(Xây dựng) - Sáng nay trên đường về nhà bố mẹ, ngang qua ngõ nhỏ, tôi gặp một bà cụ lưng đã còng, tay bê một rổ thị vàng ươm. Tôi vội dừng xe:
- Bà ơi, bán cho cháu mấy quả thị!
- Đây cháu! Cây thị mật nhà bà đấy, thơm lắm, ngọt lắm!
- Vâng! Để cháu chọn ít quả!
- Lấy thêm mấy quả nữa này cháu! Rồi cho bà xin 10 ngàn.
- Sao bà lấy rẻ vậy ạ?
- Ôi! Rẻ đắt gì hả cháu? Của nhà bà mà! Bữa nay may có đứa cháu chịu khó hái cho mà đi bán đó cháu ạ! Chứ không để thị rụng khắp vườn, bà thấy không đành!
Đưa túi thị cho tôi xong, bà lại tiếp tục những bước đi nặng nề về hướng chợ. Nhìn bà tôi thấy rưng rưng! Vì nhớ hình ảnh bà ngoại, vì cái sự “không đành” của bà với những quả thị và vì... nhớ tuổi thơ!
Quê tôi đất chật người đông, lại là dân vùng biển nên thói quen trồng cây ăn trái cũng không nhiều như vùng khác. Nhưng không hiểu sao, quê tôi hồi ấy thị được trồng khá nhiều. Đến bây giờ tôi và bạn bè cùng lứa có thể đọc vanh vách tên của những nhà có cây thị. Nhà bà ngoại tôi cũng có một cây thị khá to, hàng xóm xung quanh cũng có những cây thị sum sê không kém. Trường tôi học lại gần đó. Vậy nên, đến mùa thị, lớp học rồi áo quần chúng tôi như được ướp trong hương thị ngọt ngào vì đứa nào cũng cố gắng mua hoặc xin mấy quả thị để đưa vào lớp. Rồi những quả thị ấy lại theo chúng tôi về nhà. Có đứa thì thích vân vê quả thị cho thật mềm rồi ăn - vì thị cũng rất ngọt, có đứa thì chỉ thích đặt nó ở bàn học để mà hít hà cái mùi hương chẳng thể giấu đi đâu ấy. Giữa đêm, trong giấc ngủ chập chờn, trong những cơn mộng mị của lũ trẻ, có những câu chuyện ma đầy ám ảnh, có những trò chơi, có tiếng í ới gọi nhau, có bà Tiên tóc trắng, có cô Tấm thảo hiền, có mùi thị vấn vít... Cứ thế, những quả thị ngọt lành đi cùng tuổi thơ vừa êm đềm vừa dữ dội của chúng tôi.
Thị thường chín rộ vào độ cuối tháng 6 rồi kéo dài sang tháng tận tháng 7, tháng 8 âm lịch. Và trên mâm cỗ cúng Lễ Vu Lan rồi rằm tháng 8 của quê tôi hồi ấy ngoài chuối, bưởi, na, ổi... tôi còn thấy màu vàng nổi bật của những quả thị. Mùi thơm của thị quyện với mùi thơm của hương trầm tạo nên một mùi hương không thể trộn lẫn, nó ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Nó đặc quyện, đậm đà như chính tấm hiếu nghĩa của những đứa con, đứa cháu với mẹ cha, tiên tổ. Mùi hương ấy, tôi cứ thích gọi là hương quê!
Khi những quả thị chuyển từ xanh sang vàng như những nốt nhấn trên những cành cao cũng là mùa thu tới. Màu vàng hươm của quả thị như tiếng gọi, như đồng điệu với những vạt nắng thu đang dạo chơi trên khắp đường quê. Màu vàng ấy tôi gọi là màu thu, mùi hương ấy tôi gọi là hương mùa thu. Thu của vùng quê biển. Nếu thu của những làng bên là mùi lúa chín ngọt lành, mùi bưởi thơm náo nức thì quê tôi chính là mùi hương ngọt ngào, đặc quyện của những quả thị!
Với nhiều người, nhất là những người sinh ra từ làng nhưng sống ở phố hoặc xa xứ, nó trở thành mùi của kí ức, mùi của tuổi thơ, mùi của quê hương, mùi của mùa. Người nào còn vấn vương với mùi quả thị là những người vẫn nặng lòng với quê, vẫn còn muốn trân trọng, nâng niu những cái gì đã thành miền thương nhớ nơi thôn quê bình dị. Và tôi thấy mến thương thật nhiều những con người như thế!
Bây giờ, cứ mỗi độ thu thị khoác trên mình màu vàng như nắng cũng có nghĩa là mùa thu đang độ ngọt. Trên những nẻo đường quê, mùi thơm ngọt ngào của thứ quả đặc biệt ấy như níu những bước chân qua. Bọn trẻ vẫn tung tăng đi học, vẫn cười nói rổn rảng. Liệu trong vô số những đứa trẻ đi qua mùa thu ấy, đi qua mùa thị ấy có đứa nào chưa từng được đắm chìm trong mùi hương quả thị? Trẻ ở phố chắc không thường xuyên, trẻ ở quê thì cũng có vẻ ít dần đi khi bố mẹ chúng không để ý, khi chúng có nhiều trò vui.
Nhưng tôi tin, hương quê vẫn còn đó dù nó có phần nhạt nhòa. Hương thu vẫn còn đó dù lòng người có chút hững hờ, thoáng qua!
Tự dưng thấy nhớ... những mùa thị đã qua!
Hương Nguyễn
Theo