(Xây dựng) - Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo văn bản số 386/BDN ngày 29/10/2020 với các nội dung kiến nghị: Việc quy định giao Sở Xây dựng tổ chức lập phương án giá dịch vụ thoát nước, giá dịch vụ nghĩa trang, hỏa táng mà không phải chủ đầu tư sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì Sở này không phải là đơn vị trực tiếp đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành các công trình…
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Trả lời kiến nghị cử tri về nội dung nêu trên, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng:
Việc thực hiện và quản lý dịch vụ thoát nước là một trong những trách nhiệm căn bản và cấp thiết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm ổn định đời sống của người dân tại các đô thị và khu dân cư tập trung. Trong thực tế hiện nay, nguồn vốn chủ yếu để thực hiện dịch vụ thoát nước vẫn là ngân sách nhà nước.
Do đó, để quản lý nguồn vốn dành cho lĩnh vực này, tránh thất thoát thất thu ngân sách nhà nước; đảm bảo được hiệu quả của dịch vụ thoát nước, việc giao Sở Xây dựng chủ trì xây dựng, kiểm soát giá dịch vụ thoát nước đối với hệ thống thoát nước được đầu tư từ ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải là phù hợp, thể hiện vai trò quản lý của cơ quan chuyên ngành tại địa phương đối với việc cung cấp dịch vụ công ích trên địa bàn.
Trên cơ sở yêu cầu đơn vị được giao là chủ đầu tư (chủ sở hữu) và đơn vị thoát nước (đơn vị quản lý, vận hành) lập phương án giá dịch vụ thoát nước, Sở Xây dựng kiểm tra, xác định phương án giá dịch vụ thoát nước phù hợp với điều kiện thực tế thực hiện và các quy định có liên quan, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND cấp tỉnh quyết định.
Tương tự, đối với nội dung kiến nghị liên quan đến nghĩa trang, giá dịch vụ hỏa tang, đại diện Bộ Xây dựng cho biết theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016, Chính phủ đã giao Sở Xây dựng các địa phương là cơ quan tổ chức lập giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng (tổ chức, yêu cầu và phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng phương án giá theo quy định) đối với các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Phía Bộ Xây dựng cũng khẳng định việc tổ chức lập giá dịch vụ giao Sở Xây dựng thể hiện vai trò quản lý của cơ quan chuyên ngành, kiểm soát và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách đối với việc cung cấp dịch vụ công ích trên địa bàn.
Theo đó, trên cơ sở phương án giá do chủ đầu tư lập theo yêu cầu, Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra xác định giá dịch vụ nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phù hợp với điều kiện thực tế của quá trình thực hiện dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng của dự án và các nguyên tắc xác định giá khác theo quy định của pháp luật, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đã ban hành phương pháp định giá dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ hỏa táng tại Thông tư số 14/2018/TT-BXD ngày 28/12/2018 làm cơ sở để lập, thẩm định, phê duyệt giá dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ hỏa táng đối với các nghĩa trang và cơ sở hỏa táng được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Đối với các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, chủ đầu tư là đơn vị lập và phê duyệt giá.
Việc thực hiện dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng trong thực tiễn được xã hội hóa, có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư tư nhân với nhiều mức giá khác nhau tùy thuộc chất lượng dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Do đó việc ban hành khung giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng chung để áp dụng cả nước là không cần thiết.
Khánh Diệp
Theo