợi phí do Nhà nước hỗ trợ cho người dân đã “không cánh” mà bay vào tư túi của HTX DVNN Thanh Bình.
Đứng trong đơn tố cáo đích danh ông Nguyễn Văn Sanh (Giám đốc HTX DVNN Thanh Bình), bà Nguyễn Thị Dung (SN 1967, thôn Buôn Triết, xã Dur Kmăl) bức xúc, hộ gia đình sau khi được vận động vào HTX DVNN Thanh Bình với diện tích 6ha ruộng lúa. Trong đó, 5ha lúa nước gia đình tự mua máy bơm để tưới, 1ha còn lại sử dụng máy bơm của HTX. Điều đáng nói, từ năm 2012-2019, (trong 5ha ruộng lúa tự đặt máy bơm - PV) thì HTX Thanh Bình chỉ chi trả chỉ từ 55.000 – 150.000 đồng/sào/năm.
Với 1ha lúa nước sử dụng máy bơm của HTX, thì gia đình bà Dung không được hưởng thủy lợi phí của Nhà nước mà phải bỏ tiền túi mỗi năm 200.000 đồng/sào/năm. “Theo tìm hiểu của tôi thì mỗi năm Nhà nước hỗ trợ cho người dân trồng lúa nước 328.000 đồng/sào/năm. Tuy nhiên, khi được vận động vào HTX Thanh Bình, thì số tiền hỗ trợ đã bị “ăn chặn” rất nhiều. Thậm chí từ năm 2019 đến nay HTX Thanh Bình, đã không hỗ trợ khoản thủy lợi phí cho tôi và hàng trăm hộ dân trong thôn Buôn Triết. Đã nhiều năm nay tôi đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng từ địa phương lẫn Trung ương để tìm quyền lợi chính đáng nhưng vụ việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm”, bà Dung bức xúc.
Dù được Nhà nước đầu tư Trạm bơm nhưng mỗi hộ dân phải trả 200.000 đồng/sào/năm gây bức xúc. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 1985 hàng trăm hộ dân đi kinh tế mới đã vào vùng đất thôn Buôn Triết để sinh sống. Đến năm 1986 những nông hộ này tự khai hoang, kênh tác trên những diện tích ruộng cho đến nay. Năm 2006, điện lưới quốc gia được kéo về, cũng là lúc hệ thống kênh mương, trạm bơm nước vào nội đồng thôn Buôn Triết được Nhà nước đầu tư.
HTX DVNN Thanh Bình cũng được hình thành từ đó, và cứ mỗi năm từ năm 2006 - 2012, mỗi hộ dân có ruộng lúa lấy nước vào ruộng đều phải đóng 160.000 đồng/sào/năm cho HTX. Năm 2012, HTX Thanh Bình mới yêu cầu người dân thống kê diện tích đất ruộng của từng hộ để tổng hợp nhằm xin tiền hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước theo quy định. Nhưng việc chi trả tiền thủy lợi phí cho các hộ dân từ đó tới nay là một ẩn số bởi HTX DVNN Thanh Bình chưa một lần công khai thu chi để người dân được biết.
Tiếp tục câu chuyện ông Nguyễn Năng Nghĩa (SN 1960, người dân thôn Buôn Triết) cho rằng, hệ thống trạm bơm, kênh mương được Nhà nước đầu tư cho dân, thậm chí nhân dân cùng chung tay xây dựng. Nhưng tại sao lại giao cho Hợp tác xã quản lý? “Việc HTX thu tiền điện để vận hành máy bơm hàng năm là đúng. Nhưng tại sao khi chúng tôi kê khai diện tích năm 2012, để được hưởng tiền thủy lợi phí. Thì HTX lại trả thiếu, thậm chí nhiều năm không chi trả tiền hỗ trợ cho người dân mà thu thêm các khoản khác?”, ông Nghĩa băn khoăn.
Cánh đồng thôn Buôn Triết, xã Dur Kmăl được Nhà nước đầu tư hệ thống kênh mương thế nhưng HTX DVNN Thanh Bình, lại hưởng lợi thậm chí thu thêm tiền của hàng trăm hộ dân. |
Cũng theo bà Dung, sau khi không được hưởng khoản Thủy lợi phí từ năm 2019 bà đã viết đơn tố cáo đích danh ông Nguyễn Văn Sanh (Giám đốc HTX DVNN Thanh Bình), thì bị doanh nghiệp này “trả đũa” bằng cách cắt điện phục vụ nông nghiệp đột ngột, nhưng không thông báo, kéo dài cả tháng gây thiệt hại lớn cho kinh tế gia đình bà Dung. Vụ việc đã được bà Dung cùng nhiều hộ dân báo lên chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa xử lý.
Hộ ông Nguyễn Văn Sửa (SN 1957, thôn Buôn Triết) cho biết, gia đình ông Sửa có 6ha ruộng lúa vào HTX DVNN Thanh Bình, gia đình sử dụng máy riêng để phục vụ sản xuất. Thế nhưng gia đình ông Sửa chỉ được nhận được hỗ trợ tiền thủy lợi phí được 3 năm đầu (từ 2012-2015), từ 2015 đến nay gia đình ông không được hưởng thêm một đồng nào từ tiền hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước. “HTX kêu gọi chúng tôi vào để được hưởng thủy lợi phí, thế nhưng trả cho gia đình tôi được 3 năm, một năm chỉ trả hơn 100.000 đồng/sào, năm trả cao nhất 200.000 đồng/sào/năm”, ông Sửa thông tin.
Huyện giao cho Công an điều tra
Tại biên bản làm việc ngày 20/04/2022, tại trụ sở Ban tiếp công dân UBND huyện Krông Ana, do ông Nguyễn Thanh Vũ – Chủ tịch UBND huyện chủ trì cùng các Phòng, ban chuyên môn gồm: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phòng Tài Chính – Kế Hoạch; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Kinh Tế và Hạ tầng; Công an huyện; Điện lực huyện Krông Ana…
Tại buổi làm việc, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Theo quy định thì Nhà nước hỗ trợ tiền Thủy lợi phí cho người dân nhưng việc chi trả được thực hiện trực tiếp cho các tổ chức, HTX DVNN Thanh Bình - là đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác thủy lợi tại đây. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý có thể HTX DVNN Thanh Bình chưa thực hiện việc minh bạch về hồ sơ”, Trích biên bản làm việc.
Trạm Bơm chống ngập úng, khô hạn được Nhà nước đầu tư cho cánh đồng thôn Buôn Triết. Thế nhưng, HTX DVNN Thanh Bình lại trục lợi tiền thủy lợi phí khiến người dân bức xúc. |
Cũng theo biên bản làm việc, ý kiến của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc HTX DVNN Thanh Bình thu thêm tiền vì thiếu kinh phí hoạt động hay lý do khác thì phải được sự thống nhất của người dân tại Hội nghị HTX một cách cụ thể và rõ ràng.
Điều đáng nói trái ngược với điều trên, theo hàng trăm hộ dân có diện tích lúa nước tại thôn Buôn Triết, thì từ khi vào HTX DVNN Thanh Bình, hàng chục năm nay Giám đốc HTX Thanh Bình, chưa hề tổ chức cuộc họp dân nào để giải quyết các thắc mắc, cũng như minh bạch trong việc thu chi tiền thủy lợi phí cho các nông hộ. Những bức xúc của người dân địa phương đè nén hàng chục năm qua nhưng không biết kêu ai và tìm ai để giải quyết.
Trạm bơm các hộ dân tự đầu tư xây dựng, nhưng tiền thủy lợi phí vẫn bị HTX DVNN Thanh Bình, “cắt xén” thậm chí đến nay không chi trả. |
Cũng theo biên bản làm việc, sau khi nghe bà Nguyễn Thị Dung (người tố cáo) trình bày các nội dung liên quan, ông Nguyễn Thanh Vũ – Chủ tịch huyện Krông Ana kết luận. “Theo quy định của pháp luật thì việc chi trả tiền thủy lợi phí do Nhà nước hỗ trợ 100% người dân nhưng chi trả trực tiếp cho HTX DVNN Thanh Bình. Việc bà Dung tố cáo ông Sanh tham nhũng, tham ô tiền thủy lợi phí thì Công an sẽ thực hiện điều tra theo Đơn tố cáo. Việc ông Sanh có sai phạm hay không phụ thuộc vào kết luận của Công an sau khi điều tra”, Trích từ biên bản làm việc.
Trong kết luận biên bản làm việc đã nêu rõ, việc điều tra sai phạm, tham ô, tham nhũng của ông Nguyễn Văn Sanh - Giám đốc HTX DVNN Thanh Bình giao cho Công an huyện Krông Ana điều tra. Nhưng đã 2 năm trôi qua hàng trăm hộ dân vẫn mỏi mòn chờ đợi kết luận điều tra, trong khi đó quyền lợi của người dân đang mất dần bởi phải phụ thuộc vào HTX DVNN Thanh Bình.
Đối với những nội dung phản ánh nêu trên, Báo điện tử Xây dựng đề nghị các cơ quan chức năng của huyện Krông Ana vào cuộc, điều tra làm rõ và có thông tin phản hồi đến Báo điện tử Xây dựng, để Báo hồi âm cùng bạn đọc.
Ngọc Giang
Theo