Thứ tư 13/11/2024 04:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Hướng về Hà Nội

15:47 | 07/12/2019

(Xây dựng) - Hà Nội đã vào đông. Từng cơn gió mùa Đông Bắc vi vu thổi, không đủ làm người dân run cầm cập nhưng cũng làm những trái tim xích lại gần nhau, cùng hướng về lăng Bác. Tháng 12 tính là mùa lạnh, giờ tổ chức lễ Thượng cờ được dịch trễ nửa tiếng so với mùa nóng.

Hướng về Hà Nội

Đêm hôm trước, tôi cứ háo hức được xem quốc kỳ ở lăng Bác như một đứa trẻ, rồi thiếp đi lúc nào không biết. 5 giờ sáng, tôi đã dậy, phóng xe máy đến gần lăng. Dạo này không giống như ngày xưa, ai muốn vào thăm lăng thì phải gửi xe ở rất xa. Các đoàn khách quốc tế đến chơi thì họ có xe ô tô lớn đưa đón, đỗ ở gần lăng và chỉ việc đi bộ vào. Từ nhà ở Thụy Khuê, tôi đến lăng chỉ 10 phút, thấy còn sớm bèn ra Ngọc Hà làm chén chè sáng. Mang tiếng dân Hà Nội mà mỗi lần thượng cờ hay hạ cờ cũng chỉ đi qua, rồi dừng lại ngắm một chút sau đó lao vào dòng người trên đường vội vã. Lần này, tôi quyết tâm phải vào lăng, đứng tĩnh tâm ngắm nhìn lá cờ bay trong gió. Hồi hộp như lúc sắp vào Đảng!

Ngồi cạnh tôi ở quán nước là ông Năm, một khách du lịch từ Bến Tre ra thăm lăng Bác. Thật lạ, một ông già bán cơm tấm, sáng chiều phủ khói bụi đầy người, quanh năm sớm khuya bươn chải, cầm từng đồng năm mười ngàn mưu sinh suốt ba mươi mấy năm, giờ lại quyết tâm ra Hà Nội thăm lăng. Thường các anh chị miền Nam ra ít nhiều có thái độ dè dặt, nhất là khi vào quán xá. Vậy mà ông Năm tỉnh re. Cách nhau dễ đến ba chục tuổi mà ông cứ “ông” với “tui” hồn nhiên: “Này, tui ấp ủ mãi rồi mới đi chuyến này đấy ông. Cứ tưởng lạnh lắm ngờ đâu chỉ man mát ha”. Tôi xua tay: “Mới đầu mùa đông thôi bác ơi, mấy ngày nữa là rét sun đấy”. Ông Năm cười tít mắt: “Quê tui nóng hầm hập, ra đây lạnh chút càng sướng”. Hà Nội trong mắt người đàn ông miệt vườn này đẹp đến lạ lùng, dù ở quê ông cũng phong cảnh hữu tình, cũng vườn cây xanh mướt. Ông bảo, đối với người dân trong mấy tỉnh phía Nam, trừ Sài Gòn ra thì ít có dịp đi đây đi đó. Ông cũng làm ăn chăm chỉ, gọi là có tinh thần lao động hăng say theo lời Bác, cũng tích cực từ thiện giúp người, nay ra gặp Bác lại có chút tự hào.

Quay qua bên trái, ông Hiếu, khách từ đoàn Cần Thơ gật gù: “Tui mang cái áo khoác, định khoác vô nếu có lạnh, mà đâu đến nỗi”. Ông cầm chén chè nóng, làm một ngụm to rồi thở đánh “khà” một cái. Ông bảo, mình đã có thời gian làm ở Hà Nội hai năm rồi mới về Nam. Giờ ông lại thèm cái cảm giác ngồi quán nước bên vỉa hè Thủ đô uống chè ăn kẹo lạc, thấy lại muốn lên đây làm ăn gì đó. Hóa ra người Nam còn có những câu chuyện thú vị như vậy. Giờ người miền Nam ở Hà Nội cũng nhiều rồi, đâu còn lác đác như xưa. Họ có điểm đáng nể là là hòa nhập lối sống rất nhanh, trong kia sống gấp thì ở đây cũng bình lại, thủng thẳng đón đưa câu chuyện. Chỉ thế thôi mà cũng tạo nét phong phú cho văn hóa Hà Nội. Gọi thêm chén nước chè, ông Hiếu bảo, tuổi ông uống chè thế này chắc sẽ mất ngủ, nhưng là để tỉnh táo thăm lăng Bác cả ngày.

Những người con miền Nam ra thăm lăng Bác có tâm thế háo hức đến nao lòng. Những người không quen biết nhau, sống cách xa nhau như tôi và các ông lại có chuyện để nói, và câu chuyện đó có thể nói mãi không chán. Có lẽ, đó là thứ cơ duyên đất nước, cơ duyên của một người mang danh dân Hà Nội có thể giới thiệu về thành phố thân thương của mình với những tấm lòng phương xa.

Đúng 6 giờ 30 phút sáng, Lễ Thượng cờ bắt đầu. Đội tiêu binh với 34 người tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân bước đi từng nhịp răm rắp, nghiêm trang trong tiếng nhạc của ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”. Rồi lá Quốc kỳ thiêng liêng được kéo lên, bay phấp phới trên đỉnh cột cờ. Ba chúng tôi hoà vào những người dân Hà Nôi, vốn túm tụm trò chuyện, này đã dừng lại, tự động xếp thành hàng ngũ ngay ngắn. Ông Năm khe khẽ hát theo lời Quốc ca bằng chất giọng run run, cái giọng miền Nam phóng khoáng chắc chẳng mấy khi hát dù tối ngày hò hét bên bếp than. Trong bầu không khí thiêng liêng đó, tôi nhìn sang ông Hiếu, thấy hai giọt nước mắt chậm chậm trào qua khoé mắt, lăn dài trên đôi má gầy gò. Chẳng dám nhìn lâu, tôi hướng thẳng về phía lá Quốc kỳ đang hùng dũng tung bay theo gió. Trong hàng người đứng chào cờ, thấy đủ chất giọng của các vùng miền, tất cả đều hướng về đây, nơi Thủ đô anh hùng, nơi nuôi dưỡng nỗi nhớ nhung bao lâu, và giờ đây, tình cảm của những người con khắp mọi miền Tổ quốc bỗng dạt dào, bùng cháy. Nghe Quốc ca, cúi đầu trước lá cờ tổ quốc, thấy mình thật bé nhỏ và cần phải cố gắng nhiều hơn, nhưng tôi cũng tự hào vì tình yêu tổ quốc, yêu Bác Hồ vẫn tồn tại trên khắp mọi miền đất nước, ngay cả ở nơi đây, nơi Thủ đô xô bồ, náo nhiệt.

Chúng tôi vào lăng viếng Bác, rồi thăm nhà sàn, áo cá, nơi Bác đã từng làm việc. Thời gian trôi qua chậm quá, tôi không dám hỏi hai người đàn ông miền Nam xem họ cảm nhận ra sao, cũng không dám giục họ sang thăm kỷ vật khác vì họ cứ đứng trầm ngâm rất lâu ở mỗi điểm. Có lẽ trong mắt họ bây giờ, cuộc đời của Bác Hồ kính yêu đang được chiếu trong tâm hồn như một bộ phim vô cùng chân thặt, dù đã bị che nhoà đi bởi nước mắt.

Bước ra cổng sau khu di tích, chúng tôi ngoái lại chào tạm biệt một khoảng thời gian tuyệt đẹp trong đời. Nếu chỉ đi một mình hay đi với gia đình, chắc tôi không thể có niềm tự hào to lớn khi là người Hà Nội như vậy. Bất giác, tôi muốn họ được cảm nhận nhiều hơn nữa ở Thủ đô, tôi kéo ông Năm và ông Hiếu lại, rủ họ dạo bộ trên phố. Xe máy vẫn để ở bãi, ba người đàn ông cả già, cả trẻ lang thang đi bộ qua vỉa hè Phan Đình Phùng dưới tán sấu cổ thụ, thẳng bốt Hàng Đậu mà tiến. Dưới đường, từng dòng xe cộ nối đuôi nhau sin sít. Đường tới ba sáu phố cổ dường như ngắn lại, có phải do tiếng râm ran của các em học sinh mấy trường gần đó.

Chúng tôi đi qua nhà thờ Cửa Bắc. Trong đầu đã nghĩ kiểu gì hai ông cũng vào để ngắm nên đã chuẩn bị sẵn mấy dòng giới thiệu trong đầu. Còn gần 2 tháng nữa mới đến Noel nhưng không khí Giáng sinh dường như đang lan tỏa, rực cháy. Hà Nội thật tuyệt vời, khi đã là nét đẹp văn hóa thì con người luôn đồng cảm, hòa cùng với nhau thưởng thức. Do hồi nhỏ sống ở ngay cạnh đây, tôi có thể đọc vanh vách lịch sử nơi này. Dù đã lâu không làm hướng dẫn viên, tôi vẫn nhớ mấy điểm quan trọng: Nhà thờ Cửa Bắc được xây dựng từ năm 1925 – 1930 (sau này được trung tu lại năm 2014) nhằm kỷ niệm sự kiện cha Alexandre de Rhodes - người được coi là khai sinh ra chữ quốc ngữ lần đầu tiên đặt chân lên đất Thăng Long - Hà Nội. Nơi đây từng đón Tổng Thống Mỹ George Bush cùng phu nhân tới cầu nguyện trong dịp nước ta tổ chức APEC-14 năm 2006. Điểm đặc biệt trong kiến trúc của nhà thờ Cửa Bắc là không gian phi đối xứng với một tháp chuông vút cao phía bên sảnh chính. Điều này khiến công trình trở nên đặc biệt vì thường kiến trúc Thiên Chúa giáo phải đối xứng rất nghiêm chỉnh. Kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard đã khéo léo khai thác một cách khéo léo nguyên tắc tổ hợp nhà thờ thời Phục Hưng để tạo ra kiến trúc độc đáo của nhà thờ Cửa Bắc, điều làm nhiều du khách ngạc nhiên và thích thú khi ngắm nhìn nơi đây. Cảm xúc trong tôi vẫn vẹn nguyên như thời thơ bé khi ngắm nhìn hai hàng cột song song tựa như thời gian và không gian vô tận, đó là cảm giác tĩnh lặng vô cùng, để cảm nhận cái mênh mông vô tận của dòng chảy thời gian, cảm được văn hóa của tôn giáo.

Trên con đường chúng tôi đi, bên nhà cửa san sát và quán xá tấp nập, tiếng rao của các bà, các chị bán hàng rong vẫn lanh lảnh, thánh thót. Ngay cả khi tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt, cả khi có những trung tâm thương mại, có những siêu thị rộng lớn thì vẫn còn nhiều người mua hàng rong như một thói quen, và như vậy hàng rong vẫn tồn tại bất chấp thời gian, trở thành hình ảnh thân thuộc của Hà Nội - thành phố vì hòa bình. Hai ông già lại đứng lặng yên bên vườn hoa Hàng Đậu, hỏi sao đứng đó, hai ông đều bảo nghe tiếng rao sao hay thế.

Cũng đến lúc phải chia tay. Ông Năm nói, sau chuyến đi này, ông phải “cày” thêm để còn có dịp ra Hà Nội lần nữa. Chưa bao giờ ông mong được sống như lúc này. Khi còn trẻ, ông cũng muốn sống nhưng sẵn sàng hy sinh nếu Tổ quốc cần. Còn giờ đây ông mong sống để góp thêm chút ích cho đời, để hướng về Bác, hướng về Thủ đô. Ông Hiếu còn “tham lam” hơn, muốn cho cả đàn con cháu ra Hà Nội chơi. Dù tôi đã dặn bánh cốm chỉ để được ba ngày, ông vẫn mua rất nhiều, xách nặng trĩu tay: “Tui về là nhớ Hà Nội lắm đó nha”. Tạm biệt những người con của miền Nam nặng lòng với Tổ quốc, cảm xúc trong tôi vừa thấy bồi hồi khác lạ, vừa thấy tự vấn lương tâm. Họ ở xa như thế mà lòng vẫn hướng về Thủ đô, nơi có lăng Bác thiêng liêng. Còn tôi, ngày ngày ở đây, sao không thể cố gắng thêm chút nữa để xứng với tấm lòng của họ? Tôi chợt nhớ lại bài thơ mà ông Năm xuất khẩu lúc dừng chân trên đường Xoài:

“Tiếng lòng người Nam Bộ

Ngày ngày hướng về đâu?

Trái tim còn trăn trở

Lặng yên đến bạc đầu

Dưới cờ con chào Bác

Chỉ biết nói thế thôi

Gần cuối đời mới biết

Tim đã ở đây rồi!”.

H. Trung

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load